| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi đeo bám dai dẳng

Thứ Hai 09/09/2024 , 10:43 (GMT+7)

HÀ TĨNH Quyết liệt khống chế được vài ba tháng, dịch tả lợn Châu Phi quay lại đeo bám người chăn nuôi Hà Tĩnh khiến bà con như ngồi trên đống lửa.

Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành, trở thành nỗi ám ảnh của người chăn nuôi Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.

Nỗi ám ảnh

Mặc dù không phải là loại dịch bệnh lây lan sang người nhưng nếu bị dịch tả lợn Châu Phi “điểm mặt chỉ tên”, người dân xác định “khai tử” cả đàn vật nuôi, thiệt hại nặng nề.

Để phòng căn bệnh “ung thư” gây hại trên đàn lợn, năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh vận động người chăn nuôi tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi song tỷ lệ đăng ký đếm trên đầu ngón tay, dịch bệnh vẫn hoành hành, trở thành nỗi ám ảnh chưa có hồi kết.

Trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Thạch Hà xuất hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi. Ổ dịch đầu tiên tại xã Tân Lâm Hương với 10 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Văn Bình phát hiện vào ngày 15/8; tiếp đó, đến ngày 21/8, trên địa bàn xã Thạch Lạc xuất hiện ổ dịch thứ hai với 11 con lợn của 2 hộ dân ở thôn Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, từ đầu năm 2024, ở địa bàn xã Thạch Trị cũng phát hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi với 10 con nhiễm bệnh.

Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà ngay sau đó đã phối hợp UBND các xã và hộ dân tiến hành tiêu hủy lợn ốm, chết; kịp thời phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng môi trường tại các hộ, thôn có chăn nuôi lợn; lập các chốt cảnh báo dịch và kiểm soát các tuyến đường ra vào thôn có dịch và lân cận.

Xã Tân Lâm Hương hiện có tổng đàn lợn hơn 3.700 con. Địa phương này nằm giáp ranh TP Hà Tĩnh và có tuyến đường tránh quốc lộ 1A đi qua, vì vậy lưu lượng phương tiện vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật qua địa bàn hàng ngày rất lớn. Đây là mối nguy luôn thường trực đe dọa đàn lợn của địa phương.

“Chúng tôi đã tuyên truyền liên tục trên loa phát thành về diễn biến dịch tả lợn Châu Phi để người chăn nuôi nắm bắt, chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống. Tuy nhiên, điều kiện địa hình, giao thông thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh, lây lan nên có những thời điểm “lực bất tòng tâm””, một lãnh đạo xã Tân Lâm Hương chia sẻ.

Kể từ khi phát hiện ổ dịch tại xã Tân Lâm Hương vào ngày 15/8 đến nay, ngành chức năng ghi nhận 10 ngày không phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn. Tuy nhiên, thời tiết đang giao mùa, sức đề kháng vật nuôi giảm, trong khi hiệu lực phòng bệnh của một số loại vacxin đã hết, do đó để ngăn dịch bệnh lây lan, xã Tân Lâm Hương khuyến cáo người dân thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột.

Đặc biệt, thời điểm này chưa tái đàn, không xuất chuồng những đàn lợn bị ốm, khi lợn có triệu chứng ốm phải báo ngay cho xã. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra các chợ, các lò mổ, khuyến cáo người dân mua thịt ở những nơi rõ nguồn gốc, có đóng dấu kiểm dịch.

Chủ một trang trại chăn nuôi hơn 2.000 con lợn nái đóng trên địa bàn huyện Thạch Hà từ đầu năm lại nay như ngồi trên đống lửa. Bởi, sau khi nhường đất thi công dự án trọng điểm cao tốc Bắc - Nam, trang trại này phải đầu tư hàng tỷ đồng xây mới, nâng cấp lại hệ thống công trình bảo vệ môi trường, đồng thời tăng chi phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi do bị dịch uy hiếp.

