| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy miền tây Bắc Trung bộ

Vùng Cùa: Từ bụi đỏ hoang vu và thênh thang hoa nở

Thứ Sáu 14/10/2022 , 18:09 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Một cô giáo, sau 14 năm công tác vùng Cùa tâm sự: 'Lúc mới lên đến đây là muốn về ngay. Nhưng nay yêu Cùa, yêu đến độ không muốn rời xa'.

Nàng công chúa ngủ trong rừng…

Vùng Cùa gồm 2 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và một phần xã Cam Thành thuộc huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Dù chỉ cách trung tâm huyện Cam Lộ chừng 10 - 12km nhưng khoảng 10 năm trước, đây còn là một vùng đất hoang sơ, mật độ dân cư thưa thớt, đời sống người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cây trồng chủ lực là cao su, hồ tiêu, rau màu và rừng trồng.

Empty

Tiềm năng, lợi thế về cây công nghiệp như hồ tiêu, cao su, chè đã đã trở thành thương hiệu có tiếng của vùng Cùa ngày nay. Ảnh: Võ Dũng.

Bài liên quan

Vùng đất đỏ bazan này, dù tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn nhưng đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Lúc ấy, để vào các xã vùng Cùa, từ trung tâm huyện Cam Lộ phải mất khoảng 1 giờ đi xe máy qua những con đường uốn lượn, cheo leo. Có người, đi đến giữa quãng đường, dừng lại mới giật mình bởi không biết bằng cách nào để vượt qua được một nửa hành trình đầy vất vả. Vùng Cùa lúc bấy giờ như một thế giới biệt lập hoàn toàn với bên ngoài.

“Theo đường chim bay, từ trung tâm huyện Cam Lộ vào đến Cùa không quá xa nhưng con đường vào Cùa đã khiến vùng đất này giống như một thế giới hoàn toàn biệt lập. Giao thông đi lại khó khăn đã trở thành một trở ngại cho phát triển kinh tế. Vận chuyển nông sản khó khăn, các sản vật ở vùng đất này như gà Cùa, tiêu Cùa, chè Cùa gần như chỉ làm ra để dùng dù nức tiếng gần xa”, ông Lê Song Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa kể.

Chính vì cuộc sống khó khăn, những căn nhà ẩm thấp nấp mình sau những hàng chè cổ thụ, vừa dùng để uống cũng vừa dùng để làm tường rào, ngăn trâu bò vào các vườn cây phá hại. Những hàng chè, vườn chè cổ thụ ở đây đường kính lên đến 20 - 30cm và cao gần bằng một ngôi nhà 2 tầng.

Ông Trần Xuân Thành, thôn Thượng Nghĩa, xã Cam Nghĩa nhớ lại những ngày kham khổ: “Nhà tôi trước đây có vườn hồ tiêu, cao su, rừng trồng và ruộng nước... Từng ấy, tưởng có thể làm giàu nhưng thực chất chỉ đủ ăn ngày 3 bữa. Nắm trong tay đất đại bạt ngàn, màu mỡ, nhưng chỉ 10 năm trước, người dân ở đây vẫn sử dụng những giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng thấp nên hiệu quả kinh tế thấp lắm”.

Ông Lê Song Hào là người con của quê hương Cam Nghĩa. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, ông chẳng lạ gì cái cảnh kham khổ đã qua. Lớn lên, đi học rồi về làm Phó Chủ tịch xã, ông cũng không ngờ, quê hương mình lại có ngày đổi thay như hôm nay

Empty

Vùng đất này từng là nơi vị vua trẻ yêu nước Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương. Ảnh: Võ Dũng.

“Là xã có diện tích rộng nhất nhì huyện Cam Lộ nhưng năm 2010, toàn xã mới có 5 nghìn dân, gần 20% hộ nghèo, chỉ đạt dưới 10 tiêu chí NTM. Hạ tầng giao thông gần như là đường đất. Mà đất đỏ bazan, nắng thì bụi tung mù trời, mưa xuống là kéo nguyên cả đất đỏ vào tận nhà. Nhưng nay thì đã khác…”, mắt ông Hào hướng về những vườn tiêu hữu cơ, những rừng cao su bạt ngàn bên cạnh những vườn cây dược liệu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vùng đất gắn với nhiều cột mốc lịch sử dân tộc

Năm 1885, tại vùng Cùa, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương hiệu triệu văn thân, sĩ phu yêu nước đánh đuổi giặc Pháp. Sau năm 1945, vùng Cùa là chiến khu cách mạng của huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị. Đế quốc Mỹ từng xây dựng nơi đây thành khu tập trung, dồn dân lập ấp chiến lược, kìm kẹp, cai quản. Với tinh thần cách mạng kiên cường, nhân dân vùng Cùa đã nổi dậy tổ chức đồng khởi Cùa tháng 7/1964, mở ra vùng giải phóng thuận lợi làm bàn đạp để các lực lượng của ta tiếp tục tiến công giải phóng huyện Cam Lộ và tỉnh Quảng Trị năm 1972, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Trở mình thức giấc...

