| Hotline: 0983.970.780

Đóa hoa vô thường là hoa gì?

Thứ Hai 11/02/2019 , 14:01 (GMT+7)

Một trong những bài hát hay, để đời của Trịnh Công Sơn là bài “Đóa hoa vô thường”, cũng là bài hát khó giải mã nhất trong di sản đồ sộ hàng trăm bài hát của nhạc sĩ. Đây là một bài hát dài, nhiều đoạn, nhiều biến điệu.

Việc bình luận âm nhạc dành cho các chuyên gia, tôi chỉ góp phần tìm hiểu nội dung bài hát từ ngôn ngữ lời ca.

Đã có hàng trăm bài viết về bài hát này, nhưng dường như chưa động đến bản chất sâu xa của bài hát, chưa nói lên cái “mật mã” thông điệp mà bài hát truyền tải.

Câu hỏi “đơn giản” nhất là: Đóa hoa vô thường là đóa hoa gì?

“Vô thường” là một trong “tam pháp ấn” của Phật giáo. Nguyên lý vô thường cùng với nguyên lý Khổ và Vô ngã quán chiếu toàn bộ lý thuyết Phật giáo. Vậy “vô thường” ở đây có thể là ngôn ngữ của Phật giáo, mà Trịnh Công Sơn muốn nói đến. Trịnh Công Sơn sống ở miền Trung Việt Nam, nơi Phật giáo Tiểu thừa bắt rễ sâu, vậy điều mà “đóa hoa vô thường” muốn hướng đến là nằm trong chi phái nào, nếu đó là một thông điệp Phật giáo?

Đến đây, phải đưa ra “đột ngột” một vấn đề, có tình như “bổ đề” trong chứng minh một bài toán. Đó là thông tin về “Mười bức tranh trâu” (Thập mục ngưu đồ), bức họa vẽ mười bức tranh liên hoàn, mô tả việc tìm trâu và chăn trâu của mục đồng. Nếu ai có chút tìm hiểu về Phật giáo và Thiền, thì biết lai lịch và ý nghĩa của “Mười bức tranh trâu”. Có 2 biến thể của “mười bức tranh trâu”, một của Đại thừa, một của Thiền tông. Ở đây chỉ nói tóm tắt về “Mười bức tranh trâu Thiền tông”.

10-buc-trnh-tru110800751
Thập mục ngưu đồ

Chủ đề của 10 bức tranh trâu Thiền tông là: 1. Tìm trâu; 2. Thấy dấu; 3. Thấy trâu; 4. Được trâu; 5. Chăn trâu; 6. Cưỡi trâu về nhà; 7. Quên trâu còn người; 8. Người trâu đều quên; 9. Trở về nguồn cội; 10. Thõng tay vào chợ. Thiền sư vẽ tranh chăn trâu, mô tả sự tìm trâu, chăn trâu để hình ảnh hóa quá trình thiền sinh tu thiền, tìm cái tâm giác ngộ, thực hiện quá trình hàng phục kỳ tâm của người tu. Con trâu ở trên tranh, chính là tâm mà thiền sinh phải đi tìm và cách ứng xử với nó trong quá trình đến chân lý Giác ngộ. Quá trình tu tâm trực quan ở 10 tranh chăn trâu có thể phân thành 3 giai đọan: 1/ Giai đoạn hướng ngoại “dùng tâm để biết tâm”, thấy dấu vết của tâm, thấy lỗi thấy nghiệp của mình, và dùng “giới” để điều phục tâm, tu luyện hàng phục kỳ tâm (tranh 1 đến 5). 2/ Giai đoạn hướng nội “đem tâm trở về với tâm” (tranh 6 và 7: Cưỡi trâu về nhà, Quên trâu còn người) đạt đến mục đích kiến tánh, tức thấy “tâm chính là vô tâm” (người trâu đều quên, tranh 8 vẽ một vòng tròn viên mãn); 3/ Giai đoạn hội nhập với thiên nhiên (tranh 9) và thế tục (tranh 10) bằng “tâm bình thường” để thực sự sống với cái “tâm không tâm”.

Vậy “Mười bức tranh trâu” liên quan gì đến “Đóa hoa vô thường”?

