| Hotline: 0983.970.780

Diện tích trồng sen Đồng Tháp vượt 31% chỉ tiêu đến năm 2025

Thứ Bảy 13/07/2024 , 20:43 (GMT+7)

Tỉnh đang có 1.838ha sen, vượt 31% so với chỉ tiêu 1.400ha của năm 2025, thông tin được đại diện của Đồng Tháp đưa ra tại lễ hội sen Hà Nội.

Bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh cho sen. Ảnh: Kim Anh.

Bón phân hữu cơ và chế phẩm vi sinh cho sen. Ảnh: Kim Anh.

Chuyển từ ngành hàng tiềm năng thành chủ lực

Chỉ cách đây dăm bảy năm, diện tích trồng sen của tỉnh Đồng Tháp có lúc xuống chỉ còn vài trăm ha bởi các yếu tố như dịch bệnh, năng suất thấp và thị trường khó khăn. Để vực dậy cây sen, ngày 9/8/2022 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành quyết định số 888 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó sen đã được chuyển từ ngành hàng tiềm năng thành ngành hàng chủ lực với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”, “nâng cao các giá trị văn hóa, du lịch từ sen”.

Ông Trần Văn Nhãn - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiêp, Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi và Nước sạch Nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết, đề án tới nay đã thu được một số kết quả. Về phát triển vùng nguyên liệu, chuẩn hóa giống và quy trình kỹ thuật canh tác: Diện tích trồng sen toàn tỉnh đạt 1.838ha (vượt 31,3% so với chỉ tiêu đến năm 2025, 1.400ha) trong đó ngoài vùng truyền thống ở các huyện Tháp Mười, Cao Lãnh, Châu Thành, còn trồng mới tại các huyện Thanh Bình, Tân Hồng, Tam Nông với 52 chủng loại giống sen. Một số vùng đã sản xuất theo hướng an toàn và tuần hoàn, bước đầu áp dụng cơ giới hóa bằng máy tách vỏ sen, tim sen.

Về liên kết tiêu thụ, chế biến sản phẩm: Thành lập và ra mắt Hội ngành hàng Sen tỉnh Đồng Tháp với 125 hội viên, hoạt động khá sôi nổi. Tỉnh có 22 cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất đa dạng các sản phẩm từ các bộ phận của cây sen như lá sen (chiếm 27%), hạt sen (23%), hoa sen (22%), củ sen (9%), gương sen (9%), thân sen (7%) và ngó sen (3%). Có hơn 100 sản phẩm chế biến từ sen, trong đó, có 59 sản phẩm OCOP, gồm 30 sản phẩm OCOP 3 sao, 28 sản phẩm OCOP 4 sao và 1 sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Ngoài ra, còn các sản phẩm tiềm năng từ sen khác như: dùng trong tặng phẩm (tranh từ sen, xâu chuỗi hạt sen, sách từ sen); dùng trong mỹ phẩm (nước hoa sen, son sen,...); dùng trong gia dụng hàng ngày (xà bông sen, nhang sen, nón lá sen, giấy sen.); dùng trong may dệt may, thời trang (tơ sen, vải tơ sen, áo dài từ tơ sen, túi lá sen)...

Việc liên kết tiêu thụ giữa doanh nghiệp và nông dân bước đầu đã hình thành một số hợp đồng liên kết theo hướng bền vững từ việc phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp cùng nông dân xây dựng vùng nguyên liệu và tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm, tuy nhiên phạm vi quy mô liên kết còn hạn chế, 90% lượng sen còn được tiêu thụ qua kênh thương lái.

Về phát triển thương hiệu sen gắn với kinh tế du lịch bền vững: Công bố biểu tượng của tỉnh có theo hình tròn cách điệu hoa sen; xây dựng hình ảnh Đồng Tháp là “Quê Sen ”, “Thủ phủ Sen”...; xây dựng thương hiệu “Đất Sen Hồng” với biểu tượng vui “Bé Sen”, khẩu hiệu “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen ”; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Sen Tháp Mười”; Đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen...

Xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý “Đồng Tháp” cho sản phẩm sen; cấp giấy “Made in Dong Thap” cho các sản phẩm từ sen như: trà củ sen, sữa sen bột, trà lá sen... Xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới với 200 món ăn chế biến từ sen, xây dựng bản đồ sen và sách về sen.

