| Hotline: 0983.970.780

Truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể

Thứ Ba 28/02/2023 , 07:50 (GMT+7)

'Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp', ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Diễn đàn 'Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm' diễn ra vào sáng 28/2.

Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” diễn ra vào sáng 28/2.

Ngày 28/2, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) và Nhóm tham vấn kinh doanh nông nghiệp (ARG) của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc tại Việt Nam (ACIAR) phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm”. Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến trên các nền tảng của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Theo Ban Tổ chức, Diễn đàn “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” được mong đợi sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân trong các chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, nắm bắt các cơ hội và thách thức trong áp dụng truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh tại đầu cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Từ đó, các cơ quan nhà nước có thể đưa ra các quy định, hướng dẫn và các giải pháp hỗ trợ cũng như các chế tài nhằm đảm bảo tính tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm phù hợp hơn.

Cụ thể, thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được cập nhật các thông tin liên quan về các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất của Chính phủ về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản – thực phẩm.

Đồng thời, một số cách làm thành công về thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm của một số doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và thảo luận để học tập.

Đặc biệt, các cơ quan Chính phủ sẽ nắm bắt được các khó khăn vướng mắc từ phía các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất trong việc áp dụng số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm và đưa ra các định hướng giải quyết trong thời gian tới.

Hình ảnh một số khách mời quốc tế tham dự diễn đàn tại đầu cầu 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội:

 
 

Tất cảTổng thuật

11 giờ 30 phút

Truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể

ong toan

Ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp nhấn mạnh, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số nông nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ nhà nước tới doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,…Với những giá trị to lớn trên, “Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Về các giải pháp cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng, cần có các cơ chế, hành lang tạo điều kiện, làm sống ứng dụng bởi bất kỳ phần mềm nào cũng cần thời gian vận hành và xây dựng dữ liệu.

Bên cạnh đó, phải hệ thống hóa các quy trình sản xuất, quy trình chế biến và có tính liên thông giữa các quy trình. “Vấn đề kỹ thuật đi sau thể chế. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng đề cập, trước khi chuyển đổi số, chúng ta phải chuyển đổi vật lý. các quy trình phải đầy đủ, phải xếp vào đúng ngăn đúng chỗ và sau đó công nghệ sẽ giải quyết bài toàn sắp đặt, vận hành”, ông Toản nhận định.

Hiện nay, Việt Nam có 19.000 HTX nông nghiệp, 14.200 doanh nghiệp nông nghiệp, 7.500 cơ sở chế biến nông nghiệp, 9.400 siêu thị và chợ hạng 1, đây là các dữ liệu cấu thành Big data của ngành nông nghiệp. Do đó, truy xuất nguồn gốc phải tổng thể và rất cụ thể để bao quát được dữ liệu khổng lồ.

11 giờ 10 phút

Không có chuyện nhập khẩu sợi mỳ, sợi miến để chế biến sản phẩm yến sào

yen sao

Chế biến yến sào xuất khẩu.

Một đại biểu tham dự Diễn đàn đặt câu hỏi: “Khi một hộ nuôi Yến tham gia truy xuất nguồn gốc và một không tham gia, vậy giá bán sản phẩm tổ yến có khác nhau. Và hiện nay hiện tượng yến nhập lậu rất phổ biến, đề nghị Cục Chăn nuôi trả lời về vấn đề này?

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Hoan – đại diện Cục Chăn nuôi cho biết: Đối với sản phẩm yến sào, hiện nay giá bán được quyết định bởi hai yếu tố, thứ nhất là chất lượng sản phẩm, thứ hai là lòng tin của người mua đối với người bán.

Ông Hoan lấy dẫn chứng: “Tôi có thể chi ra 3 triệu/kg yến sào đối với sản phẩm mà người ta thu hái ở nhà yến rồi sơ chế cho tôi mang về dùng. Còn nếu ở ngoài thị trường bán 2 triệu/kg, mà tôi không biết sản phẩm lấy từ đâu thì tôi không thể mua được loại yến giá rẻ đó. Như vậy, việc truy xuất hay không truy xuất nguồn gốc sản phẩm như đại biểu tham gia diễn đàn hỏi, nó không tạo nên giá bán của sản phẩm”.

Đôi khi việc truy xuất là bắt buộc theo quy định của pháp luật cũng như yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay cán bộ cấp xã vẫn phải đi đếm, tự thống kê nhà yến và thu thập tài liệu để báo cáo về Bộ.

