Để phòng chống dịch SXH, trước tiên cần phải tuyên truyền và thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Phun thuốc đại trà để diệt muỗi trưởng thành. |
Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại thành phố Đà Nẵng - địa phương đứng thứ 3 trong 11 tỉnh, thành miền Trung về số ca mắc SXH. Đến ngày 12/9, thành phố ghi nhận gần 4.257 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng gần 2.000 ca so với cùng kỳ năm 2018. Các quận ghi nhận số ca mắc cao hơn 500 ca là Thanh Khê, Hải Châu, Liên Chiểu, Sơn Trà.
Theo Bác sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng, nguyên nhân do bắt đầu vào mùa mưa, khí hậu ẩm tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh SXH sinh sôi và phát triển. Một số người dân chưa có sự hợp tác tốt với ngành Y tế trong việc phun hóa chất diệt bọ gậy.
Đà Nẵng đã xử lý triệt để 4.257 ca bệnh, 435 ổ bệnh SXH theo đúng quy trình; điều tra, phân tích, kịp thời ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại 222 khu vực có nguy cơ bùng phát SXH cao. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại 439 cơ sở giáo dục, bến xe trung tâm thành phố và một số chợ, khu vực công cộng… có nguy cơ bùng phát SXH cao.
UBND thành phố phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, lồng ghép với các phong trào “Ngày chủ nhật xanh – sạch – đẹp”; thành lập đội ngũ cộng tác viên dân số y tế với 1.809 người, trực tiếp đến nhà tuyên truyền các biện pháp chống bệnh SXH, kiểm tra và vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy.
Bộ trưởng Bộ Y tê cho rằng, ngành Y tế TP Đà Nẵng cần phải tuyên truyền cho người dân biết muốn không có SXH thì trước tiên phải diệt loăng quăng, bọ gậy. Các ngành chức năng của thành phố tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các kế hoạch xử lý ổ bệnh và phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao như trường học, bệnh viện, chợ….