Lao đao vì mía lại nhớ đến luồng
“Mỗi bụi luồng hơn một con trâu
Cây chăm chút một lần trồng ta chém mãi
Trâu nhiều tuổi kéo run, cày mỏi
Luồng nhiều năm càng bậm càng cao...".
Đó là câu ca ví von vui vẻ nhưng cũng là lời khẳng định của nhiều thế hệ người dân miền núi Thanh Hóa về vai trò quan trọng, khó có thể thay thế của cây luồng đối với đời sống người dân nơi đây.
Rong ruổi bằng xe máy dọc Quốc lộ 16, 15, 217 qua địa bàn các huyện Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, vùng đất được mệnh danh là “vua luồng” xứ Thanh, dọc hai bên đường là những rừng luồng xanh ngắt, kéo dài tít tắp đang hồi sinh. Xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau đưa luồng về xuôi. Tiếng máy xẻ, máy cắt của những xưởng sơ chế, chế biến luồng vang vọng khắp các triền đồi.
Theo chân ông Nguyễn Văn Lương, thôn Điền Thoái, xã Điền Trung (Bá Thước) vào rừng luồng xem người dân chăm sóc, khai thác mới thấy hết sự vững chãi của những “ống thép xanh” đang đua nhau phóng ngọn chiếm lấy khoảng không, nhưng cũng không kém phần mềm mại, dẻo dai khi sẵn sàng đu mình theo những cơn gió.
Trong ký ức của mình, ông Lương nhớ như in ngày mà gia đình ông cùng những người dân xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) di cư lên Bá Thước xây dựng kinh tế mới,
giữa mênh mông núi rừng, cây có giá trị, không có giá trị đều có cả, nhưng để gần gũi, thân thuộc với những “gà mờ” trên vùng đất mới thì chỉ có cây luồng.
Lúc đấy chẳng ai biết luồng có từ khi nào, chỉ biết nó có nhiều tác dụng, làm kèo cột dựng nhà, hàng rào, củi nấu, làm thúng, mủng, dần, sàng... phục vụ đời sống. Không những vậy, thời điểm đó lúa, gạo ít, chỉ có cao lương, kê, lạc, vừng, ngô, sắn... nên đủ ăn là hạnh phúc. Thời điểm giáp hạt, nhiều gia đình thiếu ăn là chuyện thường.
Cây luồng như một vị cứu tinh đúng nghĩa, dễ trồng, không tốn công chăm sóc, trồng một lần, thu nhiều năm. Gia đình nào có luồng, chỉ cần một con dao rựa thật sắc, lên đồi chặt luồng đem bán là có tiền mua gạo, sắm sửa vật dụng cho gia đình. Người dân bảo “cứ có luồng là có cơm ăn”.
Những cây luồng to tròn được người dân dùng xe lốp, xe kéo đưa ra tập kết ở bến Bôi, kết bè cùng nứa, gỗ nối đuôi nhau theo dòng sông Mã xuôi về Thành phố Thanh Hóa hay các huyện Hoằng Hóa, Hà Trung, thậm chí ra tới biển để đưa đi Hải Phòng, Quảng Ninh...
Sau này, khi có chính sách công hữu luồng, các HTX, đội sản xuất luồng hình thành, rừng luồng được khai thác, bảo vệ và phát triển theo kế hoạch thống nhất. Từ chỗ chạy ăn từng bữa, người dân bắt đầu khá lên nhờ cây luồng.
Khi cơ chế quản lý thay đổi, rừng luồng được bán lại cho người dân tự quản lý, cộng với việc nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ tre, luồng ngày càng tăng, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, vậy là luồng bị khai thác quá mức, không chọn lọc, khai thác không đi đôi với tái sinh.
Không những vậy, khi Nhà máy đường Lam Sơn (sau này là Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn) được thành lập tại huyện Thọ Xuân, người dân trong vùng bắt đầu chuyển đổi nhiều diện tích trồng luồng sang trồng mía, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy với thu nhập cao. Theo tính toán, trong vòng 1 năm, 1ha luồng cho thu nhập 12 - 13 triệu đồng, nhưng nếu phá đi trồng mía thì 2 sào đã cho thu nhập 15 triệu đồng, như vậy 1ha mía cho thu nhập cao gấp cả chục lần trồng luồng.
Thế rồi từ những diện tích ban đầu, cây mía lan dần tới các huyện xung quanh, trong đó có Bá Thước. Người dân đua nhau phá luồng để lấy đất trồng mía, có người còn nói vui là “vua luồng” giờ chuyển thành “vua mía” vì đâu đâu cũng thấy mía. Nhưng rồi, như một quy luật tất yếu, do trồng tràn lan nên lượng cung dư thừa, đất dần bạc màu, cây mía nhỏ lại, chữ đường thấp, giá bán cũng cũng vì thế “lao dốc” không phanh.
Ông Lương trầm ngâm, trong ánh mắt ánh lên sự tiếc nuối về một thời “hoàng kim” của cây luồng. Nhấp chén trà đặc, ông kể, khi cây mía không thể giúp mình thoát nghèo, thậm chí có gia đình còn lao đao vì mía thì người dân lại nhớ đến luồng. Những gia đình giữ được luồng vẫn duy trì được nguồn thu nhập, vẫn “sống khỏe” giữa nhiều khó khăn bủa vây. Thế rồi không ai bảo ai, đều tự giác quay lại khôi phục, chăm bẵm, bảo vệ luồng như người thân trong gia đình.
Xanh lại những rừng luồng
Bây giờ rừng luồng đã xanh, tốt, mở rộng trở lại, liệu lịch sử có lặp lại, cây luồng sẽ lại đứng trước nguy cơ bị xóa sổ không? Người miền núi ở Bá Thước trả lời chắc nịch: Luồng sẽ không bao giờ mất, không có luồng người dân miền núi khó có thể “đứng vững”. Luồng hiện tại cho thu nhập chưa cao, nhưng có tính bền vững, ổn định. Tính về kinh tế, một hộ làm nông nghiệp mà trong vòng 1 năm, ngoài các nguồn thu từ các loại cây, con, chỉ cần bỏ chút ít công sức là có thêm thu nhập cả chục triệu đồng từ luồng thì không có gì bằng.
Luồng trồng 1 lần sau đó thu nhiều năm, chỉ khi cây xuất hiện bệnh khuy, sọc tím thì mới phải chặt bỏ, thay thế cây mới. Việc trồng mới bây giờ cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều vì trồng bằng cây, sử dụng máy móc đào hố, chuyển cây, chứ không giâm giống bằng lóng như trước nên luồng sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Gia đình nào khéo chăm thì rừng luồng có thể trồng xen keo, lát, xoan..., không trồng xen thì thuận lợi phát triển chăn nuôi gà, trâu, bò vì rộng rãi, thoáng mát.
Bên cạnh đó, đường bộ giờ trải nhựa, bê tông vào tới tận rừng trồng. Việc thu hoạch, vận chuyển luồng rất thuận lợi, nhanh chóng, giá bán cao. Bây giờ có thêm nhà máy chế biến đóng trên địa bàn nữa thì tuyệt vời, những cây cong, xấu đều có thể tiêu thụ, thu nhập lại tăng lên. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có doanh nghiệp đồng hành, dẫn dắt nông dân sản xuất thì rừng luồng sẽ phát triển bền vững.
Bản Tân Sơn, xã Phú Xuân là một trong những bản đặc biệt khó khăn của huyện Quan Hóa. Trưởng bản Phạm Bá Khâm chia sẻ, cả bản có 147 hộ đều là người dân tộc Thái, đất canh tác lúa ít, người dân chỉ trồng ngô, sắn. Chỉ mỗi việc làm thế nào để no cái bụng đã thấy khó khăn chứ chẳng ai dám nghĩ đến thoát nghèo, đến mua sắm thiết bị, dựng nhà...
Ấy vậy mà, cây luồng xuất hiện đã đưa người dân bản bước sang một cánh cửa mới. Đất rừng màu mỡ nên luồng lớn nhanh, thiếu ăn là vác dao vào rừng chọn cây luồng to đẹp, chặt bán lấy tiền đong gạo. Cứ thế, người dân trong bản cùng với cây luồng dìu dắt nhau đi qua cơn bĩ cực.
"Bây giờ vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không ai còn bị đói. Thu nhập bình quân đầu người của bản là 28 triệu đồng/người/năm thì luồng chiếm tới 10 triệu đồng. Chính vì vậy, chúng tôi gọi luồng là cây xóa đói, cây giảm nghèo nên bảo nhau giữ gìn, bảo vệ, chăm sóc để khai thác bền vững", ông Khâm nói.
Liên kết sản xuất, thu hút đầu tư doanh nghiệp
Năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung của tỉnh thời kỳ 2011 - 2020 với mục tiêu phát triển các vùng thâm canh luồng tập trung, chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển vùng trồng luồng mới, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, đảm bảo nguồn cung cho các cơ sở, nhà máy chế biến sản phẩm từ luồng trong và ngoài tỉnh; tiến tới hình thành các cụm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp chế biến các sản phẩm từ luồng...
Bên cạnh đó, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp... cũng tham gia đồng hành cùng người dân miền núi xứ Thanh xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ luồng bền vững.
Tìm về bản Sại, xã Phú Lệ (huyện Quan Sơn), tận mắt chứng kiến hoạt động hiệu quả của tổ nhóm sản xuất và chế biến luồng được thành lập thông qua Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu/tre tại Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (Viện khoa học Lâm nghiệp) phối hợp với Liên minh châu Âu và một số đối tác như Oxfam, VCCI... thực hiện mới thấy được hết những thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng thế mạnh từ cây luồng của người dân nơi đây.
Dẫn tôi đi xem xưởng sơ chế tre, luồng của tổ sản xuất, chị Lương Thị Nguyệt, tổ trưởng vui mừng khoe về những đổi thay của dân bản: Người dân đã biết sản xuất luồng theo phương pháp mới, bón phân, khai thác chọn lọc, khai thác đến đâu trồng mới đến đó... Nhóm sản xuất và chế biến luồng giúp tiêu thụ nguyên liệu cho bà con trong bản nói riêng và cho toàn vùng nói chung với giá cao hơn khoảng 30% so với việc bán cho thương lái. Để ổn định đầu ra, tổ sản xuất đã liên kết với Công ty Cổ phần BWG Mai Châu tiêu thụ luồng. Nhờ đó, người dân an tâm sản xuất...