Nhà nước muốn khuyến khích, muốn mở hệ thống cơ sở dữ liệu để cho nhà chăn nuôi tự nguyện đăng ký khai báo, nhưng vẫn phải bắt buộc bằng biện pháp hành chính, thì các cơ sở mới đăng ký.

Liên quan đến vấn đề nhập lậu sản phẩm yến sào, ông Hoan cho biết, những năm qua sản phẩm yến của nước bạn chuyển về thị trường Việt Nam tiêu thụ nội địa. "Số liệu nhập khẩu thì chúng tôi cũng không ước được bao nhiêu nhưng qua quan hệ và thông tin, chúng tôi nhận thấy người nhập khẩu tổ yến từ các nước về còn nhiều yến hơn là những đầu mối thu mua ở trong nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đánh giá một cách công bằng là vẫn là yến thô người ta nhập về chứ không phải người ta nhập sợi mỳ, sợi miến về đâu".

Như vậy, các nhà kinh doanh cũng phải chỉ rõ cho người tiêu dùng đó là tổ yến thật chứ không phải nhập lậu ở đây là tổ yến giả. Vậy khâu chế biến mới quan trọng. Anh chế biến còn bao nhiêu phần trăm yến chuẩn, tức là nước dãi của con chim yến là 100% hay 70%... cũng như lọ nước yến nhà sản xuất cho bao nhiêu % dãi nước yến trong đó, nó mới cấu thành nên giá trị sản phẩm.

10 giờ 50 phút

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm vẫn còn nhiều băn khoăn

truy-xuat-sp-14-7-2022-1

Đồ họa hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.

Tại hội nghị, ông Vũ Việt Chiến, Tổng giám đốc Công ty giải pháp và công nghệ Sao Việt nêu băn khoăn: Chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nông sản đang là vấn đề được toàn xã hội rất quan tâm. Hiện nay, nhiều tổ chức xã hội, nhà khoa học… đưa ra những giải pháp mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tuy nhiên, mới chỉ giải quyết được phần ngọn nên chưa đạt được hiệu quả cao nhất cho toàn xã hội.

Trên cơ sở đó, ông Việt Chiến nêu loạt câu hỏi: "Chất lượng của các hệ thống chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc đang được triển khai đã thực sự hiệu quả, hợp lý hay chưa? Cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những quy định khung thế nào để hạn chế những ý tưởng, giải pháp không đáng đưa ra xã hội, gây lãng phí tới nguồn lực xã hội?

Nhà hoạch định chính sách đã có những giải pháp giải quyết tận gốc rễ vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm thế nào? Làm cách nào để thực hiện việc này một cách đơn giản, dễ dàng, mang lại kết quả thực chất, rõ ràng cho người nông dân?"

10 giờ 35 phút

Tham gia kinh tế tập thể để cùng số hóa, chuyển đổi số

chuyen doi so

Chia sẻ về vấn đề quản lý, truy xuất nguồn gốc cho hộ trồng cây ăn trái nhỏ lẻ, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho biết, người dân có thể tự tải ứng dụng AutoAgri và đăng kí tài khoản người dùng bằng điện thoại thông minh.

Bên cạnh đó, bà Thực cũng khuyến khích những hộ nông dân nhỏ lẻ thành lập, tham gia vào các tổ hợp tác và các mô hình HTX để liên kết, hợp tác với nhau.

“Việc số hóa và chuyển đổi số không nhất thiết hộ nào cũng phải có điện thoại. Một người có thể sử dụng điện thoại và cập nhật cho hàng nghìn hộ”, đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

10 giờ 20 phút

Không quản lý tốt, việc số hóa thông tin nông sản sẽ trở nên lỏng lẻo

ong mai quang vinh

Ông Mai Quang Vinh (ảnh), Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam chia sẻ: Hiện nay, mỗi sản phẩm rất dễ dàng để tạo cho mình một mã QR, người dùng chỉ mất vài giây là có thông tin về sản phẩm. Tuy nhiên, nếu không có tư duy tốt, việc số hóa, quản lý thông tin nông sản, thực phẩm theo hình thức này sẽ rất lỏng lẻo; doanh nghiệp thu mua rất dễ mua phải hàng hóa trà trộn, kém chất lượng.

