| Hotline: 0983.970.780

Lấy chồng đi biển ‘hồn treo cột buồm’

Chủ Nhật 01/11/2020 , 09:55 (GMT+7)

Phụ nữ có chồng đi biển được ví như ‘hồn treo cột buồm’. Chồng ra khơi, lòng họ dõi theo. Không may chồng bỏ thân ngoài biển, lòng họ cũng tan theo con sóng…

Chuyến biển định mệnh

Tàu cá BĐ 97469 TS của ngư dân Võ Ngọc Đô ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn, Bình Định) ra khơi vào ngày 5/10. Sau 20 ngày đánh bắt trên biển, nghe thông tin cơn bão số 9 có sức gió kinh hoàng, ngày 27/10 Đô cho tàu chạy về hướng Nam để tránh bão. Trên đường chạy bão, tàu của Đô bị phá nước, chìm, 14 thuyền viên chơi vơi trên biển đầy sóng dữ trong gió bão, mạng sống lâm cảnh “chỉ mành treo chuông”.

Trong 14 thân phận nhỏ nhoi ấy, phép màu đã đến với 3 người. Sau 2 ngày 2 đêm vật lộn với những con sóng dữ, vào lúc 17 giờ 50 ngày 29/10, ba thuyền viên gồm Lê Minh Don, Huỳnh Xuân Phi và Võ Văn Hoài được tàu hàng Hồng Kông cứu vớt, 11 thuyền viên còn lại đến nay vẫn mất tích trong sự nỗ lực tìm kiếm của 3 tàu kiểm ngư và thủy phi cơ của binh chủng Hải quân.

Anh Lê Văn Tiếp, cha của ngư dân Lê Minh Don đi trên tàu BĐ 97469 TS được tàu hàng nước ngoài cứu vớt tường thuật lại chuyến biển kinh hoàng của con mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Lê Văn Tiếp, cha của ngư dân Lê Minh Don đi trên tàu BĐ 97469 TS được tàu hàng nước ngoài cứu vớt tường thuật lại chuyến biển kinh hoàng của con mình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Lê Văn Tiếp (45 tuổi), ở thôn Kim Giao Thiện (xã Hoài Hải), cha của thuyền viên Lê Minh Don (SN 2000), kể: “Sau 2 ngày 2 đêm từ khi nghe tàu cá con tôi đi bạn bị chìm, vợ chồng tôi đã tắt ngấm hy vọng. Bởi, giữa gió bão, sóng dữ, chịu đói chịu khát, lạnh lẽo chừng ấy thời gian thì chỉ có trời cứu mới sống sót. Khi nghe tin con tôi được tàu hàng nước ngoài cứu, bàn giao cho tàu Hải quân Việt Nam vào 1 giờ sáng ngày 30/10, vợ chồng tôi mừng đến đứng không nổi, 2 vợ chồng ôm nhau quỵ xuống đất khóc ồ vì mừng”.

Sau khi phục hồi sức khỏe, Don nhờ điện thoại của tàu Hải quân gọi điện về kể cho gia đình nghe diễn biến của chuyến biển kinh hoàng. Theo lời kể của Don, khi tàu bị phá nước chìm, thì ngay sau đó 2 trong trong 14 thuyền viên đi trên tàu tử vong tại chỗ trước mặt mọi người do không biết bơi. 12 người còn lại cố đu bám vào 2 chiếc thúng chai, những chiếc can nhựa được xâu thành thành chùm và nắp xốp dùng để đậy hầm muối cá.

Chị Huỳnh Thị Phượng (bìa phải), vợ của ngư dân Võ Ngọc Đô cùng chị chồng suốt mấy ngày liền không ngơi than khóc, chờ trông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Huỳnh Thị Phượng (bìa phải), vợ của ngư dân Võ Ngọc Đô cùng chị chồng suốt mấy ngày liền không ngơi than khóc, chờ trông. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chẳng bao lâu sau, sóng dữ đánh vỡ cả thuyền thúng, bức cả xâu can nhựa, thế là mỗi người trôi dạt mỗi nơi. Bản năng sinh tồn làm nên sức mạnh cho những đứa con của biển, sau đó 4 người bấu víu vào 1 nắp xốp đậy hầm muối cá, còn 8 người kia bấu vào 1 cây tre dài của tàu cá còn sót lại để làm điểm tựa cố bơi.

