Hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng
Theo Cục Chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại (Quyết định 150/QĐ-TTg) và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 (Quyết định 1520/QĐ-TTg).
Theo đó, đến năm 2030, tổng đàn lợn ổn định ở quy mô đầu con có mặt thường xuyên khoảng 30 triệu con, trong đó đàn lợn nái dao động khoảng 2,5 triệu con, đàn lợn ngoại nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp chiếm khoảng 70%. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2025 đạt từ 5 đến 5,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm 63 đến 65%); đến năm 2030 đạt từ 6 đến 6,5 triệu tấn (thịt lợn chiếm 59 đến 61%), trong đó, xuất khẩu từ 15 đến 20% sản lượng thịt lợn.
Ngành chăn nuôi hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng; chăn nuôi lợn Việt Nam nói riêng và chăn nuôi nói chung sẽ phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng tránh dịch bệnh.
Phát triển chăn nuôi các giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học, và dịch bệnh; quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi; làm chủ công nghệ sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y, chế biến; nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm nhu cầu trong nước, từng bước thay thế mô hình sản xuất gia công giá trị gia tăng thấp, phụ thuộc đầu vào và đầu ra.
Triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp
Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, Cục Chăn nuôi cho rằng cần thực hiện 8 nhóm giải pháp sau:
1/ Đẩy mạnh công tác chăn nuôi lợn an toàn sinh học; tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng. Triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh cho các loại hình chăn nuôi.
2/ Chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, hài hòa lợi ích giữa các thành phần tham gia chuỗi; hỗ trợ khuyến khích đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng các tổ hợp chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với vai trò của doanh nghiệp làm trọng tâm...
3/ Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở nuôi giữ giống, quản lý và sản xuất giống theo tháp giống, tăng tỷ lệ chọn giống, nâng cao năng suất sinh sản của đàn nái hiện có, tăng cường năng lực sản xuất giống tại chỗ để có con giống với giá thành hạ, an toàn dịch bệnh...
4/ Khuyến khích phát triển chăn nuôi các giống lợn bản địa, đặc sản có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị (ẩm thực, văn hóa, du lịch, sinh thái và kinh tế).
5/ Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạnh việc áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các loại hóa chất, chế phẩm sinh học...
6/ Tăng cường kiểm soát môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, gắn với sản xuất phân bón hữu cơ và sản xuất năng lượng tái tạo...
7/ Tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng, khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; xây dựng và áp dụng các phần mềm để đảm bảo cập nhật, quản lý, khai thác các dữ liệu chăn nuôi trên phạm vi cả nước...
8/ Học tập, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình chăn nuôi theo kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao vào chăn nuôi lợn; hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học, công nghệ; ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ hiện đại khác trong quản lý nhà nước và quản trị sản xuất các lĩnh vực của ngành chăn nuôi.