| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lan rộng

Thứ Ba 21/11/2023 , 06:20 (GMT+7)

Hà Tĩnh Hiện đã có 3/13 huyện trên địa bàn Hà Tĩnh xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, các địa phương và ngành chuyên môn đang tập trung thực hiện giải pháp dập dịch.

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh nhận định, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan diện rộng rất cao. Ảnh: Thanh Nga.

Ngành chuyên môn Hà Tĩnh nhận định, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan diện rộng rất cao. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Hơn 2 tuần tay, thời tiết trên địa bàn Hà Tĩnh mưa, nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh trên đàn gia súc, trong đó có dịch tả lợn Châu Phi. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 9 đến 16/11, dịch tả lợn Châu Phi đã “gọi tên” 4 xã trên địa bàn 3 huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Đức Thọ, làm chết và buộc phải tiêu hủy 38 con lợn mắc bệnh.

Cụ thể, tại huyện Cẩm Xuyên, ngày 10/11, đàn lợn 12 con của hộ ông Trần Văn Lý (thôn Trung Đông, xã Cẩm Dương) xuất hiện triệu chứng sốt, bỏ ăn và chết rất nhanh.

Ngay sau đó, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi (viết tắt Trung tâm ứng dụng) huyện Cẩm Xuyên đã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả cho thấy đàn lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.

Đến ngày 19/11, dịch đã lây lan ra 6 hộ/4 thôn của xã Cẩm Dương và Cẩm Quan, với số lượng tiêu hủy là 17 con, tổng trọng lượng hơn 2.000kg.

Trước đó, ngày 9/11, kết quả lấy mẫu trên đàn lợn thịt 8 con của gia đình ông Nguyễn Văn Thế (thôn Thống Nhất, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân) cũng cho kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ 8 con lợn với tổng trọng lượng 740kg.

UBND huyện Nghi Xuân cũng ban hành Quyết định công bố dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Xuân Phổ, đồng thời khoanh vùng khu vực có nguy cơ dịch bùng phát cao tại 2 xã Xuân Hải và Đan Trường. Riêng tại huyện Đức Thọ, dịch khởi phát vào ngày 14/11 tại 3 hộ/3 thôn của xã Lâm Trung Thủy, làm 13 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhận định, dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan rất cao. Bởi qua kiểm tra thực tế tại các ổ dịch cho thấy, dịch bệnh chủ yếu phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi, bà con còn có tâm lý chủ quan, lơ là đối với công tác phòng chống dịch bệnh.

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại trong quá trình sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Tại một số địa phương chưa kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch, chưa quản lý được hoạt động của các đối tượng hành nghề thú y trên địa bàn, đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin cho đàn lợn, trâu bò đợt 2/2023 còn thấp.

Trong khi đó, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài trước đó, nhiều địa phương bị ngập lụt, môi trường chăn nuôi ô nhiễm, thời tiết chuyển mùa nên sức đề kháng của vật nuôi giảm, khi mầm bệnh nguy hiểm lưu trữ trong môi trường phát tán dễ dàng xâm nhập, gây bệnh cho đàn gia súc.

“Dịch tả lợn châu Phi tồn tại lâu trong môi trường chăn nuôi và có nhiều biến chủng, hơn nữa điều kiện thời tiết se lạnh kèm nắng hiện nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát tán, lây lan. Do đó, chính quyền các địa phương và người chăn nuôi cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bao vây các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng”, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Ý thức của người chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Thanh Nga.

Ý thức của người chăn nuôi đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Thanh Nga.

Tuyệt đối không giấu dịch

Thời điểm này tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều biến động do người dân tái đàn phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán, ngoài ra lưu lượng gia súc vận chuyển, buôn bán qua địa bàn tỉnh nhộn nhịp hơn cũng là tác nhân gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Trước mắt, để khống chế các ổ dịch tả lợn Châu Phi trong diện hẹp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã cấp phát 1.800 lít hóa chất cho các địa phương để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm, vùng ổ dịch cũ, cơ sở giết mổ tập trung…

Ghi nhận tại huyện Cẩm Xuyên cho thấy, các giải pháp căn cơ dập dịch đã được địa phương này triển khai nhằm bảo vệ tổng đàn lợn gần 60.000 con.

Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, ngoài việc thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến dịch trên địa bàn để người dân chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống ngay tại hộ gia đình, huyện Cẩm Xuyên đã giao phòng ban chuyên môn phối hợp các xã rà soát lại tổng đàn vật nuôi.

Tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định trong công tác phòng chống dịch bệnh như không tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, trường hợp có lợn bị bệnh, bị chết phải báo với cơ quan thú y hoặc UBND xã. Không tự ý bán chạy, không vứt lợn chết ra môi trường, khi nhập đàn chọn lợn có nguồn gốc rõ ràng, lợn khỏe mạnh…

“Đối với đàn lợn khoẻ mạnh, bà con cần chăm sóc, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn; giữ chuồng trại khô thoáng, ấm, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng; tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho đàn lợn, cách ly nghiêm ngặt khu vực nuôi với môi trường xung quanh và hạn chế người ra vào chuồng trại”, ông Hà khuyến cáo một số giải pháp cụ thể.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT và cơ quan Thú y đề nghị huyện Cẩm Xuyên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bao vây, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Ảnh: Hưng Phúc. 

Lãnh đạo Sở NN-PTNT và cơ quan Thú y đề nghị huyện Cẩm Xuyên tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp bao vây, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Ảnh: Hưng Phúc. 

Một địa phương khác cũng đang dốc sức ngăn chặn dịch lây lan diện rộng là huyện Nghi Xuân. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện, sau khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tại xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân đã công bố dịch trên địa bàn, đồng thời ban hành Công điện số 5026 /CĐ-UBND, ngày 16/11/2023 về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

“Mặc dù dịch bệnh xảy ra tại một hộ chăn nuôi nằm cách biệt ngoài cánh đồng, tuy nhiên, chúng tôi không thể chủ quan lơ là. Trung tâm đã bố trí cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các xã, thị trấn. Đặc biệt, khoanh vùng khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao ở xã Xuân Hải, xã Đan Trường để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt khi dịch bệnh còn ở diện hẹp”, ông Tuấn nói.

Sở NN-PTNT Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn vật nuôi, đặc biệt là các đối tượng cảm nhiễm với các loại dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc chưa được tiêm phòng hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, mới nhập đàn, đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80%.

Lập các biển cảnh báo vùng dịch, hạn chế việc vận chuyển, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cảm nhiễm từ ổ dịch ra ngoài và ngược lại. Đặc biệt, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật, sản phẩm động vật và hành nghề thú y trên địa bàn.

Để bảo vệ “đầu kéo” chủ lực của ngành chăn nuôi, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đề nghị, thời gian tới, chính quyền cấp huyện, xã tiếp tục thông tin chi tiết về diễn biến dịch bệnh trên địa bàn cho người dân được biết, nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy, vứt xác động vật bị bệnh, nghi bị bệnh ra môi trường. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh sát trùng chuồng trại, bổ sung thức ăn tăng đề kháng cho vật nuôi.

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.