Rầy nâu đang là một dịch hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa ở ĐBSCL. Rầy nâu đã thành dịch và gây ra các bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa đang rất khó kiểm soát. Các biện pháp như sử dụng giống kháng rầy, dùng hóa chất hay biện pháp canh tác... chưa thể phát huy tác dụng ngay và cũng khó có thể khống chế được dịch bệnh đang phát triển lan rộng.
Trong vài năm gần đây, bà con nông dân ở huyện Cờ Đỏ và quận ÔMôn (TP. Cần Thơ) đã dùng cá mè vinh như một tác nhân sinh học để diệt rầy, biện pháp này tỏ ra khá hiệu quả. Xin giới thiệu kinh nghiệm diệt rầy nâu của anh Nguyễn Văn Tám (H. Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ):
Khu ruộng của anh Tám có diện tích 2 ha, xung quanh anh lên bờ bao, mặt bờ luôn cao hơn đỉnh nước cao nhất hàng năm là 0,5 m. Mặt bờ ngang 1 m, chân bờ 2 m, mương rộng 2 m, sâu 1,5 m. Bờ bao giúp anh chủ động được thời gian xuống giống và điều khiển nước trong ruộng lúa. Mấy năm rồi anh đã nuôi cá mè Vinh để diệt rầy cho ruộng lúa và biện pháp này đã giúp anh không phải tốn tiền mua thuốc diệt rầy và lúa luôn được mùa.
Đặc biệt là vụ hè thu 2007, trong khi nhiều gia đình phải hủy lúa vì dịch vàng lùn thì ruộng lúa của anh vẫn đạt thắng lợi. Theo anh Tám thì sau khi xuống giống lúa 20 ngày là thả cá mè vinh với mật độ 3-4 con cá mè vinh/m2 ruộng lúa là hoàn toàn có thể khống chế được rầy nâu. Khi cá mè được nuôi trên ruộng lúa, con rầy vừa bay đến đậu trên mặt nước hoặc bám gần mặt nước là làm mồi cho cá ngay. Khi cho nước vào ruộng, cá sẽ lên ruộng và tìm mồi, cá mè vinh không chỉ ăn rầy nâu mà còn ăn cả bướm và các loài sâu khác. Cá mè Vinh lại có sức đề kháng cao, không bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc trị bệnh thông thường mà nông dân xịt lên lúa trong quá trình sinh trưởng của cây lúa.
Hiện nay giá cá mè Vinh cũng rẻ, chỉ khoảng 30.000-40.000 đồng/kg cá giống. Trong thời gian nuôi cần cho cá ăn bổ sung thêm thức ăn công nghệp hay thức ăn tự chế. Sau khi thu hoạch lúa anh tiến hành thu cá, vụ hè thu vừa rồi anh thu được gần một tấn cá, thu lãi từ cá hơn chục triệu đồng.
Thiết nghĩ đây là một mô hình khá đơn giản, rẻ tiền nhưng hiệu quả lại cao. Nếu có điều kiện thì các hộ nông dân trồng lúa nên áp dụng mô hình này, vừa đem lại hiệu quả kinh tế mà vừa làm giảm ô nhiễm môi trường.