Con đường nhựa rộng thênh thang nối từ trung tâm huyện Cam Lộ đến vùng Cùa đã biến nơi đây thành vùng đất đáng sống. Với khí hậu mát mẻ, xung quanh được bao bọc bởi những vườn hồ tiêu, cây ăn quả, Cùa có sức cuốn hút với bất kỳ ai đến với vùng đất này. Các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, gần như 100% tuyến đường đã được nhựa hóa, bê tông hóa, hai bên trồng hoa cây cảnh, ban đêm điện đường chiếu sáng trưng.

Empty

Những con người trẻ với tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm đã giúp vùng Cùa thay da đổi thịt. Ảnh: Võ Dũng.

Chính vì lẽ đó, các xã vùng Cùa lại ngày càng có nhiều gia đình tìm đến sinh cơ, lập nghiệp. Năm 2020, huyện Cam Lộ về đích NTM và trước đó, các xã vùng Cùa cũng trở thành những xã NTM đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị.

Trong phát triển kinh tế, vùng Cùa đã xuất hiện những ông chủ trẻ, táo bạo trong suy nghĩ và cách làm. Chính điều này đã tạo ra sức bật cho kinh tế cũng như sự phát triển mọi mặt. Anh Nguyễn Văn Chương tại thôn Mai Lộc, xã Cam Chính là một người như thế.

Nhận thấy địa phương có diện tích đất đỏ bazan trù phú, vợ chồng Chương thuê đất trồng cỏ voi để nuôi dê thương phẩm. Năm 2021, Chương thành lập tổ hợp tác gồm 30 hộ. Khi dê thương phẩm đạt trọng lượng xuất chuồng, những hộ dân này sẽ bán cho Chương. Vừa làm dịch vụ, vừa nuôi khoảng 1 nghìn con dê/năm đã giúp Chương có lợi nhuận từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Nhờ thu nhập ổn định, dù mới 26 tuổi và xuất thân trong một gia đình nghèo ở vùng đất khó nhưng vợ chồng Chương đã mua được ô tô xịn và sắp tới sẽ mở rộng trang trại nuôi dê nhốt.

“Khoảng 5 - 7 năm lại đây, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình làm kinh tế giỏi. Vùng đất này vốn dĩ rất trù phú nhưng chỉ thực sự có được sức bật khi hội tụ đủ các yếu tố về hạ tầng giao thông và quan trọng nhất vẫn là tư duy phát triển kinh tế của người dân đã thay đổi”, Chương chia sẻ.

Empty

Anh Nguyễn Văn Chương, một nông dân trẻ trong ngôi nhà khang trang và chiếc xe ô tô mới mua. Ảnh: Võ Dũng.

Xã Cam Chính, một xã thuộc vùng Cùa, ngoài các cây trồng truyền thống như hồ tiêu, cao su, địa phương này hiện đã trồng được gần 20ha cây dược liệu các loại. Kinh tế phát triển, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 1,23%. Địa phương này cũng đang trên đường xây dựng NTM nâng cao.

Ông Lê Song Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa một lần nữa khẳng định, hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp đã tạo ra bước ngoặt trong phát triển kinh tế của vùng đất này. Từ rất lâu đời, nghề trồng và chế biến cây dược liệu ở đây đã hình thành nhưng chủ yếu nhỏ lẻ.

Các hộ dân chủ yếu trồng, chế biến để sử dụng, bán cho người dân trong tỉnh, trong huyện. Nhưng chỉ khoảng 5 - 6 năm nay, cây dược liệu và ngành nghề chế biến cây dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực. Nhiều đơn vị đã đến vùng đất này xây dựng nhà máy, đồng hành cùng nông dân trồng và chế biến cây dược liệu.

“Nhận thấy đây là vùng đất có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành nghề cây dược liệu, nhiều doanh nghiệp đã về đầu tư. Địa phương cũng đã có chủ trương phát triển cây dược liệu để phát triển kinh tế. Có hạ tầng đồng bộ, người dân chăm chỉ, kiên trì, sáng tạo nên cây dược liệu đang mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân”, ông Hào chia sẻ.

Empty

Ngày nay, vùng Cùa đã trở thành miền quê rất đáng sống. Ảnh: Võ Dũng.

Theo UBND xã Cam Nghĩa, toàn xã hiện có gần 100ha cây dược liệu các loại như chè vằng, an xoa, cà gai leo... Việc trồng và chế biến cây dược liệu đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Hiệu quả từ cây dược liệu cao gấp 10 - 20 lần so với trồng màu trước đây. Vì vậy, một số diện tích trồng rau màu và các cây trồng hiệu quả thấp đã được người dân chuyển sang trồng cây dược liệu.

Dựa vào lợi thế để phát triển kinh tế, Cam Nghĩa đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Nếu năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã trên 20% thì nay chỉ còn 2,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/người/năm. Cùng với Cam Chính, Cam Nghĩa cũng đang trên đường xây dựng xã NTM nâng cao; nhiều thôn đã được công nhận thông NTM kiểu mẫu.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Bình luận mới nhất