Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các địa phương tăng cường phòng, chống dịch SXH, kiên quyết không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn đi kiểm tra loăng quăng trong chiến dịch phòng chống SXH. |
Đặc biệt, trước diễn biến dịch SXH có chiều hướng tăng, Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng chống SXH tại các tỉnh, TP trọng điểm. Theo đó, đoàn 1 kiểm tra tại Khánh Hòa Bình Thuận; đoàn 2 kiểm tra tại TP HCM, Đồng Tháp; đoàn 3 kiểm tra tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; đoàn 4 kiểm tra tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước; đoàn 5 kiểm tra tại Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam; đoàn 6 kiểm tra tại Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk; đoàn 7 kiểm tra tại Ninh Thuận, Phú Yên; đoàn 8 kiểm tra tại Đồng Nai, Tây Ninh.
Đoàn công tác của BCĐ Phòng chống dịch có trách nhiệm phối hợp cùng các địa phương triển khai kế hoạch hành động phòng chống SXH, dự phòng giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống SXH, thu dung điều trị, truyền thông chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP phối hợp cùng UBND tỉnh, TP tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn tỉnh để đáp ứng công tác phòng chống dịch. Từ nay đến hết năm 2019, tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt bọ gậy/lăng quăng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện.
Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình với khẩu hiệu “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”. Hướng dẫn người dân cách tự xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng, các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; Hỗ trợ cán bộ tuyến dưới trong công tác tập huấn, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Đảm bảo điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không đúng chỉ định nhằm hạn chế quá tải ở tuyến trên, hạn chế lây nhiễm chéo và tử vong.