| Hotline: 0983.970.780

Sơn La

Định hình trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Thứ Hai 01/08/2022 , 06:45 (GMT+7)

SƠN LA Với sự tiên phong đầu tư công nghệ chế biến lên Sơn La, Doveco và Sơn La đang cùng nhau hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) thăm Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La vào cuối tháng 5/2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ngoài cùng bên trái) và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (ngoài cùng bên phải) thăm Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La vào cuối tháng 5/2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Doveco tiên phong 

Phát biểu tại buổi thăm và làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La (xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) hồi cuối tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lao động cũng như nâng cao giá trị đầu tư.

“Hiện nay, nông sản tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt tại Sơn La đang vào mùa vụ với sản lượng rất lớn. Để có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản, đa dạng hóa chuỗi cung ứng cũng như đa dạng hoá thị trường, cần phải nâng cao giá trị nông sản bằng việc tăng cường hàm lượng công nghệ trong chế biến và sau thu hoạch”, Thủ tướng nêu vấn đề.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La là một trong những đơn vị điển hình trong việc tiên phong đưa nhà máy chế biến nông sản lên các vùng nguyên liệu lớn.

Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La có diện tích hơn 8,8ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng; tổng công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của nhà máy gồm dứa, chanh leo, xoài, nhãn, chuỗi, mít, bơ, ngô ngọt... được chế biến sâu theo công nghệ của Nhật Bản, Italy, Đức và các nước châu Âu..., sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trung tâm với tổ hợp 3 nhà máy có thiết bị và công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 20.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Italia; nhà máy chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; nhà máy chế biến rau quả rau đồ hộp, công suất thiết kế 20.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ, thiết bị của Italy và Đức. Trên mỗi dây chuyền sản xuất có thể đồng thời chế biến đa dạng hầu hết các loại nguyên liệu rau, quả sẵn có ở Sơn La.

Sau khi Trung tâm đi vào hoạt động, sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 30.000 lao động và kết nối các vùng nguyên liệu các tỉnh Tây Bắc, phát triển theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã được đầu tư công nghệ vào khâu sau thu hoạch, từ đó đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đa dạng hóa các kênh cung ứng, trong đó, cung ứng về rau củ, quả tươi, chế biến, đa dạng hóa về thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco), Giám đốc Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La cho biết, hàng năm, đơn vị có thể tiêu thụ từ 250.000 - 300.000 tấn nguyên liệu trái cây các loại. Đặc biệt trong mùa vụ sắp tới, Doveco Sơn La mong muốn tiêu thụ toàn bộ sản lượng xoài, dứa, chanh leo, vải… của tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Doveco Sơn La mong muốn tiêu thụ toàn bộ sản lượng xoài, dứa, chanh leo, vải… của tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung trong mùa vụ năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Doveco Sơn La mong muốn tiêu thụ toàn bộ sản lượng xoài, dứa, chanh leo, vải… của tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung trong mùa vụ năm 2022. Ảnh: Phạm Hiếu.

Vùng nguyên liệu của Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La được đặt tại 3 tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Điện Biên và Lai Châu với tổng diện tích hơn 11.500ha, sản lượng gần 250.000 tấn/năm.

Cụ thể, 3.010ha dứa cho sản lượng 120.000 tấn/năm, 1.860ha xoài cho sản lượng 18.600 tấn/năm, 2.310ha chanh leo cho sản lượng 60.000 tấn/năm, 2.000ha nhãn cho sản lượng 18.000 tấn/năm, 1.660ha ngô ngọt cho sản lượng 24.900 tấn/năm, 640ha đậu tương rau cho sản lượng 6.400 tấn/năm, 90ha rau chân vịt cho sản lượng 1.800 tấn/năm.