Trên cơ sở đó, ông Vinh mong muốn, thời gian tới sẽ được phối hợp chặt chẽ với tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phát triển mạnh mẽ một cổng thông tin chung về quản lý, giám sát thông tin sản phẩm. Qua đó, có thể đưa thông tin của hàng vạn HTX, ngành hàng, giá bán, giá mua nông sản… để tất cả các chủ thể có nhu cầu dễ dàng tiếp cận, tiến tới tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ được minh bạch thông tin.

10 giờ 10 phút

Hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh

ong le quy kha

Ông Lê Quý Kha (ảnh), Công ty Cổ phần Đại Thành, cho biết:  Công ty CP Đại Thành đã xây dựng phần mềm hệ thống giám sát nông nghiệp thông minh DTsmartAG, các thiết bị phần lớn là của Việt Nam và một vài thiết bị (cảm biến) thì phải nhập. Các thiết bị này chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Chỉ cần ngồi ở nhà và điều khiển smartphone, chúng ta có thể biết được tình trạng sâu bệnh, ẩm độ đất, hàm lượng CO2,  dinh dưỡng cây trồng, nguồn nước ra sao và ấn nút điều khiển. Hệ thống này còn có thiết bị đuổi bắt côn trùng gây hại.

Dữ liệu truy xuất nguồn gốc dựa trên nền tảng thiết bị thông minh, quản lý, phân tích về toàn bộ quá trình sản xuất từ gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến, sơ chế, tình trạng quản lý cây trồng, tình trạng quản lý vật tư nông nghiệp.

nong-nghiep-4.0

Thông qua đó, các đối tác nhập khẩu sản phẩm của chúng ta ở nước ngoài cũng có thể theo dõi, giám sát từng giai đoạn sản xuất trên đồng ruộng của người nông dân tại Việt Nam thông qua dữ liệu hình ảnh từ camera. Tại Cần Thơ và Tiền Giang, công ty đã có mô hình trình diễn. Đặc biệt, hệ thống này có thể kết nối với ngành hàng và so với giá trị thế giới là bao nhiêu, giá của Trung Quốc là bao nhiêu, giá ở Việt Nam là bao nhiêu?... Từ đó quyết định giá bán sản phẩm cho phù hợp.

9 giờ 55 phút

Thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau VietGAP

ba nguyen thi nga

Bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR, cho biết: Qua nghiên cứu khách hàng cho thấy, đa số người tiêu dùng nghĩ rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Nga, Điều phối viên dự án của ACIAR đã chia sẻ về Dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam.

Dự án đang được triển khai với 40.000ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè.

“Mỗi năm huyện Mộc Châu và Vân Hồ sản xuất khoảng 70.000 tấn rau theo quy trình VietGAP với giá trị khoảng 30 triệu USD. Sản xuất rau theo quy trình VietGAP sẽ cho năng suất cao hơn 110%. Đặc biệt, thị trường sẵn sàng chi trả thêm 30 - 40% chi phí cho rau có chứng nhận VietGAP”, bà Nguyễn Thị Nga thông tin.

Theo đó, Dự án đã giúp người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng sẽ được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng cho biết thêm, qua nghiên cứu khách hàng cho thấy, đa số người tiêu dùng nghĩ rằng bao bì, chứng nhận và nhãn mác trên bao bì là yếu tố rất quan trọng. Đa số khách hàng đã sử dụng mã QR để kiểm tra sản phẩm nhưng không kiểm tra thường xuyên do tin tưởng vào nhãn hiệu.

“Mã QR được coi là rất hữu ích cho các sản phẩm được tiêu thụ tươi trực tiếp như cà chua, dưa chuột, trái cây có vỏ mỏng. Quét mã QR, người tiêu dùng muốn nhận được những thông tin về vùng sản xuất, nhà đóng gói, trọng lượng gói sản phẩm, hạn sử dụng, chứng nhận…”, đại diện ACIAR chia sẻ.

9 giờ 40 phút

Người dân phải được quyền nói thật, làm thật

ba thanh thuc

Bà Nguyễn Thị Thành Thực (ảnh), Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng, muốn thúc đẩy số hoá trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cơ quan nhà nước cần tạo thành những hướng dẫn để doanh nghiệp dễ hiểu hơn. Đó là phần quan trọng số một. Còn đối với người dân và doanh nghiệp, phần mua bán hàng hoá và kế toán thuế hầu hết đều do các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Bởi vì các doanh nghiệp tư nhân về công nghệ số và phần mềm sẽ cập nhật nhanh hơn và hiểu rõ hơn nhu cầu thực tế của thị trường.