Nhiều trang trại chăn nuôi lớn phải giảm đàn do áp lực dịch bệnh, giá lợn hơi giảm. Ảnh: Thanh Nga.

Nhiều trang trại chăn nuôi lớn phải giảm đàn do áp lực dịch bệnh, giá lợn hơi giảm. Ảnh: Thanh Nga.

“Tình trạng người chăn nuôi nhỏ lẻ vứt xác lợn chết ra môi trường hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn ốm không báo lên cơ quan chức năng đang khá phổ biến nên công tác ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan rất khó. Bây giờ cần nhất là người dân nâng cao ý thức phòng dịch, sau đó chính quyền huyện, xã và đội ngũ cán bộ thú y vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Thú y. Có như vậy mới đảm bảo tính răn đe”, chủ trang trại nói.

“Đoàn liên ngành huyện sẽ tăng cường kiểm tra, phúc kiểm, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch; vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường”, Phó Chủ tịch huyện Thạch Hà nhấn mạnh.

Nguy cơ lây lan rất cao

Đặc thù của Hà Tĩnh chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ; chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tỷ lệ tiêm phòng các loại vacxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi hằng năm còn thấp nên khi dịch bệnh xảy ra dễ lây lan diện rộng.

“Thời điểm này, thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, cùng với đó, các hoạt động vận chuyển, buôn bán để tái đàn, tăng đàn gia tăng nên nguy cơ dịch bệnh lây lan trong thời gian tới là rất cao. UBND huyện đã ban hành công văn chỉ đạo cụ thể đến các xã, thị trấn, trưởng các ban, phòng chỉ đạo cơ sở tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà thông tin.

Theo ông, huyện đã kịp thời hỗ trợ gần 400 lít hóa chất cho 10 xã và 6 cơ sở giết mổ gia súc để phun tiêu độc khử trùng ở các khu vực chăn nuôi và khu vực giết mổ. Đồng thời, yêu cầu các xã rà soát, theo dõi chặt chẽ tình hình đàn vật nuôi, kịp thời báo cáo cơ quan chuyên môn khi xảy ra bất thường để có phương án xử lý sớm, phù hợp.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình, diễn biến, các giải pháp phòng, chống dịch để người dân biết và chủ động thực hiện. Triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng các loại vacxin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2024.

Người dân vùng dịch tả lợn Châu Phi phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân vùng dịch tả lợn Châu Phi phun tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn qua địa bàn, thực hiện kiểm soát chặt tại các cửa ngõ ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp. Chỉ đạo đoàn liên ngành cấp xã thường xuyên kiểm tra tại các chợ, các điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, khuyến cáo người chăn nuôi khi lợn đến tuổi xuất chuồng cần xuất bán ngay; không tăng đàn, tái đàn khi không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, tổng đàn lợn toàn tỉnh đến thời điểm này đạt gần 400.000 con. Từ đầu năm đến nay, ngoài Thạch Hà, dịch tả lợn Châu Phi cũng đã quét qua huyện Nghi Xuân và Cẩm Xuyên, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Để phòng chống dịch hiệu quả trong giai đoạn giao mùa, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đề nghị chính quyền các địa phương, cán bộ thú y cơ sở hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Bổ sung vào khẩu phần ăn thêm các loại vitamin, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, sửa chữa, che chắn chuồng trại hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ đến đàn vật nuôi. Đồng thời, tập trung nhân lực, vật lực tổ chức tiêm phòng vacxin đợt 2 năm 2024 đạt kế hoạch. Thời gian tiêm từ ngày 1/9 đến 30/10.

Theo kế hoạch đề ra, đối với đàn trâu, bò, tiêm phòng vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đàn lợn, tiêm phòng vacxin dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn. Đối với gia cầm, tiêm vacxin cúm gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng.

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.

20 giống cà phê của WASI được chuyển giao ra sản xuất

ĐẮK LẮK Hiện WASI đã có 20 giống cà phê được giới thiệu và đưa vào sản xuất, bao gồm 14 giống cà phê vối và 6 giống cà phê chè.