Diện tích rừng Yên Bái ngày một tăng và được bảo vệ tốt hơn, là do một phần thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Người dân Trạm Tấu tham gia trồng rừng. |
Toàn bộ diện tích rừng của tỉnh Yên Bái phần lớn nằm trên các sườn núi cao, đầu nguồn các con sông, suối lớn như sông Chảy, Ngòi Thia, Ngòi Hút, Nậm Kim, Nậm Đông…, nơi dự trữ diện năng vô cùng to lớn của hàng chục nhà máy thủy điện lớn nhỏ Hòa Bình, Sơn La, Huổi Quảng, Thác Bà, Văn Chấn, Noong Phai, Trạm Tấu, Đồng Sung, Thác Cá I, II, Khao Mang Thượng, Khao Mang, Hồ Bốn, Mường Kim… Năm 2018 số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng 115 tỷ, năm 2019 dự kiến 116 tỷ chi trả cho người dân tham gia bảo vệ rừng.
Huyện Trạm Tấu có tổng diện tích rừng 49.304ha, trong đó có 43.605ha rừng phòng hộ, 8.648ha rừng trồng, toàn bộ diện tích rừng đó nằm trên ngọn nguồn của các suối lớn là Ngòi Thia, Nậm Đông, suối Xuân…nơi đặt nhiều nhà máy thủy điện có công suất từ 10 - 52MW: Văn Chấn, Noong Phai, Trạm Tấu, Thác Cá I, II, Đồng Sung, Nậm Đông III, IV…
Năm 2018 Trạm Tấu có 33.663ha rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 20 tỷ. Ban QLRPH Trạm Tấu đã thực hiện ký 197 hợp đồng bảo vệ rừng với các nhóm hộ ở 12 xã và thị trấn thực hiện chi trả cho 5.623 hộ. Bình quân mỗi hộ được nhận 7 triệu đồng mỗi năm, giá trị tương đương hơn 1 tấn lúa.
Rừng đầu nguồn huyện Trạm Tấu. |
Hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhiều nhất là gia đình ông Tráng A Thông, xã Bản Công, Giàng A Câu, xã Xà Hồ với diện tích rừng bảo vệ trên 20ha, mỗi năm gia đình các ông này nhận từ 15 - 19 triệu tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là số tiền lớn đối với người nông dân miền núi, giúp họ mua lương thực, vật tư sản xuất, trâu bò, lợn gà… để phát triển kinh tế.
Việc sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được người dân sử dụng rất hiệu quả, theo ông Lại Văn Quang - PGĐ Ban QLRPH Trạm Tấu, thôn Tà Chử (xã Túc Đán) quản lý bảo vệ hơn 200ha rừng phòng hộ, mỗi năm được chi trả hơn 140 triệu, nếu số tiền đó chia cho các hộ dân thì mỗi hộ chỉ được một bữa rượu. Sau khi họp bàn, mọi người thống nhất dùng số tiền đó làm đường giao thông nông thôn và kéo điện về các cụm trong thôn.
Đến nay, đường từ trục đường chính của xã vào thôn Tà Chử đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại được dễ dàng hơn, nhất là mùa mưa, họ không còn phải rải trấu trên những đoạn lên dốc mới đi được…
Những năm trước đây do vốn ngân sách hạn hẹp, mức chi trả cho khoán bảo vệ rừng có nơi chỉ được 50.000 đồng/ha, rừng phòng hộ chỗ sung yếu năm cao nhất cũng chỉ được 200.000 đồng/ha. Điều đó không khuyến khích người dân bảo vệ rừng tốt hơn.
Kể từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha rừng ở Trạm Tấu hiện nay được chi trả 800.000 đồng/ha, ngân sách nhà nước không phải chi trả một đồng nào, tất cả số tiền chi trả cho người dân đều thu từ các nhà máy thủy điện do người dùng điện chi trả.
Khu rừng được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. |
Khi người dân nhận thấy ích lợi từ việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, ý thức giữ rừng của người dân được nâng cao. Nhiều năm trước đây, rừng Trạm Tấu cháy liên miên cả trăm vụ về mùa khô, hàng ngàn ha rừng bị thiêu trụi.
Các năm trở lại đây, số vụ cháy rừng đã giảm mạnh. Năm 2014 cháy rừng trồng ở xã Xà Hồ thiệt hại 140ha, năm 2018 cháy 1 vụ ở xã Làng Nhì thiệt hại 1,2ha. Mùa khô 2018 - 2019 do nắng nóng kéo dài xảy ra 6 vụ cháy rừng, thiệt hại 59ha, chủ yếu là rừng mới trồng, rừng phục hồi sau nương rẫy.
Khi xảy ra cháy rừng, tất cả mọi người trong thôn đã tham gia chữa cháy, nên rừng được cứu kịp thời.
Người dân tham gia chữa cháy rừng. |
Thực hiện Nghị định 156/2018/NĐ-CP, tỉnh Yên Bái quyết định mức chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi ha rừng vùng cao 800.000 đồng/ha, vùng thấp 600.000 đồng/ha là chưa thật hợp lý.
Các huyện vùng cao có nhiều bậc thang thủy điện, tiền thu về từ dịch vụ môi trường rừng rất lớn, theo Nghị định 56 thì mức chi trả không quá 2 lần ngân sách nhà nước chi trả để bảo vệ cho mỗi ha là quá cứng nhắc, không khuyến khích người dân vùng cao có diện tích rừng nằm ở khu vực sung yếu, khó khăn lại không được nhận cao hơn 2 lần theo quy định. Trong khi đó nhiều khu rừng trồng ở vùng thấp ít bậc thang thủy điện, việc bảo vệ dễ hơn lại được hưởng 600.000 đồng/ha là bất hợp lý đối với người dân vùng cao.
Thủy điện Noong Phai chan chứa nước chạy máy phát điện. |