Độ chua đất thường được biểu thị bằng chỉ số pHH20 hoặc pHKCl. pHH20 là độ chua hiện tại trong dung dịch đất, có thể đo trực tiếp bằng giấy đo pH hoặc lắc đất với nước cất rồi lọc và đo độ pH của dung dịch bằng dụng cụ so màu thông thường. pH KCl là độ chua trao đổi, đó là khi các ion H+ bám trên bề mặt keo đất bị đẩy ra ngoài dung dịch đất nhờ một dung dịch muối trung tính như KCl lắc với đất rồi lọc và đo độ chua. Do vậy, cùng đo pH của một mẫu đất thì trị số pHKCl thường thấp hơn pHH20.
Độ chua đất phụ thuộc lớn vào thành phần đá mẹ, chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện khí hậu nhưng cũng bị ảnh hưởng do quá trình canh tác của con người.
Bón phân hóa học mất cân đối, dư thừa so với nhu cầu của cây cũng đẩy nhanh tốc độ hóa chua của đất, đặc biệt là khi bón các loại phân như SA, phân có nhiều lưu huỳnh, phân nitrat.
Giữa độ chua đất, các chất dinh dưỡng trong đất và sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng có sự liên quan với nhau. Phần lớn các chất dinh dưỡng được cây trồng hấp thu thuận lợi nhất trong khoảng pHKCl từ 5,5 -7,7. Khi đất quá chua, pHKCl < 4,5 thì những điều sau đây có thể xảy ra:
- Không có nhiều Ca, Mg, K trong đất, cây có thể bị thiếu.
- Lân dễ tiêu trong đất bị cố định bởi các ion sắt, nhôm di động, cây không hút được. Vì vậy độ hữu dụng của phân lân khi bón vào đất chua rất kém.
- Một số các yếu tố vi lượng như Molipden và Bore cũng ít ở dạng hữu dụng cho cây trồng.
- Ngoài ra trong đất quá chua, các chất hóa học như nhôm, sắt, man gan ở dạng di động, là các chất độc đối với cây trồng, tác hại đến bộ rễ, tạo điều kiện cho nhiều loại nấm bệnh gây hại đến bộ rễ cây trồng. Và bằng sự hạn chế sự phát triển của bộ rễ, sự hấp thu dinh dưỡng của cây trồng bị hạn chế do vậy cây thường bị thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng.
Các kết quả nghiên cứu về đất trồng cà phê và đất trồng tiêu tại vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong thời gian gần đây cho thấy độ pH của đất khá thấp. Năm 2012, khảo sát 50 mẫu đất trồng tiêu ở Gia Lai cho thấy đất có độ pHKCl rất thấp, 100% số mẫu phân tích đều có pH<4,6. TS Trương Hồng, năm 2014 cũng kết luận rằng pHKCl đất trồng tiêu vùng Tây Nguyên (Gia lai, Đăk Lăk và Đăk Nông) khoảng 4,16, còn tại vùng Đông Nam bộ (Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) pHKCL trung bình chỉ khoảng 3,99.
Trong chương trình Sản xuất hồ tiêu bền vững ở tỉnh Bình Phước năm 2013, Công ty Ned Spice, đơn vị phối hợp với nông dân, đã khảo sát 187 mẫu đất trồng tiêu nông hộ và thấy rằng độ biến động của pHKCl từ 3,61 – 5,33; trị số trung bình là 4,10. Các kết quả phân tích độ chua đất trồng cà phê cũng tương tự.
Theo báo cáo của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên trong những năm gần đây thì kết quả phân tích của hàng trăm mẫu đất trồng cà phê cho thấy pH KCl đạt trị số trung bình < 4,5.
Để sửa đổi độ chua đất, người ta thường bón vôi. Bên cạnh tác dụng làm đất bớt chua, vôi còn cung cấp thêm chất can xi (Ca2+) cho cây trồng. Ngoài can xi, khi bón vôi còn cung cấp thêm cho đất ma nhê (Mg2+), vì các loại vôi dùng trong nông nghiệp luôn có lẫn thành phần ma nhê. Vôi còn cải thiện được lý tính đất đai, tức là làm cho cơ cấu đất tốt hơn. Đất nặng, nhiều sét được bón vôi thì đất sẽ thông thoáng hơn còn đất cát nếu được bón vôi sẽ dẻo, dính hơn do vôi kết tủa với chất mùn trong đất và giữ mùn lại làm đất có nhiều chất keo hơn, giữ nước, giữ phân tốt hơn. Do vậy vôi được coi là chất cải tạo, bồi dưỡng đất. |