| Hotline: 0983.970.780

Điển hình Mậu Đức

Thứ Năm 11/12/2014 , 08:20 (GMT+7)

Mậu Đức là xã triển khai tốt nhất Quyết định 147 của Chính phủ “về chính sách phát triển rừng SX, giai đoạn 2007- 2015” tại huyện Con Cuông (Nghệ An).

Cho đến nay toàn xã đã có trên 1.500 ha rừng trồng theo Chương trình 147. Trong đó có gần 486 ha rừng trồng từ nguồn vốn Chương trình, người dân đã bỏ công sức, tiền bạc để trồng rừng thêm trên 1.000 ha.

Từng thiếu ăn 4 tháng/năm

Ông Ngân Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đức, nhớ lại: Trước năm 2006, trừ 717,2 ha diện tích rừng phòng hộ và rừng khoanh nuôi, bảo vệ do lâm trường quản lý, còn lại gần như đều bị thả nổi nên bà con trong xã vô tư chặt phá rừng làm rẫy và nuôi trâu bò thả rông.

Sống dựa vào rừng, lại không có ý thức chăm sóc, bảo vệ, mạnh ai nấy làm. Năm nay phá rừng, đốt rẫy chỗ này, năm sau lại phá rừng chỗ khác để làm tiếp... nên rừng ở đây phần lớn đã bị bà con “cạo trọc”. Nhìn lên những dãy núi nối tiếp nhau san sát chỉ thấy một màu xanh của cỏ tranh và cây bụi... Những loại cây không đem lại giá trị kinh tế gì cho địa phương.

Xã Mậu Đức có 1.295 hộ dân với 5.533 nhân khẩu. Toàn xã có trên 6.023 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 5.306 ha đất có rừng. Thu nhập chính của người dân đều dựa vào rừng. Thế nhưng tập quán ở địa phương là gặt lúa rẫy xong thì đất bỏ hoang từ năm này sang năm khác. Làm rẫy phụ thuộc vào nước trời, năng suất thấp nên đời sống người dân gặp vô vàn khó khăn. Hộ nào biết lo xa thì sau khi gặt xong tranh thủ thả hom sắn để phòng lúc đói kém...

Thế nên, 100% số hộ trong xã đều thiếu ăn tới 3-4 tháng/năm. Cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng, khiến trẻ em chỉ cần cố học cho hết bậc THCS là bỏ học đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập cho bản thân và gia đình.

Vào thời điểm trước năm 2006, thu nhập bình quân đầu người luôn “dẫm chân tại chỗ” ở mức 320.000 đồng/người/năm. Mãi cho đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người mới nhích lên 420.000 đồng/người/năm.

"Cán bộ xã chúng tôi ai cũng canh cánh một điều là không biết bao giờ người dân Mậu Đức mới có thể thoát khỏi đói nghèo", ông Dương bộc bạch.

Đổi thay không ngờ

Dẫn chúng tôi đi xem một số mô hình trồng rừng tại xã Mậu Đức, chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ lâm nghiệp xã khẳng định: Người dân Mậu Đức không ai ngờ được rằng chính nghề trồng rừng đã thực sự giúp họ vươn lên thoát nghèo.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên khi Ban quản lý Chương trình 147 về triển khai tập huấn, bà con đến dự rất đông đủ. Khi đã hiểu rõ lợi ích từ việc trồng rừng thì không ai bảo ai, mọi người đều tự giác tham gia. Họ bỏ công sức ra làm đường để tạo điều kiện cho dự án đưa cây giống, phân bón... về tận nơi được quy hoạch.

Cái may mắn nữa là khi triển khai Chương trình 147, trong khi phần lớn các xã trong huyện đang chần chừ thì dân Mậu Đức lại đăng ký và nhận hết. Dự án đầu tư đến đâu, bà con làm đến đó. Khi hết nguồn vốn thì họ tự bỏ công sức, tiền bạc lặn lội sang tận huyện Tân Kỳ mua cây giống về trồng. Đây là lý do giải thích vì sao có tới trên 70% số hộ dân Mậu Đức tham gia trồng rừng, hộ ít nhất cũng trồng được trên 1 ha, hộ nhiều nhất lên tới 7-8 ha...

Theo báo cáo tổng kết của Huyện ủy Con Cuông thì hiện tổng thu nhập từ rừng của xã Mậu Đức đã vượt con số 170 tỷ đồng. Hiện có 50% số hộ dân trong xã đã mua được máy cày, xe máy và các phương tiện nghe nhìn đắt tiền. Mậu Đức trở thành xã điểm trong việc thực hiện mô hình thu nhập cao từ rừng của toàn huyện Con Cuông.

Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông, nhận xét: “Khác với một số địa phương khác, người dân Mậu Đức trồng rừng dự án 147 là họ làm thật.

Dân tin những điều Đảng ủy và chính quyền nói. Có bao nhiêu vốn đầu tư đưa về bà con nhận hết. Trong số 8 xã do Cty chúng tôi quản lý thì Mậu Đức là đơn vị đầu tiên kéo nhau lên xin chúng tôi các chỉ tiêu về vốn và cây giống... mà các xã khác đã làm không hết.

Thời điểm đó, chính người dân xã Mậu Đức đã giúp Cty hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao. Cho đến năm 2014, xã Mậu Đức đã có 400 ha keo đã và đang kỳ thu hoạch với mức thu nhập bình quân 40 triệu đồng/ha. Bây giờ họ được hưởng thành quả từ Chương trình 147 là điều hiển nhiên”, ông Sơn nói.

Ông Ngân Văn Dương phấn khởi cho biết: Ba năm trở lại đây, nhờ thu nhập từ rừng mà các loại phí, quỹ thu rất dễ dàng. Khi địa phương thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, bà con đều tham gia rất tích cực và chủ động.

Chỉ tính trong hai năm 2013 và 2014, toàn xã đã đóng góp được 1.750 m3 cát sỏi; 100 m2 ván làm cốt pha, làm mới 1.912 m đường bê tông, hiến trên 5.000 m2 đất để làm đường và xây dựng các công trình phúc lợi và trên 2.050 ngày công. Bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi rất cơ bản.

Nhờ trồng rừng có hiệu quả nên tổng thu nhập bình quân đầu người tại xã Mậu Đức đã vượt lên 7.440.000 đồng/người/năm (tăng 18 lần so với năm 2010).

"Điều đáng mừng là đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, nhiều hộ làm được nhà để tách hộ cho con, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình như tivi, xe máy và có nguồn để đầu tư cho con em đi học. Bản thân người dân trong xã ly hương đi làm ăn xa cũng quay về làm ăn, sinh sống ổn định tại địa phương", ông Dương cho hay.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm