| Hotline: 0983.970.780

'Đến hẹn' lại xin gạo cứu đói - Góc khuất nông thôn xứ lạng

Thứ Năm 16/11/2017 , 14:30 (GMT+7)

 Xuất nhập khẩu, công nghiệp, các khu kinh tế, đô thị được tầu tư phát triển rầm rộ nhưng Lạng Sơn cũng là một trong số các tỉnh thường xuyên phải xin Chính phủ gạo cứu đói cho nhân dân...

Theo thống kê, 9 tháng của năm 2017, tổng thu ngân sách nội địa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt gần 1.700 tỷ đồng và tỉnh này cũng đã tham gia nhóm các địa phương thu ngân sách nghìn tỷ từ nhiều năm trước. Xuất nhập khẩu, công nghiệp, các khu kinh tế, đô thị được tầu tư phát triển rầm rộ nhưng Lạng Sơn cũng là một trong số các tỉnh thường xuyên phải xin Chính phủ gạo cứu đói cho nhân dân. Vì sao lại có bức tranh đối lập như thế ở tỉnh biên giới này?

Mùa giáp hạt năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phải phân bổ 338,835 tấn gạo theo Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 31/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện, thành phố để hỗ trợ các hộ thiếu đói. Con số thống kê có thể khiến nhiều người ngỡ ngàng, nhưng nếu đi một số vùng nông thôn xứ Lạng, sẽ phần nào có thể lý giải được.
 

Ngoài 135 ra chẳng có gì

Phú Xá - một xã thuần nông ở huyện Cao Lộc, chỉ cách trung tâm TP Lạng Sơn chưa đầy 10km, lại nằm trong vùng kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, nên rất khó ai dám tin nơi này lại là địa chỉ thường xuyên nhận gạo cứu đói mỗi khi có chính sách hỗ trợ.

17-36-21_lng_son1
Người nghèo ở nông thôn xứ Lạng

Bộ mặt của Phú Xá, trụ sở UBND được xây dựng từ những năm 1997, bây giờ nhìn không khác gì căn nhà cấp bốn. Chủ tịch Lâm Văn Then cố nói lái kiểu hài hước: Gọi là Phú Xá mà không phú vì đường sá. Một phần vì điều kiện tự nhiên, một phần vì chính sách đầu tư còn hạn chế quá. Dân trong xã sống chủ yếu dựa vào ruộng, vào rừng hồi, vào cây ăn quả nhưng năm đủ ăn, năm đói. Bây giờ mà nói còn các hộ dân phải ăn đong có khi nhiều người không tin, nhưng giáp hạt, cuối năm vẫn còn gia đình đứt bữa. 618 hộ dân, 2.750 khẩu đến 54% là hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người của xã chỉ đạt 9,5 triệu đồng/người/năm. Có những hộ gia đình mỗi năm đến hẹn mùa giáp hạt, cận tết cổ truyền suốt ngày hóng chờ gạo cứu đói.

Cuối cùng, cái giọng hài hước của ông Chủ tịch xã nghe lại thấy ngậm ngùi. Và càng ngậm ngùi hơn, khi biết rằng, sau hơn nửa thập kỷ tỉnh Lạng Sơn phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới thì ở nơi này vẫn còn rất xa lạ. Chủ tịch Then vẫn nhớ như in, từ khi tỉnh phát động phong trào, mỗi năm xã được cấp 2 triệu đồng để tuyên truyền, đến năm ngoái đây mới được tăng lên hơn 4 triệu đồng. Mục đích của việc hỗ trợ là để vận động sức dân, hô hào người dân tự giác xây dựng các tiêu chí. Nhưng sức dân ở Phú Xá này yếu lắm. Ăn còn chưa đủ no thì lấy gì mà xây dựng?

“Ngoài nguồn hỗ trợ từ Chương trình 135 thì không có bất cứ chính sách đầu tư gì cho nông nghiệp cả”, ông Then nói.