Sau 1 đêm cầm cự giữa sóng to gió lớn, mỗi người lại trôi dạt mỗi nơi. Sáng hôm sau, tất cả đều sức tàn lực kiệt, từng người từng người một buông tay khỏi cây tre, chết đuối trước mắt những người còn sống. Còn lại 3 người vẫn cố đu cây tre cầm cự đến khi được cứu.

“Thằng Don kể lại hành trình của chuyến biển kinh hoàng qua điện thoại mà tôi nghe giọng nó cứ nấc nghẹn từng chặp, còn tôi thì cứ sởn gai ốc, nước mắt chảy ròng ròng”, anh Tiếp nói.

Bị chìm cùng lúc với tàu BĐ 97469 TS là tàu BĐ 96388 TS của ngư dân Lê Vạn ở phường Hoài Thanh (TX Hoài Nhơn). Bình thường thì anh Vạn kiêm luôn thuyền trưởng đưa tàu đi đánh bắt, nhưng chuyến biển ấy do nhà có đám cưới đứa cháu nên anh nhờ bạn thuyền đi thay. Đến nay cả 12 thuyền viên trên tàu anh Vạn vẫn chưa được tìm thấy.

Ông Võ Phòng, cha của 2 ngư dân Võ Ngọc Đô và Võ Văn Hoài, dù Hoài được cứu sống nhưng ông không thể vui vì Đô còn mất tích. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Võ Phòng, cha của 2 ngư dân Võ Ngọc Đô và Võ Văn Hoài, dù Hoài được cứu sống nhưng ông không thể vui vì Đô còn mất tích. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Khi nghe tin bão, thuyền trưởng tàu của tôi cho tàu chạy về vùng an toàn. Lúc ấy, liên lạc qua bộ đàm thì tôi biết tàu đang ở tọa độ cách tâm bão 13 độ, 1 độ là 60 hải lý, còn xa lắm. Tàu vừa chạy né hướng bão, vừa hướng về vùng biển Cam Ranh, đó là đường tránh bão gần nhất.

Thế nhưng bão số 9 đi quá nhanh, vùng ảnh hưởng lại rất rộng, tàu chạy vào thì gặp gió Tây Nam đẩy ngược ra, cộng thêm sóng cản nên tàu chạy không nổi. Nếu bình thường tàu chạy được 7-8 hải lý/giờ thì trong điều kiện ấy chỉ chạy được 3-4 hải lý/giờ, con đường chạy tránh bão bị kéo dài thêm.

Trong khi đó, sức gió của bão số 9 quá kinh khủng, tàu không chịu nổi nên bị phá nước. Tôi đau nỗi đau mất của đã đành, 12 ngư dân đi trên tàu mất mạng mới là nỗi đau lớn hơn”, ngư dân Lê Vạn nói trong tiếng nấc nghẹn.

Nỗi đau chồng chất

Từ khi nghe tin tàu của chồng mình bị chìm, mất tích, chị Huỳnh Thị Phượng, vợ của ngư dân Võ Ngọc Đô (SN 1979) hầu như không ăn uống được gì. Cả ngày lẫn đêm Phượng cứ đi ra đi vào như người thất thần, cả ngày không nói tiếng nào, mắt lúc nào cũng chong ra cửa.

Gia đình khuyên Phượng ăn uống, ngủ nghỉ giữ gìn sức khỏe để còn lo cho ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất mới học lớp 5, đứa nhỏ mẫu giáo, thế nhưng Phượng không nghe, chỉ khi lả người Phượng mới thiếp đi 1 chút, thức dậy lại khóc. 3 đứa con của Đô dù chưa biết gì nhưng dường như linh cảm được điều chẳng lành nên trên những gương mặt thơ ngây lộ hẳn nỗi buồn.

