Ngay khi Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về sản phẩm pate Minh Chay chứa vi khuẩn Clostridium botulinum có độc tố botulinum gây liệt cơ, sụp mí mắt, buồn nôn… khiến người dân tỏ ra lo lắng.
Ngoài ra, botulinum còn được sử dụng tại các cơ sở, bệnh viện thẩm mỹ để làm đẹp từ nhiều năm nay, vậy liệu độc tố botulinum sử dụng thẩm mỹ có an toàn hay không?
Trước lo ngại của nhiều, ThS-BS Trần Nguyên Ánh Tú, Phó trưởng khoa Thẩm Mỹ Da, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, hiện bệnh viện có sử dụng botulinum trong một số kỹ thuật chăm sóc, thẩm mỹ cho bệnh nhân, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Theo bác sĩ Tú, hơn 30 năm qua, botulinum toxin được ứng dụng trong y học giúp điều trị một số bệnh lý về mắt, nội thần kinh, niệu khoa, da liễu… Để trở thành thuốc, botulinum phải được phân lập, tinh chế và cố định với quy trình rất nghiêm ngặt.
Đặc biệt, năm 2002, botulinum lần đầu tiên được chính thức sử dụng trong xóa nếp nhăn vùng mặt. Kể từ đó, tiêm botulinum trở thành kỹ thuật được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất trong ngành thẩm mỹ trên thế giới nhờ tính an toàn, hiệu quả, dễ thực hiện và chi phí hợp lý.
Tại Việt Nam, botulinum cũng được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thẩm mỹ và một số chuyên ngành khác từ nhiều năm qua.
Thực phẩm nhiễm khuẩn chứa botulinum (0,004μg/kg cân nặng) có thể gây ngộ độc, dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, kỹ thuật tiêm botulinum toxin trong thẩm mỹ lại rất an toàn.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì khác với tác hại khi tiếp xúc botulinum lượng lớn qua đường tiêu hóa gây ngộ độc toàn thân, các chỉ định trong thẩm mỹ sử dụng đường tiêm tại chỗ với liều lượng rất thấp, do đó hầu như chỉ tác động đến lớp cơ và các tuyến tại chỗ, không ảnh hưởng toàn thân.
Hơn nữa, khoảng an toàn của botulinum sử dụng trong thẩm mỹ khá cao, liều tiêm thường không vượt quá 1/30 liều gây ngộ độc. Vì vậy, việc sử dụng kỹ thuật tiêm botulinum toxin trong thẩm mỹ khá an toàn.
Cũng theo bác sĩ Ánh Tú, cơ chế của botulinum toxin khi tiêm vào sẽ làm giảm các hoạt động của cơ, da, do đó botulinum toxin rất có hiệu quả trong thẩm mỹ như làm giảm nếp nhăn giữa hai cung mày, nếp nhăn đuôi mắt, nếp nhăn vùng trán, điều trị tăng tiết mồ hôi nguyên phát, trẻ hóa làn da, làm thon gọn khuôn mặt, điều chỉnh được vấn đề hở lợi… giúp cho gương mặt được trẻ hóa nhiều hơn.
Các tai biến, tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng kỹ thuật tiêm botulinum toxin thường mang tính tạm thời, sẽ phục hồi sau vài tuần đến vài tháng như mất sự cân đối giữa hai bên chân mày, sụp mi, sụp chân mày, gương mặt bị đơ...
Nguyên nhân tai biến chủ yếu do kỹ thuật tiêm chưa đúng, người thực hiện chưa được huấn luyện, đào tạo bài bản, không nắm vững nguyên lý cấu trúc giải phẫu vùng mặt. Để phục hồi những tai biến này, không mất nhiều thời gian, tuy nhiên người bác sĩ phải có kinh nghiệm, kiến thức sâu về kỹ thuật tiêm botulinum toxin trong thẩm mỹ.
Bác sĩ Ánh Tú cũng cho biết, một số bệnh nhân có nhầm lẫn kỹ thuật tiêm botulinum toxin với tiêm chất làm đầy để xóa nếp nhăn. Cơ chế hoàn toàn khác nhau, botulinum toxin tác động lên các hoạt động có cơ, làm giảm các vết nhăn động; còn chất làm đầy khi được tiêm vào sẽ làm đầy các nếp nhăn tĩnh, hõm.
Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM sử dụng kỹ thuật tiêm botulinum toxin cho hàng trăm bệnh nhân có nhu cầu làm đẹp. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do làm đẹp bằng kỹ thuật tiêm botulinum toxin gây ra.
“Việc sử dụng botulinum trong thẩm mỹ rất an toàn nếu được thực hiện đúng kỹ thuật với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm. Vì vậy, khi muốn làm đẹp với botulinum, để đảm bảo hiệu quả và tránh tai biến, người dân cần chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ được đào tạo bài bản và được phép thực hiện kỹ thuật này.
Bên cạnh đó, đối với các bệnh nhân có bệnh lý về cơ, đặc biệt nhất là bệnh lý nhược cơ thì không được sử dụng kỹ thuật tiêm botulinum toxin”, bác sĩ Ánh Tú khuyến cáo.