| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy miền tây Bắc Trung bộ

Diệu kỳ Thái Thủy

Chủ Nhật 16/10/2022 , 08:29 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Từng là xã 'nghèo điển hình' ở miền tây Lệ Thủy (Quảng Bình) với hơn 50% hộ nghèo, cận nghèo, ngày nay, Thái Thủy đã 'lột xác' kỳ diệu nhờ những cánh rừng bạt ngàn…

Không cần sổ sách, ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) nói thuộc làu: “Ðến nay, toàn xã có gần 4.340ha rừng trồng. Trong đó, có gần 200ha rừng dự án, rừng thông nhựa có khoảng 650ha. Diện tích còn lại chủ yếu là keo do người dân địa phương bỏ vốn ra trồng. Hầu như toàn bộ diện tích đất trống đều được chính quyền địa phương giao cho người dân để trồng rừng”.

1 (1)

Những cánh rừng keo ở Thái Thủy sắp vào giai đoạn thu hoạch sẽ cho người dân tiền tỷ. Ảnh: N.H.

Xã của những tỷ phú rừng

Bài liên quan

Về thôn Minh Tiến, xã Thái Thủy, ai cũng biết anh Trần Văn Tý vì đã bỏ nghề lái xe đường dài làm ra tiền để về quê trồng rừng. Anh Tý bảo: “Có gì đâu, từ nhỏ tôi cũng thích trồng rừng lắm. Lớn lên lái xe đi dọc đất nước cũng vui chứ. Nhưng rồi, cái đam mê vẫn lớn nên tôi về quê gắn bó với rừng thôi”.

Chính thức từ năm 2007, anh Tý bỏ nghề lái xe đường dài về an cư ở quê nhà. Sáng tối anh vác rựa, xẻng đến vùng Khe Me, Khe Sắn cách nhà khá xa để phát cây dại, khai khẩn đất hoang trồng rừng. Được chút đất nào, đến mùa mưa anh lại cơm gói lên đào hố trồng cây. Hết năm này qua năm khác, những vùng đất hoang

Bài liên quan

hóa do cây dại rậm rạp nay đã thành vườn, thành rừng với những hàng cây nối dài vắt lên đồi.

“Khai khẩn mãi cũng chỉ được vài mẫu rừng. Nhưng là phấn khởi ban đầu. Để rồi sau đó, lấy rừng nuôi rừng, tôi dành dụm được và mua thêm những vùng đất khác. Dần dà, tôi đã có được trên 20ha rừng trồng”, anh Tỷ hồ hởi.

Ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết nhiều năm qua, địa phương luôn xác định trồng rừng là hướng đi quan trọng để nâng cao đời sống người dân. Hầu như toàn bộ diện tích đất trống đều được chính quyền địa phương giao cho người dân để trồng rừng. “Chúng tôi có 1.300 hộ dân thì có hơn 1.100 hộ gắn với rừng. Người ít thì 1 - 2ha, người nhiều có đến 90ha. Rừng trồng còn giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động ở địa phương…”, ông Văn nói thêm.

2 (1)

Kinh tế rừng trồng đã tạo nên bước đột phá kỳ diệu cho miền tây huyện Lệ Thủy. Ảnh: N.H.

Bài liên quan

Khi hơn 1.900ha đất trống đồi núi trọc ở Thái Thủy đã thành rừng, màu xanh đã phủ kín, người dân trong xã đi đến vùng miền núi Kim Thủy để khai hoang, hoặc thuê đất trồng rừng. Kiểu trồng này như lời bà con gọi là “xâm canh”. Cần mẫn thêm gần chục năm nữa, người dân Thái Thủy có thêm hơn 2.000ha rừng ở địa phương khác.

Nhiều hộ gia đình ban đầu chỉ có vài vạt rừng, sau ky cóp dành dụm được đồng nào cũng đổ hết vào mở rộng diện tích rừng nên đến nay trong tay đã có khối tài sản hàng chục tỷ đồng, mỗi năm tiền thu về ngót tỷ bạc. Hiện, toàn xã Thái Thủy có 15 hộ dân có diện tích rừng trên 50ha trở lên. Trong đó gia đình ông Trần Văn Thuận (thôn Minh Tiến) đứng đầu với 90ha rừng, mỗi năm đều đặn thu về hàng tỷ đồng.

Phát triển kinh tế từ trồng rừng cũng là hướng đi được ông Lê Văn Tý (ở thôn Việt Xô) lựa chọn từ nhiều năm nay. Ban đầu, gia đình ông chỉ trồng rừng kinh tế theo kiểu truyền thống, nghĩa là trồng rừng được khoảng 4 - 5 năm là thu hoạch. Bắt đầu từ năm 2015, ông Tý đã chuyển sang trồng rừng gỗ lớn để nâng cao thu nhập hơn nữa.

3 (2)

Người dân xã Thái Thủy đang hướng đến rừng gỗ lớn để tăng cao thu nhập. Ảnh: T.H.

“Mỗi ha rừng trồng theo kiểu truyền thống chỉ thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm. Nhưng trồng rừng gỗ lớn cho thu nhập gấp gần 3 lần. Gia đình tôi đến nay đã chuyển được gần 12/15ha sang rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây tràm hoa vàng”, ông Tý nói.