Trung tâm chế biến nông sản Tây Bắc vào năm 2025

“Chủ trương đưa cây ăn quả lên sườn dốc của tỉnh Sơn La là một sự đổi mới tư duy quan trọng, góp phần cơ cấu lại cây trồng của địa phương. Khi đã thay đổi được cơ cấu cây trồng, sẽ nâng cao được năng suất lao động và hiệu quả trên đất, thay đổi thói quen canh tác, nâng cao hiệu quả từ sự đầu tư cho khoa học công nghệ”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Sơn La cần tiếp tục ủng hộ xây dựng các nhà máy chế biến, không những một mà sẽ có nhiều nhà máy để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay, với bề dày truyền thống 68 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định Doveco đã có thể hoàn toàn làm chủ công nghệ chế biến nhiều loại nông sản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức sản phẩm chế biến của Doveco. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thưởng thức sản phẩm chế biến của Doveco. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Đặc biệt, những năm gần đây, Doveco tập trung đầu tư các dây chuyền máy móc, thiết bị từ các nước tiên tiến về sản xuất nông sản, rau quả như Italy, Thụy Điển, Nhật Bản... Công nghệ cao sẽ chế biến ra những sản phẩm chất lượng cao”, ông Tùng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Doveco còn chú trọng đến việc đầu tư vùng nguyên liệu, quản lý vùng trồng để đảm bảo có nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng.

Thời gian qua, một số sản phẩm tiêu biểu của Doveco như chanh leo cô đặc, chanh leo puree, dứa cô đặc, dứa đổ hộp, dứa lạnh, chanh leo lạnh… đã được xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là các nước có thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hoa Kỳ.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, từ hơn 80.000ha diện tích trồng cây ăn quả hiện nay, Sơn La đang đẩy mạnh việc sắp xếp cơ cấu cây trồng chủ lực theo từng vùng, từng địa phương nhằm hình thành vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy hiện có và nhà máy đang triển khai xây dựng đảm bảo công suất hoạt động.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cuối tháng 5/2022. Ảnh: TL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cuối tháng 5/2022. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đang khẩn trương xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy chế biến sâu nông sản, chợ đầu mối… trên địa bàn nhằm thu hút đầu tư, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc vào năm 2025.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, ông Lường Trung Hiếu cho biết, vừa qua, Hội Nông dân Sơn La đã được tỉnh giao làm đơn vị đầu mối để tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt là công tác triển khai, phát triển các vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, tổ chức vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu của các nhà máy chế biến.

“Riêng đối với Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La, chúng tôi được tỉnh giao 2 nhiệm vụ. Thứ nhất là phát triển vùng nguyên liệu, trong đó tập trung vào các vùng trồng dứa, trồng đậu tương rau, xoài, nhãn để phục vụ chế biến của Trung tâm. Những sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh như xoài, nhãn đều đạt tiêu chuẩn về chất lượng”, ông Lường Trung Hiếu thông tin.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã cùng các cấp các ngành, các huyện/thành phố vận động nhân dân chuyển một phần diện tích đất nông nghiệp sang trồng dứa cũng như đậu tương rau, rau chân vịt, ngô ngọt để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy.

Doveco rất chú trọng đến việc đầu tư vùng nguyên liệu, quản lý vùng trồng để đảm bảo có được nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng. Ảnh: Văn Thiệu.

Doveco rất chú trọng đến việc đầu tư vùng nguyên liệu, quản lý vùng trồng để đảm bảo có được nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng. Ảnh: Văn Thiệu.

Hội Nông dân tỉnh cũng được giao nhiệm vụ đào tạo 2.000 lao động cho Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Sơn La. Hiện nay, trên cơ sở nhu cầu của Trung tâm, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam đào tạo 500 lao động để sẵn sàng ngay khi Trung tâm được khánh thành.

“Hiện nay, sau quá trình đào tạo ban đầu, các lao động đã được đưa về Công ty Doveco ở Ninh Bình để vừa đào tạo lý thuyết, vừa đào tạo thực tế. Sau đó, người lao động sẽ được tuyển chọn và được đề nghị Công ty chính thức ký hợp đồng lao động để phục vụ ngay cho mùa vụ năm 2022”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La cho hay.

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Doveco là thị trường châu Âu với 40%, xếp thứ 2 là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với 25%, tiếp đến là Trung Quốc và nhiều nước khác chiếm 20%, thị trường Hoa Kỳ chiếm 15%.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.