| Hotline: 0983.970.780

Điều phối nhịp nhàng 5 công trình thủy lợi phục vụ 1 triệu ha ở ĐBSCL

Thứ Sáu 29/11/2024 , 16:06 (GMT+7)

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam đang quản lý, điều hành 5 công trình thủy lợi, phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai cho 1 triệu ha ở ĐBSCL.

Cống âu thuyền Ninh Quới tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tùng Đinh.

Cống âu thuyền Ninh Quới tại tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tùng Đinh.

Vận hành nhịp nhàng

Tại Diễn đàn "Đẩy mạnh truyền thông sử dụng nước hợp lý, hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long" chiều 29/11, đại diện của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, công ty đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác 5 hạng mục công trình tại ĐBSCL bao gồm: Cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô; Cống Vũng Liêm; Cống âu thuyền Ninh Quới với tổng diện tích các vùng dự án khoảng 1 triệu ha.

"Do đặc điểm về địa hình, thủy văn, bố trí sản xuất của vùng ĐBSCL rất đa dạng, phong phú; do đó nhiệm vụ của mỗi hệ thống công trình cũng đa dạng theo", ông Lê Tự Do, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết.

Cụ thể, Hệ thống công trình thuỷ lợi Cái Lớn - Cái Bé - Xẻo Rô, nhiệm vụ trước tiên là kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững. Thứ hai, kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, còn nhiệm vụ góp phần cấp nước ngọt trong mùa mưa cho vùng sản xuất mặn, ngọt và kết hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

Trong khi đó, nhiệm vụ của Cống âu thuyền Ninh Quới là đảm bảo kiểm soát mặn không gây ảnh hưởng đến tỉnh Sóc Trăng và vùng ngọt ổn định của tỉnh Bạc Liêu. Bên cạnh đó là tạo điều kiện chuyển nước ngọt từ sông Hậu cho vùng Nam Quốc lộ 1A tỉnh Bạc Liêu và phục vụ giao thông thủy bộ.

Ở Cống Vũng Liêm, nhiệm vụ của công trình là kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, axit, cải tạo đất. Song song đó, chủ động lấy nước, tiêu nước, lấy phù sa, thau chua, rửa phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Một nhiệm vụ nữa của Cống Vũng Liêm là tạo địa bàn bố trí dân cư, kết hợp giao thông thủy bộ tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ liên hoàn.

Với 5 công trình này, trong năm 2023, công ty đã chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp giữa Công ty với Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, đơn vị khai thác các tỉnh trong quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi vùng ĐBSCL do Công ty quản lý (cống âu thuyền Ninh Quới, cống Vũng Liêm, cụm cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô).

"Công ty thường xuyên trao đổi với các địa phương về tình hình sản xuất, nhu cầu dùng nước, kết hợp với các bản tin dự báo của cơ quan Khí tượng thuỷ văn để xây dựng và triền khai chi tiết kế hoạch vận hành các công trình từng tháng", ông Lê Tự Do chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống công trình, ông ty thường xuyên phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá để đề xuất bổ sung, cải tạo, nâng cấp các hạng mục công trình, nhằm hoàn thiện hệ thống, phát huy tối đa hiệu quả vận hành hệ thống công trình.

Song song đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong đảm bảo phòng chống úng, ngập, xâm nhập mặn (theo kế hoạch vận hành hoặc vận hành đột xuất) và đảm bảo an toàn giao thông khu vực công trình.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông trong việc thông tin về hoạt động, kế hoạch vận hành (thường xuyên, đột xuất) của công ty cho mọi người nắm rõ, chủ động trong sản xuất và phòng chống thiên tai.

Một số khó khăn

Tuy nhiên, ông Lê Tự Do cũng nêu ra một số khó khăn đang còn tồn tại. Ví dụ như công trình phân ranh từng tiểu vùng trong từng hệ thống, giữa các hệ thống với nhau chưa đồng bộ, khép kín, lưu vực hở có tính liên thông cao, tác động qua lại ảnh hưởng lẫn nhau.

Ông Lê Tự Do, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Tự Do, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi miền Nam chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Cùng một hệ thống công trình nhưng nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu dùng nước cùng thời điểm khác nhau, hoặc đối nghịch lẫn nhau (tiểu vùng lợ - mặn, lợ - ngọt, ngọt)”, đại diện công ty nêu vấn đề.

Chưa kể, một số cửa sông, kênh chưa có công trình kiểm soát hoặc có công trình nhưng bị hư hỏng, xuống cấp không hoạt động được, hoặc công trình được đầu tư xây dựng mới nhưng chưa chủ động trong vận hành do thiếu hệ thống công trình phụ trợ phục vụ vận hành (điện, đường…).

Một khó khăn nữa là quy hoạch bố trí sản xuất của một số địa phương chưa ổn định (chưa khép kín hoặc chưa có công trình phân ranh các tiểu vùng); việc khuyến cáo và tuân thủ khung thời vụ của các địa phương trong tỉnh hoặc các địa phương lân cận chưa thống nhất.

Do đó, việc vận hành các công trình trong cùng hệ thống hoặc vận hành các công trình của hệ thống liên quan hỗ trợ cho việc kiểm soát nguồn nước (hệ thống khác) ở một số địa phương, đơn vị khai thác đôi lúc chưa được nhịp nhàng, đồng bộ dẫn đến hiệu quả việc phục vụ sản xuất, dân sinh kinh tế chưa đạt được kỳ vọng.

Thêm vào đó, một bộ phận cán bộ và nhân dân chưa hiểu rõ về mục tiêu, nhiệm vụ, vai trò, vị trí của từng công trình trong hệ thống công trình, cho rằng chỉ cần vận hành các công trình đầu mối thì phục vụ sản xuất của cả hệ thống đã đạt hiệu quả đề ra.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT tiếp nhận 25 tổ chức Đảng, gần 1.000 đảng viên

Chiều 5/12, Đảng ủy Khối và Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ chuyển giao và tiếp nhận 25 tổ chức Đảng và 986 đảng viên về trực thuộc Đảng bộ.

Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL chính thức hoạt động

Cần Thơ Trung tâm dữ liệu vùng ĐBSCL được tích hợp dữ liệu đa ngành, đa lĩnh vực, hỗ trợ ra quyết định kịp thời, hiệu quả nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Lãng du - những ấn tượng khó phai

Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.