| Hotline: 0983.970.780

Đình làng không phải của dân làng

Thứ Sáu 11/09/2020 , 07:10 (GMT+7)

Chuyện tưởng đùa mà lại là chuyện thật! Đó là đình làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đình làng Mông Phụ sau khi được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) sửa chữa. Ảnh: Thắng Hoàng.

Đình làng Mông Phụ sau khi được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) sửa chữa. Ảnh: Thắng Hoàng.

Đình được xây dựng từ thời Lê (Lê Vĩnh Tộ), đến năm Tự Đức (trên câu đầu có dòng chữ: Tự Đức Kỷ Mùi đông - Tự Đức, mùa đông năm Kỷ Mùi) đình Mông Phụ được sửa chữa và xây dựng lại như hiện nay. Năm 1984, đình Mông Phụ được Bộ Thông tin - Văn hóa (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng “Di tích lịch sử cấp quốc gia”!

Năm 2005, xã Đường Lâm được Bộ VH-TT&DL ký quyết định cộng nhận “Di tích kiến trúc nghệ thuật”. Mấy năm sau đình Mông Phụ (và các công trình đình đền, chùa miếu của xã Đường Lâm) được đầu tư sửa chữa trên quy mô lớn… Dân làng bảo nhau: Kể từ ngày đó dân làng mất… đình!

Theo Luật Di sản văn hóa, những công trình được Nhà nước xếp hạng đều nằm trong diện được quản lý rất chặt chẽ. Bất cứ hành vi nào kể cả việc tu bổ và sửa chữa nếu không được phép đều là vi phạm. Tùy theo mức độ mà chiểu theo pháp luật có thể phải tù tội!

Quả là một bước tiến dài trong việc quản lý các công trình văn hóa!

Suy cho cùng các công trình tâm linh như đình đền, chùa miếu đa phần được hình thành trong dân, do dân đóng góp tiền bạc, công sức xây dựng và quản lý. Một số công trình được “ông hoàng, bà chúa” nào đó đứng hưng công (bỏ ra một số tiền lớn), sau khi xây dựng xong cũng trả lại cho dân.

Trải năm tháng thời gian, nào là chiến tranh giặc dã, nào là biến động xã hội… ho đến hôm nay chúng ta vẫn còn một hệ thống các công trình tâm linh trong các làng quê rất phong phú.

Trước khi có Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), đình làng là của dân làng. Hàng năm làng bầu ra “từ đình”, từ đình làng hầu hết là đàn ông bởi lệ “trọng nam, khinh nữ”.

Quy tắc bầu “từ đình” được thống nhất: Phải là người đàng hoàng, sạch sẽ, phẩm chất đạo đức tốt, gia đình không “cắc cớ, bụi bặm”… Hàng ngày ông từ có bổn phận quét dọn, trông nom đình làng. Vào ngày “sóc, vọng”, ông từ lên hương làm lễ thần thánh. Nếu gia đình nào có lễ vật, ông từ phụ giúp để tín chủ thực hiện tâm nguyện.

Thông thường, những người được trọn vào vị trí này đều là người có “tâm”. Lấy cái “tâm” ra để hoàn thành công việc được giao! Có lẽ câu ngạn ngữ: Lừ lừ như ông từ vào đền (đình) là để chỉ những người này. Họ không quan tâm đến việc gì ngoài công việc được dân làng tín nhiệm.

Đình làng Mông Phụ trước khi được Cục Di sản văn hóa quản lý và sửa chữa, lúc đó 'đình là của dân làng'! Ảnh: TL.

Đình làng Mông Phụ trước khi được Cục Di sản văn hóa quản lý và sửa chữa, lúc đó "đình là của dân làng"! Ảnh: TL.

Tôi lớn lên đã thấy làng làng Mông Phụ có từ đình là cụ Thiều, trước đấy là cụ Từ Quắm - bố cụ Thiều, gia đình này thâm niên làm từ đình mấy chục năm. Có những người làm lâu năm và uy tín đến mức làng gắn thêm chữ “từ” vào tên để nhớ công lao đã giúp làng như cụ Từ Nơm, cụ Từ Khả… Một thời gian dài đình làng không được chú trọng vì rất nhiều nguyên nhân…

Vậy mà cứ vào ngày tuần tiết vẫn thấy cụ Thiều buộc cái khăn bằng một giải vải đỏ che kín miệng (mín khẩu), nút buộc thắt lên đỉnh đầu. Tôi hỏi thì được biết: Buộc khăn như thế là để ông từ không nói chuyện với ai, toàn tâm toàn ý vào công việc và giữ vệ sinh!

