| Hotline: 0983.970.780

Đêm vỡ òa đón ba người con của biển trở về từ cõi chết

Thứ Tư 04/11/2020 , 07:40 (GMT+7)

Khi lằn ranh giữa sống và chết rất mong manh, thì 3 thuyền viên trên tàu cá bị chìm được cứu vớt. Sự sống của họ thần kỳ như trở về từ cõi chết…

Đói ăn xốp, khát uống nước mưa

Chiều 3/11, làng chài Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn,Bình Định) vốn rất yên ắng giờ xôn xao hẳn lên. Họ là người thân, người hàng xóm đến đón mừng 3 thuyền viên trên tàu cá BĐ 97469 TS bị chìm trong bão số 9 trở về. Sau 2 ngày 2 đêm vật vã với sóng dữ, gió to, mưa lạnh mà họ vẫn sống để được tàu hàng M/V Fortune Iris của Hồng Kông cứu.

Sự sống sót của họ là quá thần kỳ, nay họ được chính quyền địa phương đón, đưa về quê. Đó là các anh Võ Văn Hoài (35 tuổi), Lê Minh Don (20 tuổi) và Huỳnh Xuân Phi (35 tuổi), cùng ở xã Hoài Hải.

Ngư dân trẻ Lê Minh Don (ngồi giữa) kể lại chuyện sống sót thần kỳ của 3 ngư dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân trẻ Lê Minh Don (ngồi giữa) kể lại chuyện sống sót thần kỳ của 3 ngư dân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi xe đưa 3 thuyền viên từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về làng chài Hoài Hải, vừa dừng trước nhà ngư dân Lê Minh Don thì có hàng trăm người dân ùa đến, ai nấy cũng dành dìu anh Don và anh Phi vào nhà.Nhà của ngư dân Phi và Don gần nhau. Dù đã được nghỉ ngơi mấy ngày trên tàu kiểm ngư, nhưng anh Phi vẫn còn kiệt sức.

Vừa vào đến nhà là Phi nằm ngay lên võng, mắt nhìn quanh căn nhà, nhìn người cha già bệnh tật đến nhìn vợ, nhìn con, rồi không cầm được nước mắt. Có lẽ, đã có lúc anh tưởng mình sẽ không còn nhìn lại được những hình ảnh thân yêu này.

Chị Huỳnh Thị Tiết (34 tuổi) vợ anh Phi ôm chồng vào lòng khóc nức nở. Còn ông Huỳnh Xuân Phương (62 tuổi), cha anh Phi, vốn là người yếu thần kinh nhưng trước sự trở về kỳ diệu của con trai, ông như tỉnh hẳn ra, mắt không lúc nào ngưng ướt lệ.

Ông nhẹ nhàng xoa đầu con trai, miệng móm mém những lời nghe xé lòng: “Con về là mừng rồi, từ nay đừng đi biển nữa”. Những người chứng kiến cảnh ấy không ai cầm được nước mắt, có người quá xúc động bật khóc òa, chạy ra biển để giấu những giọt nước mắt.

Ngư dân Huỳnh Xuân Phi vừa về đến nhà là nằm ngay lên võng vì còn đuối sức, mắt nhìn người thân khóc ròng rã. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Huỳnh Xuân Phi vừa về đến nhà là nằm ngay lên võng vì còn đuối sức, mắt nhìn người thân khóc ròng rã. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo chị Tiết, đây là lần thứ 3 anh Phi gặp nạn trên biển. Lần đầu tiên cách đây hơn 10 năm. Đó là lần Phi cãi nhau với chủ tàu, anh ôm đồ xuống thúng chai rồi chèo vào bờ, bất chấp sóng to gió lớn, lần ấy anh đã suýt gặp nguy hiểm.

Lần thứ 2 cách đây vài năm, anh Phi đi bạn cho 1 tàu cá ở địa phương, hôm ấy tàu của anh gặp áp thấp nhiệt đới bị gió đánh dạt vào gành đá, may mà tàu cứu hộ đến kịp thời. “Lần này là lần thứ 3 và là lần ảnh chết đi sống lại. Từ nay có đói có nghèo thì chịu chứ em nhất quyết không cho ảnh đi biển nữa”, chị Tiết nói kiên quyết.

Tại nhà ngư dân Lê Minh Don, người đến chia sẻ cũng không ít. Nhà Don khá bề thế và có khoảng sân rất rộng nhưng chật kín người. Khi Don vừa vào sân, bà Võ Thị Phúc, mẹ của Don chen giữa đám đông từ nhà chạy ra ôm con trai khóc nức nở. Bà Phúc dìu Don vào nằm trên chiếc nệm trải sẵn, tỉ mẩn vạch áo xem từng vết thương trên tay rồi bật khóc nức nở.

Đến bây giờ, sự trở về của chồng mình là ngư dân Huỳnh Xuân Phi, đối với cô vợ trẻ Huỳnh Thị Tiết cứ như 1 giấc mơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đến bây giờ, sự trở về của chồng mình là ngư dân Huỳnh Xuân Phi, đối với cô vợ trẻ Huỳnh Thị Tiết cứ như 1 giấc mơ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sự may mắn thần kỳ

Theo lời kể của ngư dân Lê Minh Don, khi nhận được tin bão số 9, tàu của anh chạy theo hướng Tây Nam để thoát bão. Nhưng do sóng to gió lớn, tàu không chạy được, các thuyền viên liền bung dằm dù cho tàu trôi tự do.

Sóng gió ngày càng dữ dội, những tấm ván lần lượt bị đánh bung khỏi thân tàu, chỉ 1 loáng sau là tàu chìm. 14 ngư dân trên tàu vội nhảy xuống biển để thoát thân với mình trần thân trụi, chỉ có anh Huỳnh Xuân Phi là kịp mặc áo phao.

