| Hotline: 0983.970.780

Không tiêm phòng, dịch tả heo Châu Phi lan khắp ĐBSCL

Thứ Năm 30/11/2023 , 09:25 (GMT+7)

Tại các tỉnh ĐBSCL cái khó trong công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi là đa số đàn heo chưa được tiêm phòng.

Tính đến 19/11, tỉnh Tiền Giang có 53 hộ nuôi với tổng đàn 2.127 con tại 12 xã của 8 đơn vị cấp huyện mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi với số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 1.158 con. Ảnh: Minh Đảm.

Tính đến 19/11, tỉnh Tiền Giang có 53 hộ nuôi với tổng đàn 2.127 con tại 12 xã của 8 đơn vị cấp huyện mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi với số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 1.158 con. Ảnh: Minh Đảm.

Dấu hiệu tăng mạnh trở lại

Tại ĐBSCL, từ đầu năm đến nay dịch tả heo Châu Phi xuất hiện nhan nhản là nỗi lo của nhà chăn nuôi. Riêng thời điểm này, dịch bệnh có dấu hiệu tăng mạnh hơn.

Tính đến 19/11, tỉnh Tiền Giang có 53 hộ nuôi với tổng đàn 2.127 con tại 12 xã của 8 đơn vị cấp huyện mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi. Số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 1.158 con, chiếm 54% tổng đàn của 48 hộ.

Riêng tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cũng đến thời điểm nêu trên, địa bàn xã có tổng đàn heo 1.679 con của 40 hộ nuôi tại 6/6 ấp phát sinh dịch bệnh. Số heo bệnh, chết và tiêu hủy là 843 con, chiếm 50% tổng đàn.

Trước đó, ngày 13/11/2023, UBND huyện Chợ Gạo đã ban hành Quyết định số 5529 công bố dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi. Sau khi công bố dịch, địa phương này đã ban hành kế hoạch, quyết định thành lập ban chỉ đạo và 3 chốt kiểm dịch động vật để ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra vào vùng dịch.

Không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang mà một số địa phương có đàn heo lớn ở ĐBSCL cũng phát sinh dịch bệnh rải rác. Tại Vĩnh Long, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 7 ổ dịch tả heo Châu Phi xảy ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, tất cả các ổ dịch đều được ngành chăn nuôi, thú y địa phương phát hiện kịp thời và có những biện pháp xử lý hiệu quả.

Kiểm tra tình hình chăn nuôi tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Kiểm tra tình hình chăn nuôi tại tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Trà Vinh, ngày 9/11, ngành chức năng ghi nhận đàn heo 14 con gồm (4 nái và 10 heo thịt) của 1 hộ chăn nuôi tại ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè phát bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Tính đến nay, dịch tả heo Châu Phi đã phát sinh tại 5 huyện, thị xã ở địa phương này. Số heo mắc bệnh 284 con trên tổng đàn 411 con của 11 hộ. Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã tiêu hủy khoảng 16 tấn heo bệnh.

Trong tình thế dịch bệnh nhan nhản đàn heo đang trong giai đoạn đón đầu thị trường tết nên người chăn nuôi chú trọng thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tuy nhiên người nuôi chưa tin tưởng vacxin.

Ông Nguyễn Văn Thưởng, ở xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đang có đàn heo thịt 100 con và một số heo nái. Đợt dịch vừa rồi hộ ông Thưởng có 30 heo nái bị nhiễm bệnh chết. Rút kinh nghiệm ông thực hiện quy trình an toàn sinh học hết sức nghiêm ngặt.

“Tôi tổng vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại hàng tuần, rắc vôi lối ra vào, xung quanh trại, không cho người lạ vào trại. Về vacxin, tôi được biết chích cho heo con mới hiệu quả nên đàn heo nái tôi không có chích. Còn heo thịt tôi cũng không dám mạo hiểm”, ông Thưởng nói.

Ngành chức năng khuyến cáo hộ nuôi sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành chức năng khuyến cáo hộ nuôi sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Khuyến cáo sử dụng vacxin

Phân tích nguyên nhân xảy ra dịch tả heo Châu Phi, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang thông tin: Về nguyên lý, bệnh dịch tả heo Châu Phi chỉ xảy ra khi có đầy đủ 3 yếu tố đó là phải có mặt của virus, phải có đủ số lượng virus và heo chưa tiêm vacxin phòng bệnh.

Chính vì thế, tiến sĩ Thái Quốc Hiếu đã liệt kê một số nguyên nhân gây bệnh chủ yếu như: Về yếu tố “sự có mặt của virus”, virus vào trại thông qua nhập heo đã nhiễm bệnh, thương lái, vật tư chăn nuôi, nguồn nước, côn trùng, chuột, sử dụng tinh heo và sản phẩm từ heo nhiễm mầm bệnh.

Về yếu tố “đủ số lượng virus”, tồn tại khi người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc chưa triệt để, chưa hợp tác với chính quyền địa phương tiêu hủy nhanh heo có dấu hiệu bệnh. Ngoài ra, đa số heo chưa được tiêm vacxin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi.