"Cho nên nếu cơ quan nhà nước không sẵn sàng mở hướng để các doanh nghiệp tư nhân tham gia trong lĩnh vực số hoá thì tôi khẳng định quá trình này sẽ rất lâu, rất trễ và rất xa so với thực tế", bà Thực nói.

Việc truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm là điều kiện vô cùng quan trọng và cực kỳ hữu ích đối với người sản xuất cũng như cung ứng sản phẩm để bảo vệ thương hiệu của mình cũng như quảng bá sản phẩm, bảo vệ nhà cung cấp.

"Ví dụ, với một HTX dịch vụ nông nghiệp ở Bình Phước mà tôi mới vận động thành lập, họ ứng dụng các công nghệ số , công nghệ truy xuất nguồn gốc rất nhanh. Và vườn sầu riêng của HTX ấy là một trong những cơ sở tiêu biểu khi phía Trung Quốc giám sát vấn đề thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc vùng trồng", Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri chia sẻ.

Để ứng dụng công nghệ số phục vụ truy xuất nguồn gốc thì nền tảng ứng dụng cho nó phải linh hoạt. Không thể đưa nền tảng đồng nhất ứng dụng cho tất cả mọi nơi được. Ví dụ, trong quá trình làm hồ sơ về mã số vùng trồng, thì khoảng 70 – 80% là sao chép của người nọ sang người kia. Tuy nhiên, nó không thực tế chút nào.

Có những thứ chúng ta phải chấp nhận đau đi, nói thật với nhau đi để chúng ta làm. Ví dụ, có hộ dân nói rằng: “Chúng tôi không dùng hoá chất này. Tôi dùng những chế phẩm sinh học tự tạo ra trong quá trình sản xuất sản phẩm, thì chúng tôi có được kê vào hồ sơ không hay tôi lại phải bê đúng (thông tin) của người khác như vậy?”. Vậy, người dân phải được quyền nói thật, làm thật.

Thứ hai, chúng ta cần phải có phần mềm phù hợp, đặc biệt là phải phù hợp với trình độ của người sử dụng. Ví dụ như những người dân không biết chữ, không có máy vi tính thì người ta cũng phải tiếp cận được.

9 giờ 25 phút

Truy xuất nguồn gốc đem lại thêm thông tin cho nông dân

ong luong phuoc vinh

Đồng tình với ý kiến ban đầu của ông Howard Hall, ông Lương Phước Vinh (ảnh) - Giám đốc khu vực Đông Nam Á (Tập đoàn Tentamus) cho rằng truy xuất nguồn gốc không chỉ là quản lý trong chuỗi cung ứng, mà còn cung cấp thêm thông tin cho nông dân nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của từng nhà nhập khẩu hay thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay, doanh nghiệp đang cung cấp hệ thống truy xuất nguồn gốc MRL kết nối giữa các bên từ nông dân cho tới nhà nhập khẩu, đem lại nguồn thông tin lớn về các yêu cầu từ các thị trường tới nhà sản xuất, HTX và nông dân.

9 giờ 10 phút

Chuyển đổi số tạo ra giá trị mới và phát triển bền vững

ong nguyen thanh my

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Mỹ (ảnh), Chủ tịch HĐQT Công ty Mỹ Lan đã chia sẻ về chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Theo ông Mỹ, chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong quản lý, điều hành nhằm tối ưu hóa các hoạt động trong chuỗi giá trị nông sản từ vật tư đầu vào đến giống, canh tác, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo ra giá trị mới và phát triển bền vững.

Quy trình chuyển đổi số gồm 3 bước: Bước 1 (số hóa dữ liệu), chuyển đổi văn bản, hình ảnh hoặc âm thanh sang định dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính; bước 2 (số hóa quy trình), tích hợp các thiết bị kết nối internet vào trong mọi hoạt động để có thể tự động thu thập dữ liệu; bước 3 (điều hành số), điều hành và quản lý mọi hoạt động với công cụ số như phần mềm SaaS và ứng dụng di động Apps…

9 giờ 00 phút

Kinh nghiệm của doanh nghiệp kiểm định 50.000 tấn mật ong sang Hoa Kỳ mỗi năm

ong henry bui

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Henry Bùi (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khoa học công nghệ Hoàn Vũ, đã có những chia sẻ về kỹ thuật đồng vị bền trong truy xuất nguồn gốc.

Theo đó, phân tích đồng vị bền là kỹ thuật ưu việt đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như môi trường, khí hậu, nông nghiệp, địa chất, thực phẩm, y sinh…

“Các đồng vị bền tồn tại một cách tự nhiên và khác nhau qua từng vị trí địa lý, từng cơ thể sinh vật sống. Vì vậy mà tỉ lệ các đồng vị bền sẽ cung cấp các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, đặc tính của đối tượng nghiên cứu”, ông Henry Bùi thông tin.

Ông Henry Bùi cho biết thêm, Hoàn Vũ là đơn vị có hơn 3.000 lô thanh long đi các thị trường, trong đó đã tiến hành kiểm định 2.700 lô thanh long/năm vào thị trường EU. Hoàn Vũ cùng là đơn vị duy nhất tiến hành kiểm định 50.000 tấn mật ong xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ mỗi năm và 100% không bị trả lại do đáp ứng được những quy định nghiêm nặt về kháng sinh và hóa chất của nước nhập khẩu.

Theo đó, doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng bảo đảm chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách xác thực nguồn gốc nông sản - thực phẩm.

Cụ thể, Hoàn Vũ Lab có thể kiểm nghiệm, xác thực nguồn gốc rất nhiều dịch trái cây xuất đi thị trường Châu Âu, kết quả kiểm nghiệm tương đương với phòng thí nghiệm bên Đức; Xác thực rau củ quả hữu cơ bằng thiết bị EA-IRMS; Xác thực, truy tìm nguồn gốc địa lý cà phê bằng phương pháp tỉ lệ đồng vị; Xác thực nguồn gốc địa lý gạo hữu cơ; Phân biệt tôm sú nuôi và tôm sú thiên nhiên bằng đồng vị bền; Xác thực kiểm nghiệm, xác thực nguồn gốc phân bón hữu cơ bằng phương pháp phân tích đồng vị bền Nitơ; Xác thực rượu, bia thật giả; Kỹ thuật phân tích đồng vị bền mở lối cho kỷ nguyên xác thực nguồn gốc nông sản và tất cả các chủng loại thực phẩm.

Theo ông Henry Bùi, đối với những thị trường "khó tính" như EU, Hoa Kỳ, Australia…, truy xuất nguồn gốc là một mắt xích quan trọng của hệ thống tiêu chuẩn về hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chăn nuôi, hàng hóa nông sản với truy xuất nguồn gốc.

8 giờ 40 phút

Rất cần sự kết nối, dẫn dắt từ Cổng Truy xuất nguồn gốc Quốc gia

ong nguyen hoai nam

Ông Nguyễn Hoài Nam (ảnh), đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, Hệ thống Truy xuất nguồn gốc (TXNG) của Bộ NN& PTNT đang được cài đặt và vận hành chính thức tại Bộ tại địa chỉ truy cập: http://checkvn.mard.gov.vn/

Hệ thống đã xây dựng được 03 phân hệ chính gồm: Cổng thông tin TXNG; Hệ thống quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu về TXNG dành cho đối tượng là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; Cho phép khai thác sử dụng bằng ứng dụng trên thiết bị di động trong việc tìm kiếm, truy vết, tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang kết nối, chia sẻ dữ liệu với 8 hệ thống TXNG của 8 tỉnh, thành phố và có hơn 3.964 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 16.987 sản phẩm nông sản thực phẩm.

So sánh với hệ thống Dịch vụ công Quốc gia, ông Nam cho rằng, để hệ thống TXNG tại Bộ NN-PTNT hoạt động thực sự hiệu quả, rất cần sự kết nối, dẫn dắt của Cổng TXNG Quốc gia. Do đó, đại diện Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp kiến nghị, TXNG nông sản nói riêng và các sản phẩm khác nói chung cần được xây dựng, phát triển theo hướng kết nối, liên thông và tập trung.

8 giờ 30 phút

Nuôi chim yến phải theo định hướng và tuân thủ luật

ong do van hoan

Ông Đỗ Văn Hoan (ảnh), đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin: Theo thống kê, đến hết năm 2022, số lượng nhà yến trên toàn quốc là 23.665. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang (2.995), Bình Định (1.722).

