| Hotline: 0983.970.780

Điều ít biết về tác giả "Cùng nhau đi hồng binh"

Thứ Hai 15/03/2010 , 10:19 (GMT+7)

Chưa rõ chính xác thời gian ra đời tác phẩm, chỉ biết bài hát được lưu truyền gần 7 thập kỷ, nhưng ít ai để ý tới sự nghiệp của tác giả, bởi đây là bài hát duy nhất của Đinh Nhu để lại...

Người Việt Nam dù biết nhạc hay không, ít nhiều đều thuộc giai điệu của ca khúc "Cùng nhau đi hồng binh" của nhạc sĩ Đinh Nhu. Bởi ca khúc ngắn gọn, dễ hát, dễ thuộc, thường được các Đài Phát thanh và Truyền hình đưa lên sóng vào các dịp kỷ niệm. Bài hát còn được sử dụng làm tiến hành khúc trong các ngày lễ duyệt binh long trọng...

Lời bài hát thật giản dị: "Cùng nhau đi hồng binh, đồng tâm ta đều bước... Làm sao cho toàn thắng, ta mới sống yên vui... Nào anh em nghèo đâu, liều thân cho đời sống, mong thế giới đại đồng, tiến lên quân hồng". Với tính chất hùng tráng, khích lệ, đầy hào khí, bài hát có sức sống bởi tính phổ cập rộng rãi, giai điệu cuốn hút, đầy tính lãng mạn. Cấu trúc tác phẩm gọn, hàm súc, kiệm chất liệu, dễ đi vào công chúng.

Chưa rõ chính xác thời gian ra đời tác phẩm, chỉ biết bài hát được lưu truyền gần 7 thập kỷ, nhưng ít ai để ý tới sự nghiệp của tác giả, bởi đây là bài hát duy nhất của Đinh Nhu để lại. Bài hát được viết trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, nhằm vận động quần chúng làm cách mạng. Bài hát đã làm tròn sứ mệnh của một ca khúc cách mạng "sống mãi với thời gian", còn tác giả chỉ được nhắc tên, không nhiều người biết tới sự hy sinh anh dũng của tác giả cho sự nghiệp Giải phóng đất nước. Trên tấm bia tôn danh 9 liệt sĩ tù chính trị hi sinh khi phá Căng Nghĩa Lộ đều ghi thông tin ngắn gọn, trong đó có: "Liệt sĩ Đinh Nhu, 42 tuổi, dân tộc Kinh, quê quán Hải Phòng, hy sinh 17/3/1945". Ngoài ra, không có thông tin gì hơn.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long (ngoài) và nhà thơ Ngọc Bái trước mộ Đinh Nhu

Theo những bậc lão thành cách mạng kể lại, bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" được truyền tụng và lan nhanh ra cả nước, từ đồng bằng tới miền núi, từ xóm thợ công nhân tới khắp các làng quê, trong các lực lượng vũ trang tuyên truyền giải phóng và ngay cả các nhà tù của thực dân. Trong cách mạng Tháng 8 năm 1945, bài hát "Cùng nhau đi hồng binh" được vang lên như hồi kèn xung trận của đội quân cách mạng. Đồng thời với "Diệt phát xít" của Nguyễn Đình Thi, "Tiến quân ca" của Văn Cao, "Cùng nhau đi hồng binh" của Đinh Nhu, các ca khúc ấy được ví như những lời hiệu triệu toàn dân đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, giải phóng cho quê hương. Âm hưởng của các ca khúc cách mạng đã vang trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam ngay từ những ngày đầu và luôn vang dội trong tâm trí người dân khát khao giải phóng.

Đấy là những ngày sục sôi cách mạng. Đinh Nhu cùng với những người tù chính trị bị thực dân Pháp giam giữ nghiêm ngặt tại Căng Nghĩa Lộ. Với 3 bức hàng rào, ngăn cách bởi các khoảng trống được cắm chông và mắc dây thép gai "chim bay không lọt". Ở đây các tù nhân chính trị đã lập ra tờ báo "Đường Nghĩa" lưu truyền và bí mật chuyển ra ngoài nhà tù để vận động giác ngộ cho quần chúng tham gia cách mạng. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật lật đổ Pháp. Quân Pháp lâm vào tình thế nao núng, chạy qua Nghĩa Lộ lên Tú Lệ, tìm đường trốn sang Trung Quốc. Biết được tình thế khốn cùng của quân Pháp, chi bộ nhà tù đã chủ động gặp và bàn với tên Civet, đồn trưởng Nghĩa Lộ, thả tù chính trị cùng hợp tác chống Nhật, khi Nhật chưa kịp tới Nghĩa Lộ.

Nhưng tên đồn trưởng lừng chừng chờ thời, khiến chi bộ càng quyết tâm nổi dậy. Chi bộ tù chính trị chủ trương khởi nghĩa, ấn định thời gian, kế hoạch hành động, vượt tù ra ngoài lập căn cứ cách mạng. Phải đến khi tên Pelliere, Phó sứ Yên Bái, cùng tên đồn trưởng vào nhà giam phủ dụ. Các chiến sỹ cách mạng đã chuẩn bị sẵn biểu ngữ bằng chữ Pháp: "Hãy vũ trang cho chúng tôi chống phát xít Nhật. Thả ngay chúng tôi ra". Bọn Pháp từ phủ dụ chuyển sang doạ nạt, liền bị một số tù nhân chính trị không đợi tới ngày khởi sự dự định vào 18/3/1945, bất ngờ tấn công. Mọi người xông tới vật tên Phó sứ ra sân, dùng củi đánh trọng thương. Còn tên đồn trưởng chạy thoát, huy động lính phản công. Các chiến sĩ phá rào, chạy vào rừng. Có người bị bắn chết tại chỗ. Một số người bị bắt. Pháp đã đóng cọc trói các chiến sĩ cách mạng và xử bắn ngay sau đó một giờ. Xác 9 người đã bị vùi chung một hố cạnh nhà giam. Trong đó có nhạc sĩ Đinh Nhu. Đó là chiều ngày 17/3/1945.

Cuộc nổi dậy ấy đã có một số người chạy thoát khỏi Căng Nghĩa Lộ, đều trở thành nòng cốt lãnh đạo Tổng Khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 ở nhiều địa phương trên cả nước. Tiêu biểu là nhà sử học Trần Huy Liệu, nhà sử học Văn Tân (Trần Đức Sắc), tướng Vương Thừa Vũ, tướng Trần Quyết... đều trở thành những nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng. Trong hồi ký do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, nhà sử học Trần Huy Liệu đã viết: "Riêng anh Đinh Nhu, khi đã bị quân giặc bắn thủng mắt rồi vẫn còn luôn miệng chửi giặc Pháp. Chính cái chết can đảm của các anh đã gieo vào dân chúng Nghĩa Lộ một ấn tượng không bao giờ quên". Để tưởng nhớ sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ cách mạng tại Căng Nghĩa Lộ, trong đó có liệt sỹ Đinh Nhu, Đài tưởng niệm anh linh các liệt sỹ đã được dựng ngay trên phần xương cốt các anh nằm. Đó là một phần Di tích Lịch sử cách mạng Căng và Đồn Nghĩa Lộ đã được Nhà nước công nhận, được nhân dân thường xuyên chăm lo thăm viếng.

Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam do nhạc sĩ Trọng Bằng và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong nhiệm kỳ VI, tới làm việc tại Yên Bái, đã vào thị xã Nghĩa Lộ thắp hương tưởng niệm nhạc sĩ Đinh Nhu và các liệt sĩ đã hy sinh tại Căng Nghĩa Lộ. Tại nơi này nhạc sĩ Trọng Bằng xúc động nói: "Rất cảm ơn nhân dân Nghĩa Lộ đã chăm lo cho phần mộ của nhạc sĩ Đinh Nhu, để cả nước biết nơi đây đã yên nghỉ một nhạc sĩ cách mạng".

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.