Thông tin về giải pháp khống chế bệnh, trên cơ sở phân tích các nguyên nhân tiến sĩ Thái Quốc Hiếu cho rằng: Các địa phương ở Tiền Giang cần thực hiện triệt để một số các giải pháp. Nhất là, để tránh sự có mặt của virus, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cần tổ chức tuyên truyền trên các thông tin phương tiện đại chúng về diễn biến bệnh dịch tả heo Châu Phi để người dân cảnh giác và hợp tác phòng chống.

Theo đó, vận động chủ nuôi mua heo vùng an toàn dịch, lùa heo ra ngoài trại khi thương lái đến xem heo hoặc chỉ cho xem qua camera. Đặc biệt, kiểm soát nghiêm ngặt, khử trùng tiêu độc triệt để, không sử dụng nước mặt chưa khử trùng, ngăn ngừa nước tràn vào chuồng heo.

Bên cạnh đó, kiểm soát côn trùng, diệt chuột, không mang thực phẩm từ heo vào trại, không dùng thức ăn thừa nuôi heo và sử dụng tinh heo vùng an toàn dịch bệnh.

Người chăn nuôi sử dụng bã hèm cho heo ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Người chăn nuôi sử dụng bã hèm cho heo ăn. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, vận động chủ nuôi tiêm vacxin phòng bệnh trên đàn heo tại vùng khống chế dịch và vùng đệm theo chỉ đạo và hướng dẫn của Công điện số 1097 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Thực hiện Công văn số 4870 của Bộ NN-PTNT về việc sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi và Công văn số 3316 của Sở NN-PTNT Tiền Giang về việc triển khai thực hiện về sử dụng vacxin phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Cùng với đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang triển khai nhanh kế hoạch tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường trong hoạt động chăn nuôi thú y đợt 2/2023 (bắt đầu ngày 20/11/2023). Nếu có kết quả dương tính với virus dịch tả heo Châu Phi, chính quyền địa phương vận động chủ nuôi hợp tác tiêu hủy nhanh heo có dấu hiệu bệnh để kịp thời loại bỏ virus trong trại nhằm giữ lại số heo khỏe mạnh.

Đặc biệt, nhờ phát huy “giờ vàng” bằng test nhanh đã loại sớm số heo bị nhiễm bệnh. Đến nay, trong vùng dịch xã Xuân Đông chỉ tiêu hủy 50% số heo nhiễm bệnh trong tổng đàn của hộ có heo mắc bệnh. Đây là một trong những yếu tố thành công của tỉnh Tiền Giang trong chống dịch tả heo Châu Phi.

Tại Bến Tre, hiện địa phương có đàn heo trên 400.000 con, tập trung nhiều ở huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành. Ở thời điểm này, địa phương lân cận là Tiền Giang bùng phát dịch tả heo Châu Phi nên tỉnh Bến Tre tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

Tại Bến Tre, nếu tình hình dịch bệnh trên đàn heo ổn định như hiện nay thì dịp Tết Nguyên đán 2024 nguồn cung thịt heo sẽ đảm bảo. Ảnh: Minh Đảm.

Tại Bến Tre, nếu tình hình dịch bệnh trên đàn heo ổn định như hiện nay thì dịp Tết Nguyên đán 2024 nguồn cung thịt heo sẽ đảm bảo. Ảnh: Minh Đảm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre khuyến cáo, người chăn nuôi chú trọng việc vệ sinh tiêu độc chuồng trại, không mua heo giống từ vùng dịch hay chưa rõ nguồn gốc, đặc biệt là chú trọng tiêm phòng vacxin cho heo. Bởi cái khó trong công tác phòng, chống dịch bệnh tả heo Châu Phi ở Bến Tre cũng như đa số các địa phương trong vùng là tỷ lệ đàn heo tiêm phòng còn thấp, cần phải đẩy nhanh tiến độ.

Ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch tả heo Châu Phi. Bà con đang tập trung chăm sóc heo phục vụ nhu cầu thịt heo tết cổ truyền sắp tới. Nếu tình hình dịch bệnh trên đàn heo ổn định như hiện nay thì dịp Tết Giáp Thìn 2024 nguồn cung thịt heo sẽ đảm bảo.

Ông Thái cũng cho biết thêm, Chi cục đang tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả heo Châu Phi. Biện pháp chung là tổng thể các giải pháp an toàn sinh học không chú trọng riêng một giải pháp nào.

Tại Trà Vinh, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, ngành đã phối hợp với các cơ sở chăn nuôi xử lý các ổ dịch, không để lây lan diện rộng, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh tại địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công văn số 4398 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc tăng cường phòng chống dịch tả heo Châu Phi, tuyên truyền cho bà chăn nuôi tập trung, chủ động tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là lựa chọn giống sạch bệnh, tăng cường công tác kiểm dịch động vật ra vào tỉnh.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.