Ngộ độc botulinum trong Pate Minh Chay là vụ lớn nhất từ trước đến nay
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ ngày 13/7 đến nay đã có 15 ca ngộ độc botulinum nhập viện sau khi ăn pate Minh Chay (Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới).
Trong đó, tại TP.HCM ghi nhận 10 trường hợp ngộ độc botulinum có trong pate Minh Chay với các triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở... Hầu hết bệnh nhân diễn tiến nặng phải thở máy, quá trình thở máy dự kiến đến từ 1 - 2 tháng.
Trước đó, ngày 30/8, Cục An toàn Thực phẩm đã phát thông báo khẩn, khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay do phát hiện các trường hợp nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, độc tố là botulinum - loại độc cực mạnh gây tác động vào đầu dây thần kinh khiến liệt cơ, gây ra các biến chứng nặng có thể dẫn đến suy hô hấp, liệt toàn thân, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Theo “Hướng dẫn tạm thời chẩn đoán, điều trị ngộ độc botulinum” của Bộ Y tế, ngộ độc butulinum hay gặp ở người ăn uống thực phẩm có botulinum, bệnh cảnh chính là liệt ngoại biên đối xứng hai bên kiểu lan xuống, liệt toàn bộ các cơ mức độ khác nhau trong khi người bệnh vẫn tỉnh táo.
Người ngộ độc có thể khởi phát bệnh ở 12 - 36 giờ sau ăn, nhưng dao động trong khoảng 6 giờ - 8 ngày sau ăn, với các dấu hiệu bệnh như nôn, buồn nôn, liệt đối xứng 2 bên bắt đầu từ vùng đầu - mặt, cổ, lan dần xuống chân, sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, nói khó, liệt vùng ngực - bụng, liệt hai chân, phản xạ gân xương thường giảm hoặc mất nhưng người bệnh vẫn tỉnh táo.
Bên cạnh đó, người ngộ độc botulinum phải thở máy có thể sẽ phải thở máy hai tháng trước khi chuyển sang giai đoạn cai máy, bệnh nhân có thể cần 100 ngày điều trị trước khi bước vào giai đoạn hồi phục.
Ngộ độc botulinum trong thực phẩm là dạng ngộ độc ít gặp ở Việt Nam, vụ ngộ độc liên quan đến độc tố có trong Pate Minh Chay là vụ lớn nhất từ trước đến nay.
Mới đây, chị L.T.H (sinh năm 1985) được chuyển đến Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 25/8 từ bệnh viện địa phương với tình trạng liệt cơ, yếu toàn thân. Khai thác bệnh sử thì được biết chị H. có sử dụng sản phẩm pate Minh Chay cùng gia đình vào ngày 22/7. Đến ngày 24/7, chị H. thấy mệt, đi lại yếu nên đã nhập viện tại bệnh viện địa phương với chẩn đoán bệnh nhược cơ. Tại đây, chị H. rơi vào tình trạng suy hô hấp, được các bác sĩ đặt nội khí quản, thay huyết tương 4 lần. Sau thời gian tích cực điều trị, tình trạng yếu liệt không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tại đây, các bác sĩ Khoa Nội thần kinh đã hội chẩn với Khoa Bệnh nhiệt đới và xác định bệnh nhân H. bị ngộ độc botulinum do ăn pate Minh Chay. Sau đó, bệnh nhân được chuyển Khoa Bệnh nhiệt đới để điều trị. Sau 16 ngày điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sụp mí và thở máy. Ngày 10/9, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Rà Rịa để tiếp tục điều trị.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong 7 bệnh nhân ngộ độc botulinum mà Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị đến thời điểm này chưa có bệnh nhân nào cai được máy thở hoàn toàn và việc hồi phục khá khó khăn. Do phải sử dụng máy thở kéo dài, các bệnh nhân sẽ phải đối diện với các nguy cơ biến chứng như tổn thương phổi, tràn khí màng phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch, tiêu hóa…
Đối với trường hợp thông thường, khi có huyết thanh hoặc thuốc giải để trung hòa độc tố, bệnh nhân sẽ cải thiện. Tuy nhiên, đối với ngộ độc botulinum hiện tại chưa có vắc xin có hiệu quả phòng ngừa; thuốc giải độc botulinum rất hiếm và đắt, chủ yếu thuốc được dự trữ từ kho dự trữ quốc gia mỗi nước. Mặt khác, việc sử dụng thuốc giải độc tố botulinum phải được sử dụng ngay trong tuần đầu tiên bị nhiễm độc sẽ giúp quá trình điều trị hiệu quả, ngăn diễn tiến nặng hơn của bệnh, giảm tỷ lệ tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới WHO tài trợ Việt Nam 10 lọ thuốc giải độc botulinum
Liên quan đến thuốc kháng độc botulinum, ngày 29/8, Bệnh viện Bạch Mai phải nhập hai lọ thuốc giải độc botulinum từ Thái Lan để điều trị cho hai bệnh nhân nặng điều trị tại đây.
Đến ngày 10/9, Bộ Y tế cho biết, 10 hộp thuốc giải độc botulinum (trị giá 8.000 USD/lọ) do Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Geneva, Thụy Sĩ tài trợ khẩn cấp đã về tới Việt Nam để điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc botulinum nặng.
Bệnh viện Bạch Mai được chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và điều phối cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế điều trị cho bệnh nhân.
Tối 11/9, PGS.TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam được giao nhiệm vụ quan trọng vận chuyển thùng thuốc giải độc botulinum do WHO tài trợ cho Việt Nam từ Hà Nội vào TP.HCM điều trị cho các bệnh nhân khu vực phía Nam.
Thùng thuốc gồm có 6 lọ thuốc giải độc được lực lượng an ninh hỗ trợ để việc vận chuyển diễn ra thuận lợi và được bàn giao thùng chứa thuốc giải cho đơn vị quản lý dược của Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp thời chuyển đến các cơ sở y tế điều trị cho bệnh nhân.
Đến sáng 12/9, ngay khi tiếp nhận một liều thuốc giải độc botulinum, Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã truyền thuốc cho nữ bệnh nhân N.N.D (54 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) đang phải thở máy, tình trạng ngộ độc botulinum nặng.
“Thuốc giải độc tố botulinum có tác dụng tốt nhất sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng, nếu để càng lâu, hiệu quả không còn như mong muốn. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, thuốc giải độc botulinum có thể làm giảm thời gian cai máy thở cho các bệnh nhân ngộ độc”, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Để phòng tránh ngộ độc botulinum, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
Đặc biệt, thận trọng với các thực phẩm đóng kín, không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
Ưu tiên sử dụng các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Đối với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…) cần đảm bảo phải chua, mặn… Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.