Có thể nói, Thái Thủy là một trong những địa phương của huyện Lệ Thủy đi đầu trong việc phát triển kinh tế rừng trồng. Chính nhờ đi sớm nên người dân có kinh nghiệm và tích lũy được vốn để phát triển rừng gỗ lớn, tăng thu nhập.

Muốn giàu thêm thì trồng rừng gỗ lớn

Theo tính toán của người dân Thái Thủy, nếu trồng keo theo kỳ 4 - 5 năm thu hoạch, mỗi ha keo tràm trừ chi phí, thu lãi chỉ được khoảng 50 triệu đồng/chu kỳ. Anh Lê Văn Tý bảo: “Như vậy, tính bình quân mỗi năm trồng keo chỉ thu được 10 triệu đồng/ha. Nhà tôi có diện tích rừng lớn, lên tới 20ha nên mỗi năm bỏ két cũng ngót nghét 200 triệu đồng, nhưng các hộ có diện tích rừng ít thì trồng rừng gỗ nhỏ thu nhập không cao”.

4 (2)

Những ngôi nhà cao tầng mới làm cạnh những cánh rừng xanh tốt. Ảnh: T.H.

Vì vậy những năm qua, thay vì "ăn xổi" thu rừng non, anh Tý đã chuyển sang rừng gỗ lớn, thu nhập tăng thêm rất nhiều. Hiện anh Tý có 12ha rừng gỗ lớn, chủ yếu là cây tràm hoa vàng. Anh hồ hởi cho hay: “Nếu thuận lợi, vài năm nữa cho thu hoạch, 12ha rừng gỗ lớn của tôi sẽ cầm chắc có thu nhập ít nhất 2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn tạo việc làm có thu nhập cao cho nhiều lao động ở địa phương”.

Từ một xã vùng núi "nghèo điển hình" ở miền tây huyện Lệ Thủy với đất đai đất núi "chó ăn đá, gà ăn sỏi", nhờ phát triển kinh tế rừng nên Thái Thủy đã thay da đổi thịt kỳ diệu. Trước đây, làng xóm đi đâu cũng gặp thiếu đói. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cách đây chừng mười năm còn chiếm đến 50% tổng số hộ. Những gia đình có khá hơn thì chủ yếu vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn mới ở Thái Thủy đã bừng sáng và đã đạt chuẩn vào cuối năm 2021 vừa qua.

Theo ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã, chỉ tính riêng thu nhập từ rừng đã cho người dân ở đây mỗi năm trên 40 tỷ đồng. “Đó là chưa kể đến thu nhập do lao động ở các khâu dịch vụ chăm sóc, khai thác, vận chuyển, làm đất… cho người dân cũng có thu nhập cao và việc làm quanh năm. Kinh tế rừng trồng tạo nên điều kỳ diệu về phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Đến nay, Thái Thủy chỉ còn khoảng 5% hộ nghèo theo chuẩn mới”, ông Văn nói.

Cả xã Thái Thủy có 5 thôn, trong đó 2 thôn Nam Thái, Minh Tiến được xếp vào phát triển mạnh về kinh tế rừng. Trung bình mỗi thôn có khoảng 1.000ha rừng. Ông Tô Ngọc Chung, Trưởng thôn Nam Thái bộc bạch: “Bây giờ, nhiều gia đình đã có nhà tầng, xe hơi và những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Nhiều người cũng chung suy nghĩ là nếu không có rừng thì nông thôn chúng tôi không có được như hôm nay".

5 (1)

Phát triển rừng đã làm thay đổi diện mạo xã Thái Thủy. Ảnh: T.H.

Mặc dù vậy, chặng đường phía trước của Thái Thủy cũng còn nhiều điều trăn trở. Theo ông Phạm Văn Tư, Bí thư Đảng ủy xã, do đi lên từ điều kiện kinh tế khó khăn nên bà con vẫn còn nặng về kiểu trồng rừng theo kiểu “ăn xổi”, cứ 4 - 5 năm là khai thác vì sợ thiên tai.

“Trong khi đó, chu kỳ trồng rừng gỗ lớn kéo dài trên 10 năm mới có được thu nhập cao gấp nhiều lần. Vì vậy, chúng tôi tập trung tuyên truyền, vận động người dân có điều kiện nên chuyển dần diện tích sang rừng gỗ lớn. Quá trình chuyển đổi rừng trồng gỗ lớn sẽ được thực hiện dần dần qua hàng năm. Đến nay, Thái Thủy mới trong giai đoạn đầu và đã có được khoảng 35ha rừng gỗ lớn”, ông Tư cho biết.

Để định hướng phát triển kinh tế rừng làm đòn bẩy chủ lực của địa phương, cấp ủy, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất, giống đến thu hoạch. Người dân cũng đã được tập huấn, trang bị kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng.

Mới đây, xã Thái Thủy đã làm việc với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt để vận động người dân trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng rừng. “Dù ban đầu còn những bỡ ngỡ, do dự về việc tham gia FSC của người dân, nhưng chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan tuyên truyền cho bà con hiểu và thực hiện. Bởi đây là cơ hội để gỗ rừng trồng miền tây Lệ Thủy có cơ hội bán cho các nước và mang về lợi nhuận cao hơn cho người trồng rừng”, ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.