Thì ra cái nghèo ở Phú Xá không hẳn là do hết điều kiện tự nhiên. Là xã thuần nông, có diện tích hồng giòn, có diện tích hồi, đều là những sản vật nức tiếng Lạng Sơn, nhưng gần một nửa lao động trong xã thường xuyên vắng mặt khỏi địa phương kiếm sống.

Thay vì giải thích, Chủ tịch Phú Xá cho người dẫn chúng tôi lên đập Hồ Lộc, hồ thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ diện tích lúa, diện tích cây ăn quả của cả xã. Dân nghèo là phải. Bởi hồ Hồ Lộc tích mưa cả năm chỉ đủ tưới một lần, kênh mương dẫn nước chẳng có, trạm bơm cũng không. Chính vì thế, rất nhiều mùa vụ, dân gieo mạ xong thì hết nước, ruộng đồng đành phải bỏ hoang.

17-36-21_lng_son_4
Chủ tịch xã Phú Xá Lâm Văn Then

Từ lãnh đạo xã đến các thôn ở Phú Xá đều xác nhận: Ngoài nguồn vốn 135, chủ yếu là hỗ trợ phân bón thì gần như không có bất cứ sự hỗ trợ nào để nông dân phát triển sản xuất.

Con đường đất từ trung tâm xã Phú Xá vào bản Còn Kẹn - Nà Hốc chỉ hơn 4km nhưng ngoằn ngoèo, dốc nối dốc, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm. Cái nghèo ở những bản này phơi bày ra hết trên những căn nhà người đồng bào vẫn gọi là “cày đất”, một dạng như nhà trình tường, được làm từ đất đá.

Không biết từ bao giờ, ở Còn Kẹn - Nà Hốc, cứ mỗi dịp khảo sát hộ nghèo thì trưởng bản Vi Thị Sình lại cầm danh sách cả 54 hộ dân, 246 nhân khẩu ra nộp cho xã. Phấn đấu nhiều lắm năm nay mới được 6 hộ ra khỏi danh sách, còn lại, cả bà Sình và Vi Văn Trường - Chủ tịch Hội nông dân Phú Xá gọi là “nghèo bền vững”.

Gia đình ông Chu Văn Chân, hộ nghèo “kiểu mẫu” ở Còn Kẹn - Nà Hốc. Không phải vì gia đình ông lười lao động. 6 nhân khẩu, ngay đến cả bà mẹ già đã ngoài 80 nhưng ngày ngày vẫn phải lên núi nhặt từng cánh hoa hồi bán được đồng nào hay đồng đó. Bản thân ông Chân dù tàn tật nhưng làm đủ mọi việc có thể, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp giáp hạt, cận Tết, nhác thấy bóng bà Sình cầm bút sổ ông Chân lại mừng vì biết chắc sắp có gạo.

Chủ tịch Hội Nông dân Phú Xá Vi Văn Trường, nhà ngay trong bản Còn Kẹn - Nà Hốc tâm tư, những hộ dân ở đây cũng rất muốn thoát nghèo nhưng họ rơi vào bế tắc vì đất nông nghiệp để trồng cây lương thực rất ít, một năm chỉ cấy được 1 vụ lúa. Phần còn lại là đất rừng nhưng chủ yếu là đất cằn cỗi, không phù hợp với cây ngô, cây đậu, may chỉ có cây hồi còn phát triển được nên người dân chỉ biết trông chờ vào mùa thu hoạch hồi để mua thêm gạo. “Năm nào bà Sình cũng trình xin tiền từ nguồn vốn xây dựng nhà đại đoàn kết nhưng chưa được vì bản nào cũng khó như nhau”, anh Trương than thở.
 

Nghèo hơn khi “bị” thoát nghèo

Những bi kịch ở thông thôn Lạng Sơn không chỉ phơi bày ở những vùng khó khăn mà ngay cả ở những xã vốn đã về đích nông thôn mới. Sức ép giảm tỷ lệ hộ nghèo về mốc dưới 12% để đạt chuẩn khiến nhiều địa phương vốn đã khó lại càng thêm khó.

