Chiều 2/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Hùng Nhơn và Tập đoàn Olmix ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về chương trình hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn Halal với sự đồng hành của lãnh đạo De Heus.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết, mục đích của lễ ký kết hợp tác để cùng phát triển và liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn Halal xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo.
Theo đó, Hùng Nhơn sẽ cùng các thành viên trong chuỗi liên kết đầu tư và phát triển các dự án ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng các sản phẩm gia cầm (con giống và thương phẩm) đạt chuẩn Halal.
Cũng theo ông Vũ Mạnh Hùng, để hiện thực hóa mô hình chuỗi liên kết này, Hùng Nhơn và De Heus đã và đang có hàng loạt dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là chuỗi dự án tại Tây Ninh.
Cụ thể, giai đoạn 2023 - 2030, DHN đã thống nhất đầu tư 12 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Ninh với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2030 của DHN đạt công suất khoảng 37.500 heo giống cụ, kỵ, heo nái thương phẩm tại khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ; 83 triệu con gà giống và gà thịt xuất khẩu tại Tây Ninh. Tổng doanh thu của chuỗi dự kiến đạt 2 tỷ USD mỗi năm.
“Lễ ký kết là một sự kiện đặc biệt, trong thời đại mới công nghệ số như hiện nay, chúng ta phải cùng đi, cùng chia sẻ, cùng hợp tác và cùng phát triển bền vững, lâu dài. Định hình trong việc ký kết MOU hôm nay có rất nhiều mục tiêu, một trong số đó là giảm tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi”, ông Vũ Mạnh Hùng nói thêm.
Lý giải về quyết định “bắt tay” với Tập đoàn Hùng Nhơn, ông Robert Clapham, Tổng Giám đốc Tập đoàn Olmix cho rằng, đây là doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi nói riêng và trong ngành nông nghiệp công nghệ cao nói chung tại Việt Nam.
Đặc biệt, Hùng Nhơn đã và đang hợp tác với De Heus để xây dựng, phát triển chuỗi liên kết giá trị cao, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, qua đó phát triển các dự án sản xuất, cung ứng sản phẩm gia cầm chất lượng cao đạt chuẩn Halal. Mô hình này phù hợp với chiến lược phát triển của Olmix.
Chia sẻ về các nội dung MoU được hai bên ký kết, ông Robert Clapham cho hay, Olmix sẽ cung cấp các sản phẩm vacxin gà và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi thú y để kiểm soát dịch bệnh trong trang trại chăn nuôi.
Một trong những sản phẩm được Công ty TNHH Olmix Asialand Việt Nam cung cấp cho Hùng Nhơn là vacxin gà Boehringer Ingelheim (BI) có trụ sở tại Đức, các nhà máy sản xuất tại Mỹ, Italia, Pháp….
Theo ông Robert Clapham, đây giải pháp hiệu quả trong phòng ngừa bệnh gia cầm, giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi giúp giảm tình trạng kháng kháng sinh, hạn chế tồn dư kháng sinh trong thịt và trứng gà, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, Olmix Asialand Việt Nam còn cung cấp cho Hùng Nhơn nhiều dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi thú y hiện đại nhất hiện nay như: Chẩn đoán và xét nghiệm thú y từ Vipha.Lab; tầm soát và kiểm tra sức khỏe đàn gà giống bố mẹ, trại gà thịt, trại gà đẻ trứng thương phẩm; thiết bị chủng ngừa vacxin VTS, nâng cao năng suất tiêm chủng, chất lượng chủng ngừa, giảm stress cho vật nuôi; cung cấp các giải pháp tăng năng suất chăn nuôi và phòng bệnh thú y hiệu quả; đào tạo công nhân lành nghề và bác sĩ thú y chuyên nghiệp.
“Việt Nam hiện là thị trường lớn thứ hai của Olmix trên toàn cầu và chúng tôi tự hào khi chọn Việt Nam làm trụ sở chính cho thị trường châu Á. Chúng tôi tin rằng, mối quan hệ hợp tác với Hùng Nhơn sẽ củng cố thêm sự hiện diện của chúng tôi trên thị trường Việt Nam”, ông Robert Clapham kỳ vọng.
Với kinh nghiệm sau hơn 15 năm lăn lộn với ngành chăn nuôi Việt Nam, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus châu Á (Tổng Giám đốc De Heus Toàn cầu từ 1/1//2025) cho rằng, thách thức chủ yếu mà người nuôi phải đối mặt chính là kiểm soát được các bệnh đang xảy ra trong trang trại. Không những chỉ chú ý phòng tránh việc bùng phát các ổ dịch bệnh mà quan trọng hơn hết, đàn vật nuôi phải được bảo hộ trước tất cả biến thể có thể xảy ra của bệnh.
Vì vậy, theo ông Gabor Fluit, sử dụng vacxin được xem là một trong những biện pháp hiệu quả hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Thực tế cho thấy, vacxin có vai trò quan trọng trong việc gia tăng tỷ lệ sống, giảm việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và hạ giá thành sản phẩm nên De Heus rất kỳ vọng vào sự hợp tác với doanh nghiệp vacxin và thú y hàng đầu thế giới như Olmix.
Chúc mừng sự hợp tác giữa các bên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để có được tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi 4 - 5,93% trong nhiều năm qua, phải nói ngành thú y đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó là sự đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y, dịch vụ đầu vào của ngành chăn nuôi trong nước, đồng thời còn có sự tham gia tích cực của những doanh nghiệp lớn của nước ngoài từ rất sớm. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu để phát triển chăn nuôi bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao sự bắt tay giữa Hùng Nhơn và Olmix. Thứ trưởng nhấn mạnh: “Nếu muốn đi nhanh đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Việc hợp tác này là sự lựa chọn trên một tầm nhìn của De Heus, Hùng Nhơn và Olmix, phù hợp với xu thế chung của thế giới, đó là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kháng kháng sinh. Đây là một sự lựa chọn rất khôn ngoan”.
“Trong bối cảnh hiện nay, trụ cột và điểm sáng, điểm tựa phải là sự phối hợp giữa các doanh nghiệp. Nhà nước tạo sàn diễn, khoa học đi tiên phong, doanh nghiệp đua tài, nông dân hưởng lợi. Ba ông lớn De Heus, Hùng Nhơn và Olmix bắt tay cùng nhau sẽ dẫn dắt nền kinh tế xanh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ hỗ trợ tối đa, tạo môi trường thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách sâu sắc hơn, quyết liệt hơn, toàn diện hơn để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
“De Heus là một doanh nghiệp đầu đàn, Hùng Nhơn rất nhanh nhạy, đa lĩnh vực còn Olmix Asialand đã có mặt tại Việt Nam 20 năm rồi, hôm nay đã có sự ký kết, có chương trình hành động rồi, tôi mong sẽ sớm có kết quả thực sự để những giai đoạn sau khẳng định chúng ta đã đi đúng hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xuất khẩu được sản phẩm thịt gà ra thế giới, đặc biệt tập trung cho thị trường Halal hơn 2 tỷ dân”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT bày tỏ mong muốn.