Trong lớp học ở bản Kè (xã Lâm Hoá, Tuyên Hoá, Quảng Bình), không khí bị cô lại tưởng như nắm được trong lòng bàn tay.
Cu Hồ Bôm ngồi trong lớp, bên cửa sổ nhưng cũng chẳng bớt nóng chút nào. Em cúi đầu chăm chú viết vào trang vở. Mồ hôi rịn trên đầu, lăn thành giọt rơi bộp xuống trang vở…
Đi học như kiểu… làm ca
Trong các bản tin thời tiết, các địa danh luôn được nhắc đến về nền nhiệt cao nhất trong cả nước là Quỳ Hợp (Nghệ An), Đồng Lê (Tuyên Hoá, Quảng Bình)…
Thông lệ, đến cuối tháng 5 là kết thúc năm học và học sinh nghỉ hè. Lúc nắng về như dội lửa chỉ làm cho những cây phượng “học trò” khoe sắc hoa đỏ. Nhưng bây giờ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học phải kéo dài đến giữa tháng 7. Vì vậy, những tháng có nắng gắt nhất là thời điểm các cô cậu học trò đang phải chịu cái nóng hầm hập để… "dùi mài kinh sử”.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học bán trú Lâm Hóa, cho biết, trường có gần 230 học sinh học bán trú ở trường trung tâm với các khối từ tiểu học đến trung học phổ thông. Ngoài ra còn có gần 80 học sinh tại 3 điểm trường lẻ ở các bản Kè, Cáo và bản Chuối.
“Đây là trường nội trú duy nhất của huyện và có trên 60% học sinh là người dân tộc Mã Liềng sinh sống tại xã Lâm Hóa. Chính vì vậy, việc động viên con em đồng bào đến lớp là vấn đề được nhà trường ưu tiên hàng đầu”, thầy Tâm cho hay.
Sau dịch Covid-19, trường trở lại học bình thường thì cũng là lúc những ngày nắng lớn đổ về. Vốn được mệnh danh nằm trên tọa độ “chảo lửa” nên học sinh đến lớp trong cái nóng hầm hập từ sáng đến lúc mặt trời lặn.
Để tránh nắng cao điểm vào khoảng trưa, nhà trường chuyển dịch lịch học theo hướng “sớm – muộn”. Buổi sáng, thay vì học ở thời gian 7 giờ 15 phút thì chuyển lên sớm hơn 30 phút. Buổi chiều đến 15 giờ mới vào học và đến 17 giờ 15 phút là tan học.
“Có nghĩa là chúng tôi linh động thời gian, cho học sinh vào lớp sớm hơn nửa giờ đồng hồ và buổi chiều thì chậm hơn 1 giờ đồng hồ. Như vậy cũng để đảm bảo sức khỏe cho thầy và trò. Nếu không thì cái nóng bức này ảnh hưởng lắm”, thầy Tâm chia sẻ.
Chúng tôi về điểm trường ở bản Kè, nằm cách biệt khá xa với trường trung tâm. Dù mới vào đầu giờ sáng nhưng nắng nóng đã “quét” ràn rạt trước sân trường, trên mái tôn.
Trong lớp học linh hoạt (ghép các em lớp 4 và 5 cùng chung lớp) có 10 em đang học môn Tiếng Việt. Lớp học rộng khoảng 25m2 được gắn 3 chiếc quạt chạy hết tốc lực mà cái nóng vẫn cứ như đọng lại trong bốn bức tường.
Em Hồ Bôm (học lớp 5) ngồi với bạn ở bàn đầu chăm chú đọc từng con chữ trong tập sách. Ngồi cạnh cửa sổ nên cái nắng như chụp xuống bàn học. Dù có quạt nhưng mồ hôi vẫn tứa ra trên mặt. Mồ hôi chạy vào mắt cay xè, cu Bôm dùng ống tay áo quệt ngang cho đỡ xót. Nhân lúc thầy giáo đi ra phía cửa, cu Bôm quay sang nói với bạn: “Chừ mà chạy về nhà rồi chạy ra suối trốn thì mát lắm mày hè”.
Lớp học bên cạnh cũng có sĩ số 10 em lớp 3. Trong lớp, học sinh ngồi hai em chung bàn và được dồn hết lên gần bục giáo viên để cuối lớp là khoảng trống rộng.
Cô giáo Đinh Thị Phương, chủ nhiệm lớp giải thích: “Buổi sáng nắng chiếu vào hướng đó nên nóng lắm. Em cho xếp bàn dồn lên để phần nào tránh cái nóng cho các em”. Các cửa chính, cửa sổ lớp học phải mở toang để lớp học đỡ ngột ngạt. Nhưng hơi nóng từ ngoài sân cứ như thốc vào ở lỳ trong lớp học.
Việc “dỗ” trước việc dạy…
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tâm bảo, nói về giáo dục người ta hay dùng từ “dạy dỗ”. Nhưng ở đây phải thay ngược lại là “dỗ” trước mới đến dạy.
Thầy giáo Đinh Thanh Hải kể: “Nhiều bữa đến bản, đến nhà thì được bố mẹ trả lời không biết. Vậy phải phán đoán và tìm về con suối ở xa bản một quãng thì thấy học trò ở đó. Lại vận động, thuyết phục để đưa các em lên xe về trường. Cũng có em học sinh lớp 9 cá biệt cứ vài bữa là bỏ học đi vào rừng tự ở trong đó vài hôm mới về”.
Đồng bào dân tộc Mã Liềng ở ba bản đều giống nhau là dù giáo viên có vận động đến mấy thì việc đưa con đến trường là điều hiếm gặp. Sau mấy tháng nghỉ học, các giáo viên phải đi đến tận nhà từng học sinh để vận động.
“Khi đến các thầy cô phải mang nhiều quà như sách vở, bút, quần áo, bánh kẹo để dỗ dành học sinh của mình đến lớp.
Đặc tính bà con dân bản là nhà nào có cái xe đạp, xe máy thì cứ dựng ở sân, ở hàng rào… để ai cần thì cứ lấy mà đi xem như là của chung.
Đầu năm học, các em được tặng xe đạp để đến lớp mỗi ngày. Sau kỳ nghỉ, xe đạp cũng không còn. Phần thì người lớn lấy đi rồi bạ đâu bỏ đó; phần thì cha chú mang đi đổi rượu để uống.
Vậy là trừ các em nội trú, còn lại mỗi sáng khi thấy các em chưa đến lớp thì các thầy cô nháo nhào lên xe máy chạy đến các bản để tìm học sinh chở về trường.
Cũng có nhóm học sinh bản Chuối xa trường trung tâm gần 7 cây số. Vậy là việc đưa, đón các em gần như được “giao khoán” cho giáo viên của trường. Các thầy cô tổ chức “tua” đưa đón học sinh đến lớp. Nhà trường cũng gặp khó nên chi phí xăng xe đều do giáo viên tự bỏ tiền lương ra chi trả.
“Không ai phàn nàn điều gì. Chỉ mong học sinh có ở nhà để đến đón thôi. Không đưa, đón, chắc chắn các em bỏ học giữa chừng luôn. Giữ được sĩ số của lớp là điều quá mừng rồi”, thầy Tâm chia sẻ thêm.
Cô giáo Cao Thị Kim Dung lại có cách “dỗ” khác. Học trò của cô lớp 1 nên còn nhỏ dại. Mùa hè nóng nực nên cứ mỗi ngày đến lớp là cô đưa các em đi tắm một lần và thay quần áo. Không biết cắt tóc thì cô nhờ các thầy trong trường đến cắt cho các em.
“Trời nắng nực, ngồi học một lúc là mồ hôi ướt áo nên phải cho các em tắm rửa thường xuyên. Vả lại, khi về nhà, bố mẹ cũng ít quan tâm đến con cái nên các em cũng toàn mùi mồ hôi khi đến lớp. Vậy là các thầy cô phải làm luôn nhiệm vụ đó ngoài việc dạy”, cô Dung bộc bạch.
Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng lớn đến việc dạy học, huyện Tuyên Hóa trích từ ngân sách hỗ trợ cho các trường, điểm trường tại xã Lân Hóa 42 cái quạt và làm mái hiên che nắng tại điểm trường mầm non bản Kè.
Cô giáo Cao Thị Vân, phụ trách lớp mầm non bản Kè cho hay: “Trước đây, sáng hay chiều gì nắng cũng chiếu vào lớp học nóng lắm. Từ hôm có mái hiên che nắng cũng đỡ được phần nào”.
Bữa trưa, khi tiếng trống vang lên báo tan học, các em nhanh chóng rời lớp và về khu vực nhà ăn. Bữa ăn hôm nay có canh rau ngót, thịt gà kho và đậu phụ sốt… Khẩu phần ăn được chia trong khay inox sạch bóng.
Cậu bé Cao Văn Tư tự tin ngồi vào bàn ăn với bạn và ăn hết khẩu phần ăn của mình. “Cháu ăn no rồi. Thức ăn ngon lắm. Ở nhà chưa bao giờ cháu được ăn như vầy đâu. Thôi cháu về phòng nghỉ trưa để chiều lên lớp. Cháu đang phấn đấu học đứng đầu lớp mà”, Tư cười tươi nói.
Ông Hoàng Văn Phúc, Trường phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuyên Hóa cho hay: “Lãnh đạo các trường trên địa bàn cũng đã phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh kêu gọi hỗ trợ cho việc học của các em. Một số phụ huynh quan tâm cho mượn hoặc ủng hộ quạt điện, nước uống. Nhiều địa phương hỗ trợ làm rèm che chắn nắng. Các trường chú trọng công tác y tế học đường để chủ động chống cảm nắng, say nắng cho học sinh…”.