| Hotline: 0983.970.780

Điểm đọng lại sau ‘họp báo quốc gia 2023’ của Tổng thống Putin

Thứ Sáu 15/12/2023 , 08:31 (GMT+7)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trả lời câu hỏi của giới truyền thông cũng như đối thoại với người dân Nga trong sự kiện họp báo tổng kết năm 2023.

Trong lịch sử, Tổng thống Nga thường tổ chức hai sự kiện riêng biệt vào hai thời điểm khác nhau trong năm, chương trình “Tổng kết cuối năm”, trả lời các câu hỏi của báo chí, và “Đường dây trực tiếp”, thảo luận về các vấn đề được công chúng quan tâm.

Tuy nhiên, năm nay hai sự kiện này được kết hợp, tạo thành một sự kiện có quy mô lớn ở Nga. Hình thức họp báo trực tuyến kết hợp này từng được Điện Kremlin sử dụng vào năm 2020 do đại dịch Covid-19.

Cuộc họp báo của Tổng thống Putin càng đáng chú ý vì sự kiện này năm ngoái đã bị hủy bỏ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Tại phiên hỏi đáp, Tổng thống Vladimir Putin cho biết gìn giữ và bảo vệ chủ quyền mọi vùng lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu của Nga.

"Nga không thể tồn tại mà không có chủ quyền. Chúng ta đang nói về việc tăng cường an ninh, chủ quyền, đảm bảo quyền của công dân và an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và phát triển thể chế đại nghị", ông nói thêm.

"Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà họ đã hứa, và thậm chí nhiều hơn nữa" để Kiev phản công, ông Putin nói. Quân đội Nga đã phá hủy 747 xe tăng và khoảng 2.300 xe bọc thép khi đẩy lùi nỗ lực tiến công của Kiev trong nửa năm qua, ông nhấn mạnh.

"Odessa là một thành phố của Nga. Mọi người đều biết điều đó", ông Putin nhấn mạnh.

Odessa là một cảng quan trọng ở Biển Đen, gần biên giới Ukraine với Romania, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Đương (NATO). Thành phố được thành lập vào năm 1794 theo lệnh của Nữ hoàng Nga Catherine Đại đế. Thành phố này là một phần của Đế quốc Nga và Liên Xô, song nằm dưới sự kiểm soát của Kiev kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

"Sẽ có hòa bình ở Ukraine khi chúng tôi đạt được mục tiêu của mình", nhà lãnh đạo Nga tuyên bố. “Các mục tiêu Nga khi tiến hành chiến dịch quân sự sẽ không thay đổi. Chúng ta đang nói đến phi phát xít hóa và phi quân sự hóa Ukraine, và đảm bảo nước này giữ lập trường trung lập", ông Putin nói.

Khi được hỏi về việc về kế hoạch tổng động viên trong năm 2024, ông Putin cho rằng: "Hiện tại, việc tổng động viên là không cần thiết, đặc biệt là khi có trung bình 1.500 người tình nguyện bảo vệ đất nước mỗi ngày”. Ông nhấn mạnh Nga hiện có 617.000 binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự ở Ukraine và các vùng lãnh thổ mới của Nga trải dài dọc theo chiến tuyến dài gần 2.000km.

300.000 người được huy động trong đợt tổng động viên đầu tiên trong năm 2022 đang "chiến đấu hết mình"; 14 người đã được vinh danh là Anh hùng Nga, danh hiệu danh dự cao nhất nước này, Tổng thống Putin nói.

Về tình hình chiến sự ở Gaza, ông Putin cho rằng đây là một “thảm họa”. "Hãy nhìn vào chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và những gì đang xảy ra ở Gaza, và thấy sự khác biệt", Tổng thống Nga nói. Tổng thống Nga cho rằng chiến sự ở Ukraine "không có mức độ tàn phá lớn" như các cuộc tấn công của Israel vào lãnh thổ Palestine.

Một số quốc gia đang ngăn chặn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc liên quan đến sự leo thang ở Gaza, ông Putin nói, dường như đề cập đến Mỹ, nước đã phủ quyết một số nghị quyết về vấn đề này. "Moscow ủng hộ các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến việc thành lập hai nhà nước, Israel và Palestine, trong khu vực này", ông Putin nói.

Thảo luận về "trật tự dựa trên luật lệ" do Mỹ và các đồng minh thiết lập, ông Putin tuyên bố rằng "những quy tắc đó không tồn tại vì chúng thay đổi hàng ngày... tùy thuộc vào lợi ích của một số bên liên quan".