Hình thành 10 điểm du lịch sen tổ chức các tour du lịch trải nghiệm: Dạo cung đường Sen, dệt khát vọng xanh; Trekking đi giữa Mùa Sen - Tràm Chim; Tour du lịch trải nghiệm sen... với các hoạt động như tham quan đồng sen; trải nghiệm hái sen, đánh bắt cá trên đồng sen; làm món ăn sen, tiệc buffet sen; làm nón lá sen, túi lá sen, ướp trà sen, kéo chỉ tơ sen...

Trồng sen ở Đồng Tháp. Ảnh: NNVN.

Trồng sen ở Đồng Tháp. Ảnh: NNVN.

Tầm nhìn về sen

Tuy nhiên, quá trình phát triển và xây dựng thương hiệu cho ngành hàng sen Đồng Tháp vẫn còn bộc lộ một số hạn chế:

Thứ nhất, bộ giống sen còn ít, chủ yếu là các giống bản địa, chủng loại còn đơn điệu, hoa cánh mỏng và không bền, thời gian thu hoạch ngắn, đã bị thoái hóa theo thời gian. Một số loại bệnh trên cây sen ở các vùng chuyên canh chưa có giải pháp khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến năng suất.

Thứ hai, việc ứng dụng cơ giới hóa cho ngành hàng còn rất hạn chế, phần lớn các công đoạn từ gieo trồng, thu hoạch đến sơ chế đều là thủ công nên tốn chi phí.

Thứ ba, mô hình sản xuất kết hợp với du lịch nông nghiệp tuy đã khai thác nhiều năm nhưng chưa được đầu tư, làm mới, kinh phí còn ít, chưa có nhiều giải pháp tiếp cận, khai thác tốt giá trị văn hóa, môi trường sinh thái từ sen để hấp dẫn khách; giải pháp truyền thông quảng bá của các chủ cơ sở còn đơn điệu.

Thứ tư, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, chưa tận dụng khai thác tối đa các phụ phẩm từ cây sen; các sản phẩm từ sen trên thị trường hiện nay giá trị gia tăng còn thấp, sức cạnh tranh chưa lớn.

Bởi thế, tại hội thảo trong khuôn khổ lễ hội sen Hà Nội, tỉnh Đồng Tháp đề xuất một số nhóm giải pháp cho việc phát triển sen ở địa phương mình nói riêng và toàn quốc nói chung gồm: Rà soát quy hoạch và phát triển vùng sản xuất sen tập trung, đủ điều kiện an toàn, quy mô lớn nhằm đáp ứng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, du lịch. Bảo tồn giống quy hoạch vùng trồng và phát triển các kỹ thuật cho việc trồng sen và khai thác các sản phẩm khác nhau (chuẩn hóa, đa dạng hóa giống sen đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu thụ như sen lấy củ, lấy thân, lấy lá, lấy gương). Tạo các sản phẩm thứ cấp từ cây sen để nâng giá trị hàng hóa của cây sen.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp kiểm tra sen. Ảnh: Kim Anh.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp kiểm tra sen. Ảnh: Kim Anh.

Tăng cường liên kết sản xuất kết hợp khai thác du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Kết hợp khai thác phát triển du lịch nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội; các đơn vị lữ hành du lịch cần hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình, người dân phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới gắn với sen sao cho phù hợp với mọi đối tượng khách trong nước và quốc tế. Cải tiến kỹ thuật sản xuất, gắn cơ sở chế biến với phát triển du lịch làng nghề; phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP gắn dịch vụ du lịch truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn; quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh, con người, sản phẩm nông nghiệp và kết nối du lịch miệt vườn, tạo thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Triển khai chương trình chỉ đạo điểm của Trung ương “Đề án mô hình điểm phát triển sản phẩm OCOP - sản phẩm từ sen trên địa bàn huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp”. Nâng cao năng lực cho các cơ sở du lịch, mở rộng điểm tham quan, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, tăng hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn. Định kỳ tổ chức lễ hội sen gắn với lịch sử địa phương.

Nghiên cứu để ban hành chính sách chuyển đổi từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen gắn với làm du lịch, hoặc xen canh lúa - sen theo từng khu vực để đảm bảo có nguồn nguyên liệu sen quanh năm và tạo thành các điểm tham quan, khu du lịch gắn với cảnh quan từ sen.

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

Thu lợi kép nhờ chăn nuôi gà an toàn sinh học

VĨNH PHÚC Phát triển chăn nuôi gà an toàn sinh học đang giúp người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc tiết kiệm được nhiều chi phí phòng trị bệnh, công lao động, gia tăng lợi nhuận…

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.