Bên cạnh những thuận lợi, việc nuôi chim yến vẫn đối diện với nhiều khó khăn như: việc gây nuôi còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn; việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; kiếm soát dịch bệnh đối với chim yến còn nhiều bất cập về kiến thức dịch tễ học; thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; thiếu hướng dẫn khi xây dựng nhà nuôi yến nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến…

Trên cơ sở đó, ông Hoan cung cấp thông tin về hướng dẫn tạm thời về đăng ký và xác nhận mã số cơ sở nuôi chim yến. Theo đó, việc xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc chính ngạch cần tuân theo Nghị định thư ký ngày 9/11/2022 giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam với Tổng cục Hải quan (Trung Quốc).

Cụ thể, sản xuất và chế biến tổ yến để xuất khẩu phải đáp ứng các quy định có liên quan của Việt Nam (Luật Chăn nuôi + Luật Thú y + Luật An toàn thực phẩm, Luật Thương mại....) và Trung Quốc (Lệnh 248 và 249). Các nhà nuôi yến phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và được GACC đưa vào hồ sơ…

Việc cấp mã số đối với cơ sở nuôi chim yến được thực hiện như sau:

Bước 1. Chủ cơ sở nuôi chim yến điền đầy đủ thông tin vào Bản kê khai hoạt động nuôi chim yến theo Mẫu số 01 và gửi đến UBND cấp xã (nơi xây dựng cơ sở nuôi chim yến hoặc nơi có hang yến). UBND cấp xã tiếp nhận Bản kê khai, kiểm tra thông tin và xác nhận vào Bản kê khai.

Bước 2. Chủ cơ sở nuôi chim yến truy cập Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi tại địa chỉ tên miền https://csdlchannuoi.mard.gov.vn để khai báo thông tin theo yêu cầu của Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi và đính kèm bản chụp Mẫu số 01 đã được UBND cấp xã xác nhận, 01 ảnh chụp mặt trước cơ sở nuôi chim yến.

Trường hợp chủ cơ sở nuôi chim yến có nhu cầu cung ứng tổ yến phục vụ xuất khẩu thì chọn vào mục "Đăng ký xuất khẩu" trên Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi.

Bước 3. Chi cục quản lý nhà nước về chăn nuôi cấp tỉnh kiểm tra và xác nhận thông tin cơ sở nuôi chim yến trên Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi. Hệ thống tự động cấp mã số cơ sở nuôi chim yến, đồng thời báo mã số trên tài khoản và gửi vào email của chủ cơ sở.

Trường hợp cơ sở nuôi chim yến "Đăng ký xuất khẩu", Chi cục quản lý nhà nước về chăn nuôi cấp tỉnh lập danh sách, kiểm tra thực tế, đính kèm kết quả kiểm tra thực tế lên Hệ thống cơ sở dữ liệu chăn nuôi. Hệ thống tự động cấp mã số cơ sở nuôi chim yến phục vụ xuất khẩu khẩu, đồng thời báo mã số trên tài khoản và gửi vào email của chủ cơ sở.

8 giờ 20 phút

Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

ong huynh tan dat

Ông Huỳnh Tấn Đạt (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) chia sẻ: Nguyên tắc để quản lý truy xuất nguồn gốc là chúng ta kiểm soát toàn bộ thông tin từ trang trại, vườn trồng đến sơ chế, đóng gói, chế biến, lưu kho, vận chuyển, phân phối và tiêu dùng. Để đảm bảo điều đó, chúng tôi đã đưa ra toàn bộ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm thuộc vi phạm quản lý của Bộ NN-PTNT (thực phẩm thực vật).

Theo đó, vườn trồng hoặc cơ sở đóng gói có nhu cầu đăng ký mã số thì trước tiên phải bảo đảm tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. Việc đăng ký mã số trên cơ sở tự nguyện.

Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng nhấn mạnh, việc kiểm tra đánh giá là căn cứ để cấp mã số hoặc duy trì, phục hồi mã số. Mã số phải được công nhận bởi nước nhập khẩu. Mã số được cấp phải luôn bảo đảm tuân thủ các điều kiện của nước nhập khẩu và phải được giám sát bởi cơ quan quản lý để duy trì mã số.

Hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đang xây dựng phần mềm quản lý cơ sở đóng gói tại địa chỉ: https://cms.packinghouse.online và các chủ cơ sở đóng gói có thể liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật để có tài khoản dùng thử.

Bên cạnh đó, Cục đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu. Hệ thống sử dụng cho các cơ quan quản lý (Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại các địa phương) và kết nối dữ liệu với “Nhật ký đồng ruộng” và trong tương lai là phần mềm về “quản lý cơ sở đóng gói”.

