“Di sản văn hóa Chăm” xuất bản lần thứ 6 với 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. |
GS.TS Trịnh Sinh (Viện Khảo cổ) đánh giá : Như một cuốn sách hay về du lịch, lại như một tư liệu quý dành cho các nhà khoa học nghiên cứu về Chăm, sách “Di sản văn hóa Chăm” như dẫn ta vào một thế giới mênh mông của đền tháp, của tượng đài. Đẹp lạ lùng mà cũng bí ẩn lạ lùng.
Nội dung sách giới thiệu về tài năng của các thế hệ người Chăm, như lời chia sẻ của cố GS.VS Phạm Huy Thông (Viện trưởng Viện Khảo cổ) là “đã xây dựng nên một nền văn hóa riêng rất cao không thua kém bất kỳ nền văn hóa cao đẹp nào thời cổ đại và trung cổ ở Đông Nam Á. Nền văn hóa đó là một thành phần khăng khít của văn hóa Việt Nam ngày nay”.
Qua “Di sản văn hóa Chăm”, tác giả Nguyễn Văn Kự giới thiệu khái quát các đền tháp Chăm còn lại nằm rải rác suốt dải đất miền Trung từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam tới Bình Thuận và Tây Nguyên, có niên đại từ thế kỷ VII-XVI.
Tiếp theo đó là những tác phẩm điêu khắc Chăm tuyệt vời có niên đại từ thế kỷ II đến thế kỷ XVI được thể hiện sinh động với những chủ đề về tín ngưỡng, tôn giáo, con người, động vật, hoa lá…
Phần kết cuốn sách là: Người Chăm ở Việt Nam, giới thiệu cuộc sống hiện tại, hoạt động kinh tế, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, vui chơi giải trí, … của người Chăm trong cả nước đang chung sức cùng các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Có thể nói "Di sản Văn hóa Chăm" là kho tư liệu ảnh hết sức quý giá cho những ai muốn khám phá, tìm hiểu, nghiên cứu về Văn hóa Chăm.