Cách đây mấy ngày, xã Hoàng Văn Thụ, đơn vị thứ hai của huyện Bình Gia vừa xong đợt thẩm định cuối cùng để công nhận về đích. Còn xã Tân Văn, một xã điểm khác của huyện đang cố nốt những tiêu chí cuối cùng để chuẩn bị đón nhận bằng đạt chuẩn trong năm nay.

Dù rất phấn khởi, khí thế, nhưng khi nhắc đến đời sống người dân, ông Hoàng Văn Uyên, Chủ tịch UBND xã Tân Văn cũng phải ngậm ngùi thừa nhận: Ai cũng biết cái quan trọng nhất khi làm nông thôn mới là nâng cao đời sống người dân, giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững, nhưng nói thật là khó, thậm chí là vượt cả tầm của chúng tôi. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất ngoài nguồn Chính phủ ra gần như chả có hỗ trợ gì cả.

Nghèo khó vốn dĩ là “đặc sản” của Tân Văn suốt một thời gian dài, vậy mà năm nay công cuộc giảm nghèo đạt thành tích cao đến lạ. 

Tân Văn có 1.072 hộ, 4.519 khẩu với 4 dân tộc là Tày, Nùng, Kinh, Dao. Những năm trước tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn “ổn định” ở mức trên 40%. Tuy nhiên, kể từ thời điểm bắt tay xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở Tân Văn giảm nhanh đến mức lạ lùng. Bằng chứng là đầu năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của cả xã vẫn còn 238 hộ (22,58%), chỉ trong vòng một năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,38%, đủ chuẩn để về đích nông thôn mới.

Đóng góp rõ rệt nhất vào kỳ tích giảm nghèo của Tân Văn là Bản Đao, nơi có 108 hộ đồng bào dân tộc Nùng và Tày. Năm 2017 này bản Đao giảm được 20 hộ, hiện chỉ còn 13 hộ “được nghèo”.

Từ “được nghèo” này do chính ông trưởng bản Hoàng Văn Hợp nói, bởi theo người có kinh nghiệm gần 10 năm làm trưởng bản thì “dân ở đây hầu như ai cũng muốn được nghèo, thoát nghèo rồi thiệt thòi cho họ lắm”. Thiệt thòi là bởi, nghèo thì còn được khám chữa bệnh miễn phí, được nhận các nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất, con cái đi học không phải đóng học phí… Thoát nghèo rồi thì mất hết, dù đời sống của họ vẫn như thế. “Dân buồn lắm”.

17-36-21_lng_son_5
Trưởng bản Đao, ông Hoàng Văn Hợp

“Dân buồn lắm”, để chứng minh, ông Hợp dẫn chúng tôi đến nhà ông Chu Văn Sến, hộ gia đình vừa “bị” ra khỏi danh sách hộ nghèo đợt vừa rồi. Gia đình mà những năm trước, hầu như đợt phát gạo hỗ trợ nào cũng không thể sót. Nhưng năm nay thì không. Lý do thoát nghèo của gia đình ông ta cũng rất lạ. Theo thang bậc chấm điểm nghèo đa chiều, gia đình ông ta thoát nghèo chỉ vì có thêm chiếc tivi mà cậu con trai đi làm thuê gom góp vừa mua được. Không biết có phải bất bình hay không mà khi thấy trưởng bản đến nhà, ông Sến huơ chân múa tay nói vài ba câu tiếng Tày rồi đi ngủ.

“Thoát nghèo kiểu này nhiều bất cập lắm, trong khi đầu tư phát triển sản xuất thì không có gì, đời sống người dân không thay đổi được”, trưởng bản Hợp phân bua.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Quy trình vận hành liên hồ chứa và lưu vực sông cần phải đồng bộ

Việc vận hành đơn lẻ các hồ chứa, lưu vực sông sẽ ảnh hưởng đến quy trình vận hành liên hồ, do vậy cần sớm đồng bộ quy trình vận hành toàn lưu vực.