3 đứa con nhỏ của Đô dù chưa biết gì nhưng có lẽ  linh cảm được chuyện chẳng lành nên trên những gương mặt ngây thơ lộ rõ u buồn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

3 đứa con nhỏ của Đô dù chưa biết gì nhưng có lẽ  linh cảm được chuyện chẳng lành nên trên những gương mặt ngây thơ lộ rõ u buồn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhìn trạng thái tinh thần của Phượng, chúng tôi ngại không dám hỏi han nhiều, nhưng những câu chuyện nhát gừng của Phượng cũng đủ để chúng tôi ráp nối thành câu chuyện thương tâm của người phụ nữ “hồn treo cột buồm” này.

Đô là thế hệ thứ 5 trong gia đình có 5 đời làm nghề biển. Trước kia, Đô cũng có tàu, nhưng là tàu đánh bắt nhỏ. Đến năm 2015, vợ chồng Đô dành dụm đóng được chiếc tàu đánh bắt xa bờ, làm ăn suôn sẻ được 2 năm, đến năm 2017 thì chiếc tàu của Đô bị cháy rụi. Do tàu không có bảo hiểm nên vợ chồng ngư phủ trẻ mất trắng tài sản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường an ủi và trao quà cho đại diện 2 gia đình có tàu chìm trong bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường an ủi và trao quà cho đại diện 2 gia đình có tàu chìm trong bão số 9. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau đó vợ chồng Đô vay ngân hàng 2 tỷ đồng để đóng mới tàu BĐ 97469 TS, mua sắm lại ngư lưới cụ, tổng chi phí hết 4 tỷ đồng. Mới làm được mấy năm nay thì tàu bị chìm. Tài sản lại mất trắng mà nợ nần còn chồng chất.

“Thà tàu cháy như lần trước, trắng tay 1 lần nữa tôi cũng cam lòng. Đằng này tàu chìm, tôi vừa mất của vừa mất chồng. Hôm tàu bị nạn, khi tàu chưa chìm anh em đi bạn gọi về cho tôi biết là tàu đang chạy tránh bão thì đụng vật gì đó nên bị phá nước, rồi bảo tôi yên tâm để anh em lo. Sau đó không thấy liên lạc lại.

Nóng ruột quá tôi gọi điện báo cho cơ quan chức năng nhờ ứng cứu. Đến giờ, 3 người đi trên tàu được cứu, trong đó có em chồng và cháu, còn chồng tôi vẫn không thấy đâu.

Tôi cầu xin ơn trên ban cho chồng tôi phép màu để về làm ăn nuôi con, còn nếu ảnh đã mất thì cũng tìm thấy xác”, Phượng nói ngắt quãng từng đoạn trong tiếng khóc nức nở.

Người trong gia đình ông Võ Phòng đến giờ này còn ngong ngóng tin của ngư dân Võ Ngọc Đô. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người trong gia đình ông Võ Phòng đến giờ này còn ngong ngóng tin của ngư dân Võ Ngọc Đô. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chị Võ Thị Nhung, chị ruột ngư dân Võ Ngọc Đô, tiếp lời: “Vợ chồng nó làm ăn thất bát nhiều năm nay nên giờ nợ nần nhiều lắm, lại đang nuôi cha mẹ già và 3 con nhỏ. Vợ nó không có nghề gì, tất cả đều trông vào thu nhập từ nghề biển, đến nay 2 vợ chồng nó vẫn chưa có nhà riêng. Bây giờ tàu chìm, chồng mất tích, tôi nghĩ không có nỗi đau nào lớn hơn”.

Ở TX Hoài Nhơn (Bình Định), ngoài gia đình ông Võ Phòng ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải có 2 con trai mất tích trong vụ chìm 2 tàu cá trong bão số 9, ở thôn Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan còn có gia đình ông Đặng Văn Xang (60 tuổi) cũng lâm bi cảnh tương tự. Ông Phòng may mắn hơn, có 1 người con được tàu hàng Hồng Kông cứu là ngư dân Võ Văn Hoài, còn 2 con trai của gia đình ông Xang là Đặng Đức Hiểu (24 tuổi) và Đặng Đức Nghĩa (20 tuổi) hiện vẫn còn mất tích.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Lễ hội quế lớn nhất nước giới thiệu hơn 50 sản phẩm từ quế

Yên Bái Ngày 5/1, huyện Văn Yên tổ chức Lễ hội quế lần thứ 5 với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc nhằm quảng bá, giới thiệu vùng quế lớn nhất cả nước.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.