| Hotline: 0983.970.780

Thức dậy miền tây Bắc Trung bộ

'Vàng ròng' dưới đại ngàn Trường Sơn

Thứ Sáu 14/10/2022 , 07:34 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Dưới tán rừng đại ngàn Trường Sơn rất phong phú sản phẩm lâm sản phụ, cây dược liệu quý. Đồng bào nơi đây đang được hỗ trợ để khai thác bền vững tiềm năng này.

Bảo tồn, gây dựng mô hình vườn rừng

Sau gần 10 năm tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý bảo vệ và hưởng lợi, đã cho thấy hiệu quả của chủ trương này. Ngoài nâng cao nhận thức và hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng, một số cộng đồng nhóm hộ đã biết làm giàu từ rừng và nâng cao thu nhập bằng các mô hình phát triển sinh kế dưới tán rừng tự nhiên.

307384695_5628606947195402_1287982977

Dưới những cánh rừng Trường Sơn, nhiều mô hình sinh kế đã góp phần giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế. Ảnh: Công Điền.

Cộng đồng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông là điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng gắn liền với phát triển sinh kế. Đây là cộng đồng có diện tích rừng tự nhiên được giao lớn nhất huyện Nam Đông với 689ha từ năm 2011. Sau khi được giao rừng, cộng đồng thôn Dỗi đã tiến hành thành lập Ban quản lý (BQL) rừng cộng đồng gồm 78 thành viên. Từ đó, hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng đã được BQL duy trì thường xuyên.

Đặc biệt, từ năm 2015, thông qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án, BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi đã xây dựng Quy chế quản lý sử dụng tiền chi trả, kế hoạch thu/chi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý bảo vệ rừng và làm giàu diện tích rừng được giao. 

Ông Hồ Văn Nhờ, thành viên BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi cho biết: Ngoài thực hiện công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, các thành viên còn được BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi giải quyết việc làm gắn liền với việc làm giàu rừng, nâng cao thu nhập bằng các mô hình phát triển sinh kế như trồng các loại lâm sản ngoài gỗ gồm mây, tre lấy măng, lô ô, mít... dưới tán rừng tự nhiên và dọc khe suối góp phần chống tình trạng sạt lở khi mùa mưa lũ đến.

275923072_1838398783037589_2648286889874336785_n

Việc mở rộng quy mô diện tích các loại cây lâm sản phụ ngoài gỗ đang ngày càng được quan tâm, chú trọng gây dựng. Ảnh: Công Điền.

Ông Trần Văn Biên, Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi cho biết: Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, sau 2 năm triển khai mô hình phát triển sinh kế này, đến nay, BQL rừng cộng đồng thôn Dỗi đã trồng được 21.000 cây mây, 500 gốc tre lấy măng, 2.000 cây lồ ô và 500 cây mít. Song, làm thế nào để vừa kết hợp giữa tuần tra bảo vệ rừng, vừa chăm sóc được diện tích các loại cây trồng lâm sản phụ ngoài gỗ là vấn đề luôn được BQL và các thành viên bảo vệ rừng rất quan tâm. 

"BQL đã xây dựng kế hoạch, phân công các tổ nhóm bảo vệ rừng luân phiên nhau để vừa tuần tra rừng từ 2 - 3 lần/tháng, vừa kết hợp chăm sóc vườn rừng và làm giàu rừng. Nhờ vậy, đã ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tài nguyên rừng, lấn chiếm đất rừng. Qua đó, hệ sinh thái, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao. Đây là điều mà không phải cộng đồng nào cũng thực hiện được", ông Biên nhấn mạnh.

Theo ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBDN huyện Nam Đông, Thượng Lộ là xã có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trên địa bàn huyện, với tổng diện tích trên 9.570ha, trong đó rừng trồng chỉ có khoảng 500ha. Trên thực tế, ngoài nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của các tổ chức, cộng đồng và cá nhân, việc giao rừng cho cộng đồng quản lý còn góp phần tạo công ăn việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho hàng trăm hộ gia đình là đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa.

"Trong tổng diện tích rừng tự nhiên trên 6.400ha, đến nay địa phương đã giao cho 30 cộng đồng, 30 nhóm hộ và 81 gia đình quản lý bảo vệ. Công tác quản lý bảo vệ rừng kết hợp với phát triển sinh kế dưới tán rừng tự nhiên tại cộng đồng thôn Dỗi được xem là điểm sáng để các cộng đồng, nhóm hộ trên địa bàn huyện tham khảo, học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình", ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chia sẻ.

Doanh nghiệp vào cuộc

Trồng và khai thác các loại cây nguyên liệu tinh dầu và cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên là mô hình sinh kế vừa tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng, người dân địa phương, vừa khai thác hết tiềm năng diện tích rừng được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, lâu nay người dân vẫn chỉ quan tâm khai thác theo kiểu tận thu chứ ít khi chú trọng đến việc trồng, bảo tồn theo hướng bền vững các loại dược liệu.

308331644_438733641448794_4797746222222161

Kinh tế dưới tán rừng đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất và nâng cao thu nhập, đồng thời phát triển toàn diện các giá trị của hệ sinh thái rừng. Ảnh: Công Điền.

Chị Phạm Thị Rin, thành viên BQL rừng cộng đồng thôn Mù Nú - Ta Rá (xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) chia sẻ: Từ xa xưa, các hộ đồng bào dân tộc đã biết tới công dụng của cây Thiên niên kiện như một cây dược liệu quý giúp tăng cường thể lực, kháng viêm, giảm nhức mỏi xương khớp. Do khai thác quá mức, chưa quan tâm tới yếu tố bền vững nên khả năng phục hồi của loài dược liệu này là rất chậm, dẫn tới giảm năng suất và giảm nguồn thu.

Nhằm hỗ trợ cộng đồng địa phương khắc phục các hạn chế này, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã phối hợp với Công ty Liên Minh Xanh triển khai hoạt động “Tạo thu nhập từ trồng cây nguyên liệu tinh dầu và dược liệu dưới tán rừng do cộng đồng quản lý thuộc khu vực vùng đệm khu bảo tồn Sao La, tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Cùng với nhiều nhóm hộ đồng bào dân tộc khác nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn Sao la tỉnh Thừa Thiên - Huế, chị Rin và cộng đồng thôn Mù Nú - Tá Rá đã được Công ty Liên Minh Xanh hỗ trợ cây giống Thiên niên kiện (hay còn gọi là cây môn thục) để trồng dưới diện tích rừng tự nhiên được nhà nước giao cho cộng đồng quản lý.

Theo đó, Công ty Liên Minh Xanh đã cung cấp 40.000 cây giống Thiên niên kiện cho các hộ tham gia dự án ở xã Thượng Quảng, Thượng Long (huyện Nam Đông); Hương Nguyên, A Roàng (huyện A Lưới) và 10.000 cây tràm ở xã Dương Hòa (Thị xã Hương Thủy) vào thời điểm đầu mùa mưa để thuận lợi cho việc trồng các loại cây giống dược liệu này.

Việc được Công ty hỗ trợ cây giống đã góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân trong các khu vực vùng đệm khu bảo tồn. Thời gian tới, Công ty Liên Minh Xanh còn tiến hành ký thỏa thuận hợp tác bao tiêu sản phẩm với các nhóm cộng đồng nhằm giúp người dân yên tâm bảo tồn, khai thác và ổn định nguồn thu nhập từ việc trồng và khai thác cây vườn cây dược liệu dưới tán rừng.

307245785_5528675203877744_1401782991305250461_n (1)

Các mô hình sinh kế dưới tán rừng góp phần tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Ảnh: Công Điền.

Anh Phan Trọng Trí, Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Liên Minh Xanh cho biết thêm: Trồng và khai thác các loại cây nguyên liệu tinh dầu và cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên là mô hình sinh kế vừa tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng, người dân địa phương, vừa khai thác hết tiềm năng diện tích rừng được giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý. Đây còn là hoạt động góp phần tăng cường sự tham gia của người dân vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Đến nay, trong khuôn khổ hoạt động, đơn vị đã triển khai 7 lớp tập huấn cho hàng trăm nông dân thuộc 5 xã, giúp nâng cao kiến thức kỹ thuật, kỹ năng nhận biết, phục hồi và trồng cây Thiên niên kiện dưới tán rừng và cây Tràm năm gân. Dự án Trường Sơn Xanh cũng giám sát chặt chẽ và đánh giá cao vai trò Công ty Liên Minh Xanh trong quá trình phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng người dân triển khai thực hiện mô hình phát triển sinh kế này.          

Dự án Trường Sơn Xanh là dự án trọng điểm về môi trường của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại khu vực Trung Trường Sơn được triển khai tại 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam. Mục tiêu dự án là nâng cao tính bền vững về sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng, hỗ trợ áp dụng các phương thức sử dụng đất phát thải thấp và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.