Những cửa hàng bách hóa tổng hợp của huyện hay hợp tác xã mua bán của xã trước đó không lâu, khan hiếm hàng quanh năm, những đôi dép quai hậu trắng của "Tiền Phong" luôn được bầy mẫu quý như vàng mà không mấy khi có hàng bán ra, rồi những đôi dép rọ nâu của quân đội cũng chỉ được tặng cho người nhà nếu mua giá chợ đen đắt đỏ vô cùng.
Dép tổ ong xuất hiện trên thị trường không lâu đã khiến 2 loại sản phẩm kia không còn ngôi vị như xưa. Dép tổ ong ngày ấy thật bắt mắt trong các sạp giầy dép tư nhân ở phố hay chợ và nhanh chóng lấy lòng được cánh nam nhi trong các thành phố rồi theo xe về tới các huyện lị.
Ít người biết điều này, năm 1986, có người nói "bản gốc" của dép tổ ong là của xí nghiệp nhựa Hải Phòng, ra đời đúng thời điểm khốn khó - nền kinh tế đang ì ạch đi chặng cuối cùng của chế độ bao cấp. Nhưng từ bấy đến nay không mấy người quan tâm đến điều này. Phải chăng bởi sự thành công của bản gốc và sau đó các "F" liên tục nối dài mà người ta nhãng quên.
Hồi đó dép nam bình dân chỉ là đôi ba kiểu dép lê, quai to, bắt chéo, có điểm vào lỗ vừa là cho thông thoáng, róc nước vừa là trang trí đơn giản có màu nâu là chính, bằng nhựa kém chất lượng cứng đơ, hoặc nhựa tái sinh đen xỉn rất chóng đứt.
Dép tổ ong đời đầu được sản xuất bằng cao su tự nhiên màu vàng nhạt sáng sủa, đi êm chân và thông dụng vô cùng. Dép có đế dầy, quai cũng dầy dặn, đã thế đế lại êm, quai có lỗ thoáng như tổ ong. Có lẽ vì thế mà dép có tên "Dép tổ ong".
Dép không khó mua, nhiều trong các sạp, có nhiều số, chọn vừa chân là được. Ban đầu cánh đi giầy dép da không mấy để ý, nhưng rồi 1 người đi, vài người đi thì cũng ra hàng mua lấy 1 đôi.
Đi dép tổ ong sướng thật, nó như thể cởi trói cho đôi chân bao nay bó buộc vào những đôi giầy da đóng bằng phom cũ, chả theo đôi chân mình, lại cứng đơ, có khi chảy máu chân, đi một ngày mà như đi đầy, đi đến cũ may ra mới đỡ đau chân.
Không lâu sau, nhiều cơ sở sản xuất dép đã nhanh chóng sản xuất theo mẫu mã dép tổ ong ban đầu và người ta cũng quên luôn nguồn gốc ra đời của nó.
Và cũng kể từ đây những đôi dép da dán dối, bong tróc liên tục, những đôi giầy giả da đã bị đánh bật dễ dàng khỏi chân đàn ông, con trai thời kì đó. Dép tổ ong được cánh đàn ông nói đến trong câu chuyện trước cuộc họp, cánh chị em tìm mua cho chồng, cho bố.
Những cụ già trước đây vẫn cần dép có quai hậu để đi đâu cho lịch sự, còn nếu đi bộ đâu đó thì dễ bước thế mà đón nhận dép tổ ong cái là ưng ngay vì nó vừa êm, vừa tiện lợi, không phải cúi người xuống lồng quai hay buộc dây gì cả, thọc chân vào đi là xong.
Lại dễ rửa chân, xả nước rửa chân, rửa dép luôn. Chiều tối, khi tắm lấy bàn chải cọ, dép lại sạch bong, không bị bám mồ hôi lẫn đất bụi.
Đám trung niên ngày ấy chọn dép tổ ong vẫn là màu ngà vàng hoặc trắng. Cả một giai đoạn những người đàn ông "sơ vin đi dép tổ ong" trở nên quen thuộc. Mà không phải họ đi chơi, đi chợ hay tiện chạy ra đường đâu, họ đi dép tổ ong đến công sở hẳn hoi.
Ngày ấy, ai kĩ tính, và cũng phải là người có điều kiện thì mới khăng khăng với dép quai hậu hay giầy da chứ cánh công chức từ thành phố đến huyện lỵ không ai bảo ai mà cũng tạo nên cả phong trào đi dép tổ ong.
Người ta thản nhiên với đôi dép lê này đến cơ quan, đi họp và nó luôn đi cùng với những bộ cánh đã dần tươm tất và mới hơn.
Sau đó dăm năm, kinh tế khá giầy dép da cũng dần lấy lại vị trí vốn sẵn có của nó. Phần vì dép tổ ong không có quai hậu, lại bằng nhựa, phần vì cơ chế thị trường khiến đồ da nhiều và đẹp lên trông thấy, kinh tế xã hội phát triển nên nhu cầu mặc đẹp được quan tâm hơn. Dép tổ ong cũng từ đó trở về sọt phía ngoài trong sạp, trong quầy bán dép.
Từ đây, dép tổ ong cũng có sự thay đổi bổ sung về màu sắc, chất liệu và các số. Trước dép tổ ong chỉ 2 màu trắng và ngà vàng, giờ có nhiều màu hơn, như màu tím, màu xanh, dép không to dầy êm như xưa mà chỉ còn giữ kiểu dáng ấy với chất liệu nhựa thường hoặc có thể là nhựa tái sinh cho hạ giá thành. Những đôi dép tổ ong số nhỏ hơn dành cho phụ nữ đã có, sau này còn có số nhỏ xíu cho đám trẻ nhỏ.
Nhiều khi con người ta bận bịu mưu sinh, quên khuấy cả bao chuyện lớn nhỏ trong đời, ai mà nhớ đến đôi dép tổ ong có chỗ đứng bền bỉ, bất ngờ và thú vị.
Dép tổ ong đã vào khách sạn, nhà nghỉ. Những nhà khách của huyện, của tỉnh, những khách sạn bình dân 3 sao trở xuống đến bây giờ người ta vẫn dùng dép tổ ong để đi trong phòng.
Nhiều khi những đôi dép được đánh số, hay ghi tên nhà nghỉ, có khi nó còn được cắt mũi để đánh dấu, trở nên xấu xí, khiến những người đã từng thuê phòng ngại mà không "xếp nhầm" khi dọn hành lý đem về.
Còn những đôi nhỏ xíu để dành cho các bà nội, bà ngoại trông cháu ra chợ kiếm đôi tổ ong nhỏ để cháu đi lớp mầm non có mất cũng không tiếc.
Cánh chị em cũng vẫn chọn dép tổ ong để đi chợ bán hàng mỗi ngày, những bàn chân đen đúa bám đất ruộng, bụi đường vẫn đi vào những đôi dép tổ ong cả tháng không đánh rửa.