2 ngư dân Bùi Tấn Phương, Võ Văn Toàn bị sóng nhấn chìm trước mặt mọi người ngay khi vừa nhảy xuống biển. Nhóm các anh Don, Phi và Hoài cùng Trương Văn Sinh, Nguyễn Văn Hoài, Huỳnh Long Hoài, Lâm Hoàng Tín và Nguyễn Văn Tẹo bám được vào một tấm ván tàu dài khoảng 5m, rộng 0,6m mà bơi.

Sau đó các anh buộc gia cố thêm vào tấm ván những vỏ bình gas và tấm phao xốp từ tàu cá trôi ra để tấm ván khỏi bị chìm. Một nhóm ngư dân khác gồm 4 người là Võ Ngọc Đô, Phan Văn Tuấn, Phan Quốc Vy và Lê Chí đu bám trên một nắp xốp hầm cá.

Đêm 3/11, ông Võ Phòng, cha của 2 ngư dân Võ Ngọc Đô và Võ Văn Hoan vừa khóc mừng Hoan sống sót trở về vừa khóc thương Đô vẫn còn đâu đấy ngoài biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đêm 3/11, ông Võ Phòng, cha của 2 ngư dân Võ Ngọc Đô và Võ Văn Hoan vừa khóc mừng Hoan sống sót trở về vừa khóc thương Đô vẫn còn đâu đấy ngoài biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo Don, do sóng gió quá lớn, 2 nhóm ngư dân bị dạt ra xa nhau và dần dần không còn nhìn thấy nhau nữa. Lúc đó, sóng mạnh liên tục phủ lên đầu, đánh mạnh vào 8 ngư dân đang bám vào miếng ván nên nhiều người bị thương.

“Sau 2 ngày 2 đêm chịu đói khát, thêm vào đó bị sóng quăng quật liên tục, nên anh em đuối sức dần dần, rồi từng người từng người thả tay khỏi miếng ván, chỉ còn 4 người chúng tôi. Lúc đó đầu tôi miên man nhiều chuyện, nhưng chẳng chuyện gì ra chuyện gì, khi ấy dù cái chết đã hiển hiện nhưng mọi người vẫn cứ động viên nhau cố gắng vượt qua.

Có lúc đói quá, tôi bẻ phao xốp mà ăn cầm hơi. Khát thì ngửa mặt lên trời hứng nước mưa mà uống. Đến sáng 29/10, anh Huỳnh Long Hoài thều thào nói không cầm cự được nữa rồi buông tay. Sau đó anh Hoài chìm dần mất tăm giữa những con sóng, chúng tôi chỉ còn lại 3 người. Nếu anh Hoài còn sức, ráng cầm cự thêm ít thời gian nữa thì được cứu rồi”, anh Don vừa khóc vừa kể lại.

Sau chuyến biển này, dù no dù đói chị Tiết quyết không cho chồng mình là ngư dân Huỳnh Xuân Phi đi biển nữa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau chuyến biển này, dù no dù đói chị Tiết quyết không cho chồng mình là ngư dân Huỳnh Xuân Phi đi biển nữa. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Khi chúng tôi quay lại nhà anh Huỳnh Xuân Phi, khi ấy Phi đã khỏe lại nên có thể trò chuyện. Phi kể: 8 thuyền viên bám vào miếng ván chân thì đạp bơi mà mắt thì cứ chong về phía biển xa, thấy có chiếc tàu hàng hay tàu cá nào đi ngang là cố la hét, vẫy tay, thậm chí cởi áo phao ra giơ lên cao mà vẫy để cầu mong họ nhìn thấy màu đỏ cam nổi trội chiếc áo phao mà đến cứu.

Thế nhưng sóng gió lấn át cả tiếng kêu, màn mưa dày đặc đã bịt mắt những người trên những chiếc tàu đi ngang qua nơi 8 thuyền viên đang cố kêu cứu, nên không phát hiện những thuyền viên bị nạn.

“Mãi đến khoảng 17 giờ ngày 29/10, chúng tôi nhìn thấy 1 chiếc tàu hàng lớn đang chạy đến gần nên thay phiên nhau dùng áo phao mà vẫy kêu cứu. May mắn cho chúng tôi là họ nhìn thấy.Thấy tàu chạy về phía mình, chúng tôi như được tiếp thêm sức.

Khoảng 30 phút sau chúng tôi được vớt đưa lên tàu. Vừa lên tàu hàng là chúng tôi đều ngất xỉu vì kiệt sức. Nếu chiếc tàu hàng này không nhìn thấy thì khoảng 1 giờ sau là chúng tôi cũng đuối sức, đành buông tay”, anh Phi nức nở kể lại.

Ông Lê Minh Hoàng (76 tuổi), ông nội của ngư dân Lê Minh Don, cho rằng cháu mình sống sót trở về là 1 phép màu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Lê Minh Hoàng (76 tuổi), ông nội của ngư dân Lê Minh Don, cho rằng cháu mình sống sót trở về là 1 phép màu. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Con trai từ cõi chết trở về, lòng ông Võ Phòng (SN 1948), cha của ngư dân Võ Văn Hoài không thể không vui. Thế nhưng trong sâu thẳm lòng ông Phòng vẫn day dứt nỗi buồn, bởi con trai lớn của ông là Võ Ngọc Đô, chủ tàu kiêm thuyền trưởng chiếc tàu cá bị chìm, đến giờ này vẫn chưa tìm thấy tung tích. Bây giờ nhìn Hoài, ông chảy nước mắt vì vui bởi con trai từ cõi chết trở về. Nhưng khi ông nhìn ra cửa, ông lại khóc nức nở thương cho đứa con trai đang còn đâu đó ngoài biển…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm