| Hotline: 0983.970.780

Hôm nay, nước Mỹ đi bỏ phiếu: Thế giới trên bàn cờ Trump - Biden

Thứ Ba 03/11/2020 , 04:59 (GMT+7)

Với Donald Trump là chủ nghĩa dân tộc “Nước Mỹ trên hết”; với ông Joe Biden, đó là quan điểm truyền thống về vai trò, lợi ích gắn chặt với các thể chế quốc tế.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Donald Trump - Joe Biden. Ảnh: AFP.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ: Donald Trump - Joe Biden. Ảnh: AFP.

Tony Arend, giáo sư Đại học Georgetown khẳng định ông chẳng hề quá lời khi nhận định “tương lai của trật tự thế giới đang bị đặt lên bàn cân”. Theo Arend, “chúng ta (nước Mỹ) đang chứng kiến hai quan điểm khác biệt mang tính nền tảng về thế giới cần như thế nào và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên giới”.

Thế giới trong chính sách của Tổng thống Donald Trump là chủ nghĩa dân tộc “Nước Mỹ trên hết”, từ bỏ các thỏa thuận quốc tế, vừa mang tính đơn phương, cá nhân lại thất thường.

Với ông Joe Biden, đó là quan điểm truyền thống về vai trò, lợi ích gắn chặt với các thể chế quốc tế được thiết lập sau Thế chiến II, có điểm chung với giá trị được phương Tây chia sẻ và nước Mỹ dẫn đầu trong các liên minh toàn cầu.

Với đồng minh

Đã không ít lần đồng minh phương Tây của Mỹ nhận lấy những lời lẽ gần như là xúc phạm, trong khi có những đối thủ hiện vẫn trong danh sách kẻ thù lại được chèo kéo. Đó là những gì diễn ra trong 4 năm qua. Trong khi trong chương trình hành động của ông Biden lại là cam kết sửa chữa, hàn gắn mối quan hệ bị rạn nứt, đặc biệt là NATO, tái hòa nhập với các liên minh có tính toàn cầu.

Danh sách “Cần làm ngay” của ông Biden còn được cho là trở lại với Tổ chức Y tế thế giới, nhận lãnh trách nhiệm dẫn đầu chống dịch Covid-19.

Biến đổi khí hậu

Ông Biden chắc chắn sẽ tham gia trở lại Nghị định thư Paris về biến đổi khí hậu, đặt đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, điều mà ông Trump có thể coi là vứt bỏ hoàn toàn tại thời điểm này.

Đây là lĩnh vực hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ khác biệt tuyệt đối. Ông Trump coi chống biến đổi khí hậu là mối đe dọa với nền kinh tế, lại khuyến khích năng lượng hóa thạch. Trong khi đó, ông Biden quảng bá kế hoạch huy động 2.000 tỷ USD để đạt được mục tiêu vạch ra trong Nghị định thư Paris.

Iran

Ông Biden sẵn sàng đưa nước Mỹ trở lại thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran mà ông Trump vứt bỏ suốt mấy năm qua. Ông Trump nói thỏa thuận chỉ có lợi cho Iran và rằng cộng đồng quốc tế bị đe dọa, đưa hầu hết các định chế tài chính Iran vào danh sách đen (cấm vận).

Ông Biden thì khẳng định kiểu gây sức ép như vậy đã thất bại, chỉ làm tăng căng thẳng. Tuy nhiên, ông Biden đồng tình không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nếu chưa có đàm phán mới để giải tỏa mối lo của Mỹ.

Khủng hoảng khối Ảrập - Israel

Ông Biden ủng hộ chính sách kết nối Israel - UAE của ông Trump. Từ “chiếm đóng” không có trong suy nghĩ của cả hai ứng cử viên liên quan đến mâu thuẫn Israel - Palestine. Điểm khác biệt có thể nhìn thấy được là ông Biden không chọn cùng cách tiếp cận vấn đề đất đai ở Bờ Tây với ông Trump, dù cùng tư duy đó không phải “chiếm đóng”, nhưng quyền và quyền lợi của người Palestine cần được nhìn nhận tích cực hơn.

Nước Nga

Trong khi ông Trump luôn nhắc đến quan hệ và kỳ vọng có quan hệ tốt hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì bộ máy của ông lại chọn cách tiếp cận cứng rắn và không ngừng nới rộng các điều khoản cấm vận.

Ông Biden nhiều khả năng cũng nhìn nhận tương tự, nhưng không phát đi những tín hiệu lẫn lộn như vậy. Ông Biden rất dứt khoát về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ cũng như việc “treo thưởng lấy đầu” binh sĩ Mỹ ở Afghanistan, những điều mà ông Trump hay lờ đi.

Ông Biden cũng chọn cách kéo dài hiệu lực các hiệp ước kiểm soát vũ khí đã ký với Nga, còn ông Trump thì đã rút lui và yêu cầu đàm phán lại.

Trung Quốc

Năm 2017, ông Trump vẫn thích thú mỗi lần gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng nhanh chóng sau đó là những lời chỉ trích “tư duy chiến tranh lạnh”, làm lây lan virus Corona mới...

Nhưng không hẳn chỉ có một mình ông Trump. Lưỡng đảng Dân chủ, Cộng hòa tại cả 2 Viện Quốc hội đều thống nhất quan điểm về Trung Quốc, nên việc xử lý mối quan hệ chỉ còn khác biệt ở khâu chiến thuật. Ông Biden có khả năng tiếp nối gần triệt để “chính sách Trump”, khác biệt chỉ nằm ở chỗ sẽ phối hợp nhiều hơn với đồng minh của Mỹ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.