Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Bình Định nhập viện điều trị tăng cao |
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc BV Đa khoa Bình Định, từ đầu năm đến nay, riêng BV này đã tiếp nhận điều trị hơn 2.500 trường hợp mắc SXH. Trong số này, có gần 700 trường hợp có dấu hiệu cảnh báo, 26 trường hợp sốc SXH nặng và 91 trường hợp SXH có sốc. “So với cùng kỳ, lượng bệnh nhân nhập viện điều trị do SXH tăng cao ở mức 777% số khám và 340% số điều trị. Bệnh diễn biến phức tạp, nhanh, nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng và có sốc”, bác sĩ Minh cho hay.
Địa phương bị dịch SXH “tấn công” dữ dội nhất là huyện Hoài Nhơn. 17/17 xã, thị trấn của huyện này đều có ca bệnh với 811 trường hợp, 47 ổ dịch, tăng gấp 5 lần ca bệnh và gấp 4 lần ổ dịch so với cùng kỳ năm trước.
Ngành chức năng kiểm tra, hướng dẫn người dân diệt bọ gậy. |
Nguyên nhân được cho là do trong thời gian vừa qua nhiều địa phương trên địa bàn Bình Định bị hạn hán hoành hành nên thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Do đó, người dân các địa phương ai nấy đều lo dự trữ nước sinh hoạt, nhưng lại không chú trọng xử lý ngăn ngừa phát sinh bọ gậy; trong khi những ổ bọ gậy là điểm phát sinh muỗi truyền bệnh SXH.
Trước thực trạng này, đoàn kiểm tra, giám sát SXH của Bộ Y tế đặc biệt lưu ý các bệnh viện ở Bình Định phải đảm bảo điều kiện máy móc, thiết bị cấp cứu và nhân lực điều trị bệnh. SXH có 3 phân cấp điều trị: SXH Dengue thông thường, SXH có dấu hiệu cảnh báo và SXH nặng. Đáng nói, SXH nặng chỉ chiếm 10%, còn lại là SXH ở mức độ cảnh báo, nếu các bệnh viện cơ sở đẩy hết lên tuyến trên dễ dẫn đến quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Dịch sốt xuất huyết Dengue bùng phát trên địa bàn Bình Định từ đầu năm 2019, dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp hơn khi bước vào mùa mưa.