| Hotline: 0983.970.780

Điều kiện nào để được rời khỏi khu cách ly tập trung?

Thứ Sáu 03/04/2020 , 22:29 (GMT+7)

Ngoài việc phải cách ly tập trung 14 ngày thì người được cách ly phải có 2 lần xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được ra khỏi khu cách ly tập trung.

Buổi cung cấp thông tin cho báo chí về

Buổi cung cấp thông tin cho báo chí về "Công tác cách ly y tế tập trung tại TP.HCM" ngày 3/4. Ảnh: T.H.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về "Công tác cách ly y tế tập trung tại TP.HCM" ngày 3/4, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, theo quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thời gian cách ly trong khu cách ly tập trung là 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Và Ban Chỉ đạo quốc gia cũng yêu cầu xét nghiệm 2 lần, lúc vào khu cách ly và lúc trước khi ra khỏi khu cách ly, để đảm bảo khi người cách ly trở lại cộng đồng, với gia đình mình thì họ đảm bảo sự an toàn, tức là nguy cơ họ mắc bệnh là gần như thấp nhất.

Theo BS Dũng, thực thế trong những ngày qua, có gần 2.000 trường hợp rời khỏi các khu cách ly tập trung thì xác định được hai trường hợp nhiễm Covid-19 ngay sau xét nghiệm lần 2 (tức là trước khi chuẩn bị rời khỏi khu cách ly tập trung – PV).

“Đây là hai trường hợp không có triệu chứng. Vì vậy, đòi hỏi điều kiện rất quan trọng là phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 thì mới được rời khỏi khu cách ly, cho dù đã cách ly đủ 14 ngày”, BS Dũng nhấn mạnh.

Đối với trường hợp xét nghiệm lần 2 dương tính này sẽ phải điều tra dịch tễ lại trong quá trình ở khu cách ly họ đã tiếp xúc với những ngay.

Giải thích thêm, BS Dũng cho biết, để hạn chế nguy cơ mầm bệnh có thể lây lan ra cộng đồng, bắt buộc phải có đầy đủ kết quả của tất cả những người sẽ rời khỏi khu cách ly trong cùng ngày.

Điều đó có nghĩa là dù có kết quả âm tính, bạn vẫn phải đợi kết quả xét nghiệm của tất cả những người sẽ ra khỏi khu cách ly cùng ngày với bạn.

“Về nguyên tắc ở trong phòng cách ly thì phòng nào ở phòng đó, không tiếp xúc với phòng khác và trong phòng cũng không được tiếp xúc với nhau.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không tuân thủ, cho nên chúng tôi buộc phải tuân thủ những nguyên tắc về chuyên môn để đảm bảo làm sao khi người cách ly trở về với gia đình và cộng đồng thực sự an toàn. Đồng thời tiếp tục phải tự cách ly tại nhà 14 ngày”, BS Dũng nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Ảnh: T.H.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC). Ảnh: T.H.

Cũng theo bác sĩ Trí Dũng, một số nơi vì lý do khác nhau, khi cho ra khỏi khu cách ly chưa được làm xét nghiệm lại lần 2.

Thì khi những trường hợp này từ khu cách ly tại các địa phương khác trở về TP.HCM mà chưa có xét nghiệm lần 2 thì TP.HCM sẽ tiếp tục tiếp cận để lấy mẫu xét nghiệm và thậm chí có thể đưa đi cách ly tập trung nếu cần thiết vì chưa đạt yêu cầu an toàn cho người dân TP.HCM.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, BS Dũng cho biết, hiện nay TP.HCM đang đẩy mạnh kế hoạch xét nghiệm để phục vụ cho công tác phòng chống dịch nói chung.

Trong đó có một số xét nghiệm cần ưu tiên, thứ nhất là những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và những trường hợp tiếp xúc gần với những ca nhiễm bệnh để xác định những yếu tố nguy cơ, nhằm bao vây khống chế, không để lây nhiễm trong cộng đồng.

Thứ hai là những trường hợp kết thúc đầu ra khỏi các khu cách ly để làm sao có kết quả nhanh nhất để người dân có thể về nhà của mình 1 cách nhanh nhất có thể. Thứ ba là, mẫu giám sát sàng lọc trong cộng đồng. Thứ tư, là các trường hợp khác”.

Hiện nay, Viện Pasteur TP.HCM sẽ hỗ trợ Thành phố xét nghiệm cho nhóm đối tượng (xét nghiệm lần 2 trước khi rời khỏi khu cách ly) từ 1.000-1.500 mẫu/ngày.

Ngoài ra, hiện nay TP đang chuẩn hóa các phòng xét nghiệm của các bệnh viện như BV Bệnh Nhiệt đới, BV Nhi đồng 1, BV Nhi đồng Thành phố, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM để có thể xét nghiệm khoảng 1.000-1.300 test/ngày và có thể tăng lên 5.000 test mỗi ngày vào trong 1 tuần nữa.