“Trong quá trình triển khai các hệ thống cơ sở dữ liệu này, chúng tôi còn kết hợp với rất nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực để kiểm soát tốt các vấn đề liên quan từ giai đoạn sinh trưởng, phát triển, từ năng suất, sản lượng của cây trồng cho đến diễn biến tình hình gây hại hay rủi ro trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến và lưu kho...”, ông Đạt nói.

8 giờ 10 phút

Công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc trở nên minh bạch

mr howard

Ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Howard Hall, Cố vấn cao cấp ACIAR cho biết, trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam, ACIAR luôn hướng đến hỗ trợ cộng đồng nông dân tiếp cận các thông tin liên quan đến thị trường hay thị hiếu người tiêu dùng,… trên nhiều lĩnh vực như: thực phẩm, rau an toàn, cà phê,…ACIAR luôn tích cực chuyển giao, hỗ trợ nông dân tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, trong đó có việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản.

Nhận định về tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông Howard Hall cho biết, công nghệ giúp hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ trở nên minh bạch, qua đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm khi tới tay người tiêu dùng luôn đạt chất lượng tốt và đầy đủ thông tin theo nhu cầu của người tiêu dùng nhất.

8 giờ 00 phút

Số hóa truy xuất nguồn gốc nông sản - 'bệ đỡ' cho nền nông nghiệp minh bạch

anh thach

Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay.

Mở đầu Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ không chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu mà trước hết chính vì sức khỏe của 100 triệu người dân Việt Nam”.

Theo ông Thạch, hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, điều đó cho thấy uy tín và vị thế ngày càng cao của nông sản Việt trên thị trường quốc tế; giúp kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt trên 53,22 tỷ USD.

Tuy nhiên, thành tựu luôn song hành với thách thức khi thị trường quốc tế ngày càng khắt khe với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, là việc nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó, có vấn đề thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ NN-PTNT không ngừng nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số để xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch, tích hợp đa giá trị, hướng tới xóa bỏ một nền nông nghiệp “mù mờ” từ người mua, người bán đến cơ quan quản lý, “mù mờ” từ thị trường, chất lượng đến xuất xứ, nguồn gốc… Những nỗ lực đó nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Việt Nam xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.

Điều này cũng góp phần định danh nông sản Việt, xây dựng lòng tin, khẳng định thương hiệu về chất lượng của nông sản Việt trên thị trường nội địa và quốc tế, cũng như những lợi ích kinh tế mang lại cho người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Ông Thạch cũng cho rằng, việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng là việc của mỗi người, của cả cộng đồng cùng chung tay nhằm thay đổi tư duy sản xuất, chứ không chỉ là trách nhiệm của người sản xuất, người nông dân, HTX, doanh nghiệp, địa phương hay chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Trong đó, việc số hóa, khoa học công nghệ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Trên cơ sở đó, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam kỳ vọng: Với sự tham gia có trách nhiệm của các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, HTX, chuyên gia, Diễn đàn Kết nối sản nông sản 970 “Thúc đẩy số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm” sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản - thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi, nắm bắt các cơ hội và thách thức trong áp dụng truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các thị trường.

Từ đó, các cơ quan nhà nước có thể đưa ra các quy định, hướng dẫn và các giải pháp hỗ trợ cũng như các chế tài nhằm đảm bảo tính tuân thủ các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm phù hợp hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất được cập nhật các thông tin liên quan về các quy định, thể chế, chính sách hỗ trợ mới nhất về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số đóng gói trong lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản - thực phẩm...

Xem thêm
Bộ trưởng Lê Minh Hoan gửi Thư chúc mừng nhân Ngày Hợp tác xã Việt Nam

Ngày 10/4, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Hợp tác xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi thư chúc mừng tới hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thành viên hợp tác xã. Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư.

Chủ động vận hành cống âu thuyền vàm Bà Lịch để kiểm soát mặn

Cống âu thuyền vàm Bà Lịch do tỉnh Kiên Giang triển khai xây dựng đã cơ bản hoàn thành, hệ thống cửa van và âu thuyền sẵn sàng vận hành khi có yêu cầu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày Tết Hàn thực, bánh trôi, bánh chay cháy hàng

Mặc dù Tết Hàn thực năm nay không vào ngày nghỉ nhưng không khí mua sắm bánh trôi, bánh chay tại các cửa hàng và chợ dân sinh tại Hà Nội vẫn rất sôi động.