| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài 3] Kinh nghiệm sau những trận dịch

Thứ Tư 26/06/2024 , 10:53 (GMT+7)

Sau khi trải qua những trận đại dịch và chịu thiệt hại nặng nề, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đã rút ra được cho mình nhiều bài học.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng chiến lược, đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển những trang trại quy mô lớn đảm bảo các tiêu chí về an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng chiến lược, đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển những trang trại quy mô lớn đảm bảo các tiêu chí về an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bài học xương máu

Thời gian qua, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đã được định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực chăn nuôi nói chung và hơn 10 năm chăn nuôi theo quy mô lớn nói riêng, ông Nguyễn Văn Ngữ, Giám đốc HTX Chăn nuôi Xanh (phường Lương Sơn, TP. Sông Công) hiện đang vận hành trang trại chăn nuôi với khoảng 300 con lợn và 3.000 gà.

Với những người dân có quy mô chuồng trại khá lớn như ông Ngữ, công việc ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi, phòng chống những dịch bệnh động vật nguy hiểm.

Nhớ lại thời điểm năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, 50 con lợn nái và 250 con lợn thịt của ông Ngữ đều bị mắc bệnh, bị thiệt hại về kinh tế lên đến 1 tỷ đồng. Do lo sợ dịch bệnh quay trở lại, ông Ngữ đã phải tạm dừng chăn nuôi, không dám tái đàn trong khoảng 1 năm.

“Thời gian đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn Châu Phi nên nhiều người chăn nuôi như tôi đã để xảy ra thiệt hại lớn. Nhưng cũng chính từ những sai lầm đó mà giờ đây chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn”, ông Nguyễn Văn Ngữ tâm sự.

Từ những vấp ngã, khó khăn, những người chăn nuôi như ông Ngữ đã rút ra được kinh nghiệm quý giá. Họ đã nhận thấy yếu tố then chốt để có thể chăn nuôi quy mô lớn một cách hiệu quả, không cách nào khác là phải thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học và tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

“Cho dù là quy mô nhỏ hay quy mô lớn, người dân cũng phải tự có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi. Người chăn nuôi phải tự trau dồi kiến thức về phòng chống dịch bệnh cũng như xây dựng những kế hoạch phòng chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến của thực tế để nâng cao sức đề kháng cho trang trại của mình. Có như vậy mới có thể bảo vệ đàn vật nuôi trước những dịch bệnh ngày càng nguy hiểm, phức tạp như hiện nay”, Giám đốc HTX Chăn nuôi Xanh chia sẻ.

Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, gắn liền với bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang được định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, gắn liền với bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thiết lập vành đai phòng thủ bảo vệ cơ ngơi tiền tỷ

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.000 trang trại chăn nuôi, trong đó có 57 trang trại quy mô lớn, hơn 600 trang trại có quy mô vừa, hơn 400 trang trại có quy mô nhỏ và nông hộ.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang xây dựng những chiến lược và đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2030, trong đó tập trung phát triển những trang trại quy mô lớn tại một số địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp cũng như nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi như huyện Định Hóa, Đại Từ, TP. Sông Công, TP. Phổ Yên… Đặc biệt, các trang trại chăn nuôi đang được định hướng phát triển theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, gắn liền với bảo vệ môi trường.

Nằm tại xã Phúc Thuận, TP. Phổ Yên, trang trại chăn nuôi gia công liên kết với doanh nghiệp nước ngoài của ông Nguyễn Quốc Hoành hiện đang có 1.200 con lợn nái, giá trị khoảng 15 tỷ đồng.

Hiện nay, theo yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học của nhiều doanh nghiệp, không chỉ trang trại của ông Hoành mà tất cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn khác đều đang triển khai việc thiết lập vành đai khép kín để bảo vệ chuồng trại.

Theo đó, trong vòng bán kính 10m xung quanh chuồng trại, người chăn nuôi đã phát quang bụi rậm, chặt bỏ cây cối, láng bê tông đường, đổ bê tông đậy kín các nắp cống, quây lưới ngăn chuột cũng như nhiều loại côn trùng có thể mang mầm bệnh nguy hiểm khác như ruồi, muỗi, gián…

Bên cạnh đó, theo ông Hoành, người chăn nuôi phụ trách các chuồng nuôi cũng phải cách ly nghiêm ngặt và không được tiếp xúc với bên ngoài. Ngay cả như chiếc xe ô tô chở thức ăn chăn nuôi duy nhất trong ngày muốn vào trại cũng phải qua nhiều bước sát trùng và cách ly đủ thời gian yêu cầu.

“Nếu không xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh, các doanh nghiệp sẽ không đồng ý liên kết với các trang trại chăn nuôi gia công nữa. Thế nên, các chủ trang trại đều phải tự đầu tư tất cả chi phí để thiết lập vùng an toàn dịch bệnh, cải tạo chuồng trại theo yêu cầu của doanh nghiệp. Như trang trại quy mô 1.200 con lợn nái của tôi, chi phí đầu tư sẽ mất khoảng 1 tỷ đồng”, ông Nguyễn Quốc Hoành cho biết.

Cú hích mạnh mẽ cho chăn nuôi "xứ chè"

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên cho biết, thực tế hiện nay trên địa bàn Thái Nguyên, mô hình chăn nuôi nhỏ và chăn nuôi quy mô nông hộ tuy còn chiếm phần lớn nhưng đang theo xu thế giảm dần.

Lí do đến từ việc mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ đã không còn đáp ứng được yêu cầu về mật độ chăn nuôi. Việc giảm thiểu mô hình chăn nuôi quy mô nhỏ cũng sẽ góp phần vào đảm bảo an toàn dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

“Chính vì vậy, việc phát triển chăn nuôi quy mô lớn là một xu hướng tất yếu vì chỉ có chăn nuôi quy mô lớn mới có thể đáp ứng được các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Đỗ Đình Trung nhấn mạnh.

Ông Đỗ Đình Trung nhấn mạnh, chăn nuôi quy mô lớn sẽ là cú hích mạnh mẽ để người dân có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Đỗ Đình Trung nhấn mạnh, chăn nuôi quy mô lớn sẽ là cú hích mạnh mẽ để người dân có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Thái Nguyên, để có thể phát triển mô hình chăn nuôi theo quy mô lớn, người chăn nuôi bắt buộc phải có trình độ chuyên môn cao, đồng thời cũng cần đảm bảo những điều kiện nghiêm ngặt về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh về khoách cách với các khu dân cư và khoảng cách với chính các trang trại chăn nuôi khác.

“Do đó, một khi đã đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết, chăn nuôi quy mô lớn sẽ là cú hích mạnh mẽ để người dân có thể áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, từ đó nâng cao chuyên môn, kiến thức trong ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp hiện đại nói chung”, ông Đỗ Đình Trung nhận định.

Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng, chăn nuôi quy mô lớn sẽ là đầu tàu để chọn lọc, cải thiện chất lượng con giống, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến thương mại. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những sản phẩm chăn nuôi minh bạch, có nguồn gốc rõ ràng.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề then chốt, quan trọng trong phát triển chăn nuôi bền vững như ban hành quy định về mật độ chăn nuôi, khoách cách giữa các khu chăn nuôi với nhau và với khu dân cư, bên cạnh đó là phát triển những sản phẩm chủ lực chăn nuôi như gà thịt, gà trứng, thịt lợn và những sản phẩm từ lợn.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.