Ngoài ra, sắp tới TP.HCM sẽ có 100.000 test kháng thể nhanh từ Bộ Y tế và các nhà tài trợ để rà soát, đánh giá sự lây lan trong cộng đồng, nhất là khu vực có nguy cơ cao.

Giải thích về các loại test này, BS Dũng cho biết, mỗi loại test có giá trị khác nhau về chẩn đoán để đưa ra quyết định xử lý trong từng tình huống. Test kháng nguyên nhanh (kết quả sau 20 phút) lấy dịch tiết từ mũi, hầu họng để khẳng định virus đang tồn tại trong cơ thể, có thể là thời kỳ ủ bệnh hoặc sau khi có triệu chứng, đây là loại test có giá trị tương đương test đang thực hiện trong các Viện Pasteur và bệnh viện tại Việt Nam để xác định người nhiễm Covid-19.

Loại thứ 2 là test nhanh kháng thể qua việc lấy máu xét nghiệm để sàng lọc những người đã từng nhiễm virus hay chưa nhằm đánh giá sự lây lan, lây nhiễm trong cộng đồng. Test này không khẳng định người xét nghiệm dương tính có mang mầm virus trong người hay không mà cần phải xét nghiệm lại bằng test kháng nguyên.

Nói về ổ dịch Covid-19 tại quán bar Buddha, BS Dũng cho biết, mặc dù đến thời điểm này chưa xác định được nguồn lây (F0) nhưng việc tìm ra ca “chỉ điểm” đã giúp thành phố khoanh vùng và khống chế chuỗi lây nhiễm này. Xác định đây là ổ dịch lây truyền bệnh, Thành phố đã khoanh vùng, tiếp cận, lấy mẫu những người đã dự tiệc ngày 14/3 và những người đến quán từ ngày 13 – 17/3, chủ yếu là người nước ngoài.

“Không thể có được con số cụ thể bao nhiêu người đã đến quán bar Buddha đêm ngày 14/3, nhưng qua lời khai của chủ quán Bar cũng như những ca bệnh, chúng tôi xác định và lấy mẫu 255 trường hợp liên quan và phát hiện 11 trường hợp xác đinh nhiễm Covid-19 và hai trường hợp nghi ngờ cao. Cùng với đó là 5 trường hợp đã lây nhiễm do tiếp xúc gần với các ca mắc sau đó.

Theo đó, đã kiểm soát được ổ dịch này và không có sự lây lan trong cộng đồng đối với những trường hợp này”, ông Dũng nói.

BS Dũng cho biết, không phải dịch bệnh nào cũng tìm được nguồn lây (F0), giống như trường hợp của ổ dịch bar Buddha, nhưng quan trọng là đã tìm được ca chỉ điểm như trường hợp “bệnh nhân 91”, từ đó tìm được các chùm ca bệnh liên quan.

“Rất khó để xác định trong số các ca nhiễm này ca nào là F0. Hầu hết các ca mắc đều không có triệu chứng, thời gian ủ bệnh rất khác nhau nên không thể xác định ca nào nhiễm trước, ca nào nhiễm sau.

Cụ thể như ở quán bar Buddha, có ca sau 16 ngày tiếp xúc mới xét nghiệm dương tính dù trước đó 3 ngày xét nghiệm vẫn cho kết quả âm tính. Vấn đề ở đây không phải là tìm được F0 mà tìm được ca chỉ điểm để kiểm soát chùm lây nhiễm. Cho dù chưa định danh được F0 nhưng xác định được ca chỉ điểm rõ nhất, từ đó tìm ra được các ca sau để kiểm soát chặt”, BS Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Dũng, có một số trường hợp khai báo trễ, thậm chí cố tình không khai báo, để quá thời gian 14 ngày nhằm tránh bị cách ly nhưng Thành phố xác định đây là nhóm nguy cơ cao nên cho dù đã quá 14 ngày kể từ khi rời khỏi quán Bar Buddha, những người này vẫn phải bắt buộc đi cách ly tập trung 14 ngày kể từ ngày đưa vào khu cách ly.

Mặt khác, việc khai báo không trung thực, giấu diếm dù là người nước ngoài cũng sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

"Tâm trạng chung tất cả mọi người bị cách ly kiểm dịch trong các khu cách ly tập trung là mong muốn sớm kết thúc thời gian cách ly để trở về gia đình, gặp lại người thân của mình. Chúng tôi hiểu những điều người cách ly mong muốn. Nhưng hãy cùng vì nhau, vì sự an toàn không chỉ cho bản thân người cách ly mà còn là sự an toàn cho người thân trong gia đình và cả cộng đồng mình đang chung sống.

Để có được sự an toàn, ngoài việc người cách ly phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt trong thời gian cách ly, nhất là về mặt giao tiếp với người khác, thì phải có đủ ít nhất là 14 ngày cách ly, không có triệu chứng bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi rời khỏi khu cách ly", BS Nguyễn Trí Dũng bày tỏ.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm