Dưới góc nhìn của bà Christine Bierre - Tổng biên tập của Tờ Nouvelle Solidarité (Đoàn kết mới) của Đảng Đoàn kết và Tiến bộ Pháp, việc phòng thí nghiệm Fort Detrick bị đóng cửa cần phải được điều tra cặn kẽ nếu muốn thực hiện việc truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2.
“Nếu giai đoạn thứ hai của quá trình truy tìm nguồn gốc virus phải được thực hiện, thì cũng cần phải điều tra lý do thực sự khiến phòng thí nghiệm nghiên cứu y tế của quân đội Hoa Kỳ Fort Detrick bị đóng cửa vì lý do an ninh trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán”, bà Christine Bierre viết.
“Sự cường điệu của Mỹ về nguồn gốc Covid-19 chỉ là cái cớ để tấn công Trung Quốc. Cuộc tấn công này có thể nhắm 'mục tiêu tối thượng' là kinh tế. Cụ thể, khi chỉ định Trung Quốc là nơi khởi đầu của virus Corona mới, Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải trả giá cho những thiệt hại kinh tế mà thế giới phải gánh chịu”, bà phân tích động cơ thực sự khiến Hoa Kỳ gây áp lực buộc WHO mở giai đoạn thứ hai của cuộc điều tra.
Bà Bierre cũng tin rằng các nỗ lực nghiên cứu về nguồn gốc của virus phải được thực hiện đồng thời ở các khu vực khác nhau trên thế giới, và lưu ý rằng trong số các nước đó, thì Hoa Kỳ, Italia, Tây Ban Nha và Pháp đều đã tìm thấy loại virus corona mới trong các mẫu máu hoặc mẫu nước thải tại nước họ, trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.
"Điều này chứng minh rằng loại virus Corona mới đã lây lan khắp thế giới trước khi xảy ra dịch bệnh ở Vũ Hán và Vũ Hán không phải là nơi khởi nguồn của loại virus này", bà Christine Bierre khẳng định.
Về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, tranh cãi Mỹ - Trung chưa hề hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc che đậy khi từ đầu ngăn cản các nhà điều tra quốc tế và các thành viên cộng đồng y tế toàn cầu tiếp cận thông tin quan trọng. Về phía Trung Quốc, nước này yêu cầu điều tra phòng thí nghiệm nghiên cứu y tế Fort Detrick của quân đội Hoa Kỳ.
Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ (IC) bị chia rẽ về nguồn gốc của dịch Covid-19 ở Trung Quốc trong báo cáo được công bố 3 tháng sau khi Tổng thống Joe Biden yêu cầu tiến hành cuộc đánh giá sâu rộng hơn.
Có 4 cơ quan và Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ cho rằng lý giải phù hợp nhất về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 là do tiếp xúc tự nhiên giữa con người với động vật, trong khi một cơ quan khác ủng hộ giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và 3 cơ quan không thể đưa ra kết luận. Báo cáo không nêu tên các cơ quan tình báo Mỹ. Ngoài ra, các cơ quan tình báo của Mỹ cũng chỉ đánh giá với "độ tin cậy thấp" trong việc virus SARS-CoV-2 không bị "sửa đổi gien".
Phía Trung Quốc lên tiếng phản pháo về bản báo cáo do giới tình báo Mỹ công bố là "không đáng tin cậy về mặt khoa học" và nhằm mục đích bêu xấu Bắc Kinh.
Theo cơ quan ngoại giao Trung Quốc, việc truy tìm nguồn gốc dịch bệnh là một vấn đề khoa học và công việc này thuộc thẩm quyền của các nhà khoa học chứ không phải các chuyên gia tình báo.
Trong hơn một năm qua, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền đương nhiệm của ông Joe Biden nhiều lần chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch khi dịch bùng phát. Và Trung Quốc thì bác bỏ những quan điểm phía Mỹ đưa ra là vô căn cứ, đồng thời cũng đưa ra các giả thuyết của riêng mình, trong đó có thuyết âm mưu SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Mỹ.
Trong thực tế, bức tranh chống dịch Covid-19 của Mỹ - Trung đang đi theo hai chiều hướng trái ngược nhau. Hoa Kỳ hiện đang “chới với” vì biến thể Delta. “Sau vài tháng bình lặng, nhiều bệnh viện Mỹ lại đón làn sóng bệnh nhân Covid-19 mới, chủ yếu là người chưa tiêm chủng, khiến mọi thứ trở nên quá tải”, thông tin đáng chú ý được VnExpress nêu trong bài báo “Bệnh viện Mỹ lại ngộp thở vì sóng Covid-19”.
Trong khi đó, theo báo cáo của ngành du lịch Trung Quốc, số lượng đặt chỗ cho các chuyến đi du lịch xuyên tỉnh thành của người dân tính từ ngày 20/8 đến tuần đầu tháng 9 ở Trung Quốc đã tăng 365% cho kỳ nghỉ kéo dài ba ngày dịp Tết Trung thu.
Phân tích những lý do khiến Hoa Kỳ thất bại trong việc chống lại dịch bệnh, bà Bierre nói với China Youth Daily rằng sự nổi trội của hệ tư tưởng tự do ở Hoa Kỳ, đặc biệt là trong Đảng Cộng hòa, là một trong những lý do ngăn cản Hoa Kỳ chống lại đại dịch một cách hiệu quả.
“Người Mỹ nhầm lẫn giữa tự do chính trị cá nhân với an ninh y tế cộng đồng. Việc đề cao chủ nghĩa cá nhân của Hoa Kỳ giải thích tại sao nước này đã thất bại trong việc đánh bại dịch bệnh, cũng như ngăn chặn tình trạng đói nghèo đang gia tăng", bà nêu quan điểm.
“Chúng ta nên lắng nghe Trung Quốc khi họ nói rằng thế giới là một cộng đồng chung vận mệnh. Để chiến thắng dịch bệnh, các quốc gia phải phối hợp các chính sách của mình", bà Bierre đề xuất về cách đối phó với đại dịch Covid-19.
Khi dịch bùng phát không có quốc gia nào ngoại lệ, dù ở Mỹ, châu Âu hay các ở các nước châu Á, tất cả đều phải căng mình chống dịch. Việc phòng chống dịch hiệu quả phụ thuộc vào điều kiện và chiến lược cũng như các giải pháp linh hoạt của mỗi quốc gia. “Không thể phủ nhận chiến lược cứng rắn ngay từ đầu của Trung Quốc cùng các biện pháp quyết liệt, bài bản, họ đã và đang khống chế thành công đại dịch trong một thời gian ngắn”, bà Bierre nêu bài học từ cách chống dịch của Bắc Kinh.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trước mắt các quốc gia nên đoàn kết, hợp tác và chia sẻ chống dịch, ngăn dịch bệnh lây lan, việc chỉ trích hay tung ra những thuyết âm gây chia rẽ càng làm tổn thương cho mọi tiến trình hàn gắn vốn đã xung đột gay gắt trong thời gian qua.