Đình làng cũng như các công trình tâm linh khác đa phần là kiến trúc gỗ, mái dốc lợp ngói ri nên việc tu sửa thường lặt vặt. Tất tần tật những việc ấy ông từ tự động gọi thợ sửa chữa.

Người được gọi làm ai cũng vui vẻ và không ai lấy công. Xong việc đều bảo: Nhà cháu xin được cung tiến vào đình ạ! Chỉ khi sửa chữa lớn mới phải họp dân. Tiếng là họp dân song chỉ là hai giới các cụ (lão ông, lão bà) trong làng. Nếu hết nhiều tiền, con dân trong làng “bổ đầu” mà đóng góp. Nếu hết ít, làng xuất quỹ hoặc lại do một hiệp thợ nào đó công ích…

Vài năm trở lại đây các công trình tâm linh được sửa chữa, công trình nào cũng làm sai lạc đi nhiều so với nguyên bản. Nguyên nhân có nhiều song có thể chỉ ra mấy nguyên nhân sau:

Thứ nhất: Hiện nay thợ có tay nghề không sẵn để tu sửa những công trình này. Chúng ta không có cái “gạch nối” giữa truyền thống và hiện đại. Lớp thợ mới chuyên vào bê tông cốt sắt, nhôm kính nhựa… Nếu phải đắp một nét hoa văn, không phải ai cũng làm được, mặc dù có người đã lăn lóc mấy chục năm với nghề xây dựng nhưng không phải “thợ ngõa”.

Thứ hai: Chưa bao giờ các công trình tâm linh được xây mới hoặc sửa chữa lại có nhiều người cung tiến với món tiền lớn như hiện nay. Song, người cung tiến tài vật lại ít… công tâm. Ít thì yêu cầu tên tuổi của mình được gắn vào một tấm bia, hay khắc cẩn vào một chỗ nào đó để mọi người nhìn thấy.

Nhiều thì đòi hỏi được phối thờ vào một vị trí nào đó trong công trình. Đôi khi tùy hứng đặt một cái lư hương khổng lồ về đặt chềnh ềnh ngay trước cửa đình. Rất nhiều việc “chướng tai, gai mắt” như vậy làm biến dạng công trình so với nguyên bản…

Thứ ba: Thiếu hiểu biết về lịch sử văn hóa nhưng lại áp đặt ý nghĩ rất chủ quan vào việc tôn tạo hoặc xây dựng. Rất tiếc những cá nhân này lại có quyền chi phối cộng đồng…

Cứ thế, bao giá trị văn hóa đến thời gian này bị mai một. Thế là Cục Di sản văn hóa ra đời! Có Cục Di sản văn hóa quản lý nhìn chung là tốt nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Thống kê được phải có thời gian mới thấy sự thiệt hại âm thầm và vô hình này.

Vậy là tất cả những công trình được xếp hạng muốn sửa chữa phải có ý kiến của Cục. Dẫu là sửa chữa nhỏ, về nguyên tắc dân làng không có quyền gì trong việc này.

Hành chính của nước ta là vậy, chờ được ý kiến của Cục và các ban ngành liên quan có khi… công trình đã hư hỏng nặng hoặc sắp sụp đổ. Khi được sửa chữa lại là thợ trong làng, việc khó mới phải mời đến “chuyên gia”. Lúc trả tiền công, không ai tâm đức nữa. Họ bảo nhau: Tội vạ gì mà không lấy, tiền của Nhà nước chứ chẳng phải của ai.

Những ngôi nhà trong làng cổ Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ảnh: TL.

Những ngôi nhà trong làng cổ Mông Phụ, xã Đường Lâm. Ảnh: TL.

Cứ thế đình làng ở trong làng nhưng ngày một xa dân. Người dân không ai cung tiến tài lực như trước, vì tiền “cung tiến” không được sử dụng để tôn tạo sửa chữa (đã có ngân sách Nhà nước).

Tại xã Đường Lâm, có một dòng họ quyên góp được gần 30 tỷ đồng để sữa chữa một ngôi đền. Ban quản lý xây dựng (của thị xã Sơn Tây) nói số tiền đó phải chuyển vào tài khoản của thị xã để Ban quản lý chi tiêu… Dân làng không ai lạ gì cách quản lý của Ban. Thế là họ quay lưng lại!

Đình làng còn mỗi lễ hội là của dân, nhưng theo thống kê vài năm trở lại đây, lễ hội đình Mông Phụ cơ hồ không tổ chức được mặc dù đã tồn tại nhiều trăm năm nay.

Theo thông lệ, mọi việc hội họp “bầu bán” vẫn được tiến hành đúng như trước đây. Mấy năm trước còn bầu được chủ tế và một đội tế nam. Mấy năm gần đây có chủ tế lại không có đội tế. Những người đàn ông trong làng ai cũng có “cớ” để không ra đình.

Năm nay, Xuân Canh Tý làng Mông Phụ không bầu được chủ tế… Thế là mấy ngày đầu xuân đình làng vắng hoe vắng hoét. Sau đó lại dịch Covid-19…, đình đã vắng lại càng thêm vắng!

Nguyên nhân dẫn đến sự thể này là từ ngày làng Mông Phụ nói riêng và xã Đường Lâm nói chung được công nhận “dích lịch sử văn hóa” - Làng cổ! Làng cổ thành làng du lịch, khách khứa ngày nào cũng nườm nượp đổ về. Du lịch nhờ đó khởi sắc, một số hộ gia đình trong làng đã bước đầu có thu nhập từ du lịch.

Đình làng là một địa điểm khách du lịch không thể bỏ qua. Mấy năm đầu còn đỡ, mấy năm gần đây thật xấu hổ khi khách đến làng. Mấy ông “từ mới” nửa làm từ đình, nửa làm hướng dẫn viên thiếu kiến thức… xoay ra kiếm tiền từ khách.

Bên cạnh đó ông trưởng thôn và các "ông" khác lại can thiệp quá xâu vào việc làng (hai giới các cụ), rồi cân đong đo đếm đến từng đồng, ấy là chưa nói đến việc vụ lợi như dân làng vẫn xì xầm…

Lại nữa, một người làng đưa bạn về làng, khi ra đình làng nếu không có vài chục nghìn tiền “hành sai” (để vào cái đĩa cho ông từ)… đôi khi bị ông từ làm cho mất mặt với bạn. Số người thành tâm đặt tiền vào hòm công đức (ý muốn đồng tiền của mình tuy nhỏ, nhưng được sử dụng như góp một viên gạch vào tôn tạo công trình), họ đâu có biết kinh phí sửa chữa đã có Nhà nước lo! Việc sử dụng tiền (mở hòm) công đức, làng đưa vào liên hoan chè chén…

Đáng tiếc là kỳ lễ hội nào cũng xảy ra việc không vui. Rất nhiều thứ đã làm cho nhiều người không bao giờ lên đình nữa. Người trung niên đã vậy, lớp trẻ lại càng xa lạ với đình. Cứ thế, đình làng mà lại không phải của dân làng!

Xem thêm
Diễn viên Bình An thoát nạn khỏi đám cháy

Tối 17/5, đám cháy bùng phát tại toà nhà ở số 1174 Đường Láng(Hà Nội) khiến nhiều người bị mắc kẹt, trong đó có diễn viên nổi tiếng Bình An

Pháp công bố danh sách dự EURO 2024: Kante trở lại

Tối 16/5, HLV Didier Deschamps công bố danh sách chính thức 25 cầu thủ tuyển Pháp tham dự EURO 2024. Tiền vệ Kante có tên trong danh sách sau 2 năm vắng mặt.

Quang Hải sang Nhật Bản?

Tiền vệ Quang Hải sẽ rời CLB CAHN vào cuối mùa giải này khi hợp đồng đôi bên đáo hạn, nhằm chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.