“Tuy nhiên, có nhiều quốc gia không muốn sống theo “các quy tắc bất thành văn đó", mà muốn sống theo Hiến chương Liên hợp quốc và không thiết lập liên minh quân sự, tạo tiền đề cho sự phát triển chung", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Ông Putin khẳng định đây sẽ là trọng tâm của Nga trong nhiệm kỳ chủ tịch BRICS vào năm tới.

Về quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh ông Putin cho rằng quan song phương giữa hai nước đang ở "mức cao chưa từng có", đồng thời khẳng định rằng sự hợp tác như vậy là "một trong những nhân tố thiết yếu bảo đảm cho sự ổn định cho thế giới". Theo Tổng thống Putin, kim ngạch thương mại song phương của hai nước sẽ tăng 30% trong năm 2023, đạt khoảng 220 - 230 tỷ USD.

Khác với phương Tây, đang cố gắng mở rộng các hoạt động của NATO sang châu Á mặc dù điều này vượt quá phạm vi các mục tiêu của liên minh, "tình hữu nghị của Nga và Trung Quốc không vì mục đích chống lại các nước khác, mà phục vụ lợi ích của hai nước".

Về tình hình Argentina, ông Putin cho rằng nước này có nguy cơ đối mặt bất ổn xã hội nếu tân Tổng thống Javier Milei hoàn thành kế hoạch từ bỏ đồng peso để sử dụng đồng đô la Mỹ, ông Putin lưu ý.

"Nếu một quốc gia không có đồng nội tệ, họ không thể làm bất kỳ điều gì. Cách duy nhất là giảm chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực xã hội, cắt giảm đáng kể tiền lương, lương hưu, chi phí cho thuốc men, đường sá và an ninh trong nước", ông Putin giải thích. Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng ý tưởng chuyển sang dùng đồng đô la Mỹ sẽ dẫn đến "mất chủ quyền của đất nước".

Tại cuộc họp báo, ông Putin được một người có ngoại hình giống hệt ông đặt câu hỏi. Người đặt câu hỏi là sinh viên tại Đại học St. Petersburg đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để giả dạng ông Putin, đã đặt câu hỏi rằng liệu ông có từng sử dụng “thế thân” hay không. Ông Putin đánh giá cao trò đùa, song ông nhấn mạnh rằng những gì ông nhìn thấy trên màn hình là "thế thân đầu tiên của ông".

Ông Putin cũng chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, cho rằng "nó không thể bị dừng lại. Do đó, chúng ta phải chịu trách nhiệm về điều này".

"Không ai biết trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển đến thế nào. Chúng ta có thể bàn về những hạn chế và tự kiềm chế phát triển, và tìm cách đạt được thỏa thuận giữa các quốc gia để công nghệ này không gây nguy hiểm cho nhân loại", ông nói. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga khẳng định rằng AI "sẽ không thể thay thế con người".

Câu hỏi cuối cùng đối với ông Putin là ông sẽ cảnh báo hoặc tự khuyên mình điều gì vào năm 2000, nếu ông có cơ hội quay ngược thời gian. Tổng thống Nga cho biết ông sẽ cảnh báo bản thân mình của năm 2000 về "sự ngây thơ và tin cậy quá mức trong quan hệ với các đối tác", dường như đề cập đến phương Tây. "Chúng ta phải tin vào nhân dân Nga vĩ đại. Niềm tin này là chìa khóa cho sự thành công về sự hồi sinh và phát triển của Nga", ông Putin nói.

Cuộc họp báo kết thúc sau hơn 4 giờ, dài hơn một tiếng so với kế hoạch. Tổng thống Nga đã trả lời tổng cộng 67 câu hỏi.

Chương trình Đường dây trực tiếp dài nhất diễn ra vào năm 2013. Khi đó, Tổng thống Putin đã nói chuyện trực tiếp với người xem trong 4h47p với hơn 3 triệu câu hỏi gửi về. Và vào năm 2008, ông đã lập kỷ lục trong phiên hỏi đáp với các nhà báo: Trả lời hơn 100 câu hỏi trong 4h40p.

Họp báo thường niên là cơ hội để Tổng thống Nga trả lời câu hỏi của công chúng về mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, đối ngoại của nước Nga cũng như các vấn đề quốc tế. Kể từ năm 2001, ông Putin đã 15 lần tổ chức họp báo thường niên để trả lời câu hỏi của công chúng trên cương vị Tổng thống và 4 lần ở vai trò Thủ tướng.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.