Từ 2015 đến nay Bộ NN-PTNT và các tỉnh, thành đã trồng mới được 12.385ha rừng ngập mặn |
Theo báo cáo tiến độ thực hiện đề án "Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020" của Bộ NN-PTNT, việc bổ sung, huy động vốn các dự án ODA thuộc chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 hiện rất hạn chế nên mục tiêu trồng tiếp 43.275ha rừng ven biển đến 2020 khó khả thi.
Vì vậy, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép điều chỉnh giảm mục tiêu trồng rừng giai đoạn 2015 - 2020 của đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương theo kế hoạch trung hạn và các dự án đã được phê duyệt.
Qua đó, điều chỉnh giảm chỉ tiêu trồng rừng ven biển giai đoạn 2015 - 2020 từ 43.275ha xuống còn 25.085ha. Cụ thể, giai đoạn 2015 - 2017 đã trồng được 12.385ha, giai đoạn 2018 - 2020 tiếp tục trồng 12.700ha. Trong 12.700ha có 9.409ha (gồm 8.593ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 816ha rừng sản xuất) là trồng mới, 3.291ha trồng bổ sung, phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng.
Bộ NN-PTNT đề nghị các Bộ, ngành liên quan sớm phân bổ vốn đầu tư đầy đủ, kịp thời cho các dự án trồng rừng ven biển đã được duyệt thuộc Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 theo kế hoạch đầu tư công. Bên cạnh đó, tiếp tục huy động, kêu gọi vốn ODA, vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhằm tăng nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, sau ba năm thực hiện đề án, kinh nghiệm cho thấy, để việc trồng rừng ven biển đạt kết quả tốt, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong chỉ đạo triển khai kế hoạch và phân bổ vốn cần kịp thời và có sự thống nhất.
Sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố phải quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tốt nhất nên giao đầu mối quản lý dự án là Sở NN-PTNT.
Hơn nữa, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đất trồng rừng ven biển phải chặt chẽ, xử lý kiên quyết, kịp thời tình trạng xâm chiếm đất trái phép để trồng lại rừng. Việc lựa chọn nhà thầu từ thiết kế đến thi công phải đảm bảo chất lượng, có kinh nghiệm, đủ năng lực.
Đặc biệt, cần làm tốt công tác khảo sát, thiết kế, chuẩn bị hiện trường, đất trồng rừng, cây giống đủ số lượng, chất lượng cũng như xây dựng kế hoạch trồng rừng ven biển hàng năm ở địa phương sát với điều kiện thực tiễn, trên cơ sở cân đối nguồn lực các dự án đầu tư, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đúng thời vụ.