Ngày xưa, thiền sư họa sĩ đã dùng tranh, vẽ toàn bộ quá trình tìm trâu, chăn trâu, rồi quên trâu, quên mình để biểu đạt quá trình tu tập Thiền tông. Nghe đi nghe lại bài “Đóa hoa vô thường”, tôi chợt nhận thấy có một sự tương liên giữa tác phẩm âm nhạc của họ Trịnh và tác phẩm hội họa kia. Quá trình đi tìm đóa hoa vô thường thực chất là quá trình đi đến bến bờ Giác ngộ của người nghệ sĩ. Bài hát chính là kể lại câu chuyện đó.

Có thể phân chia bài hát, theo nội dung (và có thể là đồng thời theo giai điệu) thành 9 đoạn và đặt tên các đoạn như sau: 1/ Tìm em: Từ “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai…” đến “Tìm lại trên sông những dấu hài”. Đoạn này giới thiệu việc tìm một “em” hình hài thế nào, ở đâu, toàn tiêu chuẩn hoàn thiện. 2/ Thấy dấu vết em: Tiếp đoạn 1 cho đến “Tìm trong vô thường, có đôi dòng kênh, sấm bay rền vang”. Chỉ dẫn về dấu vết có thể tìm “em” như thế nào. Ở đây, lấp ló thông điệp “tìm trong vô thường”. Đó là một địa chỉ siêu thực, mà ai cũng có thể biết nó thuộc phạm trù tôn giáo, nó là một chỉ dấu đặc biệt về Phật giáo. 3/ Thấy em: Đoạn tiếp từ “Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn” đến “Trăng vàng khai hội một đóa hoa quỳnh”. Em ở đây hiện hình giữa “bốn bề thơm ngát hương trầm”, một hình ảnh thánh thiện của không gian tôn giáo. 4/ Có em: Đoạn tiếp “Từ nay tôi đã có người…” đến “Thấy tôi trong dáng em ngồi trước sân”. 5/ Cùng sống với em, đoạn tiếp đến “Có con chim hót tên là ái ân”.

Năm đoạn trên đây, tương ứng (vừa khít) với 5 bức tranh trong “Mười bức tranh trâu Thiền tông”. Nếu ở tranh diễn tả sự tìm kiếm tâm từ ngoại cảnh, dùng nỗ lực giới đạt kiến tính, biểu hiện bằng việc mục đồng tìm trâu cho đến chăn trâu, thì trong ca khúc, nhạc sĩ “ta” đi tìm em, từ tìm em cho đến vui sống với em, quá trình tìm kiếm em - trâu từ bên ngoài tâm thức của “ta”. Kết quả thấy em, chung sống dưới mái nhà “có con chim hót tên là ái ân” đã đánh lừa người nghe, tưởng rằng tác giả kể về một quá trình trần tục, tìm một cô gái cụ thể nào đó, kết thức là ái ân đời thường. Thực ra đó là ái - tình yêu, và ân - ơn nghĩa trong tư duy Phật giáo. Cho nên không ít bài phân tích rằng tác giả đi tìm hình dáng cô gái “mình hạc sương mai”, rồi nụ cười, rồi bờ môi, rồi tâm hồn thế nào… Tất cả những chi tiết đời thực ấy che khuất những chi tiết siêu thực tưởng như ít ỏi, chấm phá là tìm chim trong đàn mà “ngậm hạt sương bay”, hay là tìm “dấu hài” trên sông, và cuối cùng tác giả nói thẳng “tìm trong vô thường” vẫn ít ai để ý “em” ấy là em nào.

Tiếp những đoạn sau của bài hát: Đoạn 6/ Đồng cảm với em. Từ “Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở”… đến “Em buồn đền trọn mối tình”. Nếu như đoạn 5 là chung sống với em, một biểu hiện ngoại cảnh, thì đoạn 6 là đồng cảm nội tâm. “Ta” và “em” bắt đầu hướng nội. Em được ví như sen hồng, một biểu tượng của Phật giáo. Thông điệp đã rõ dần.

Đoạn 7/ Em đã đi xa (còn ta). Từ “Một chiều em đến cuối sông” đến “Cũng đành về với quê nhà”. Đoạn này kể sự kiện em đã đi xa, “thời yêu dấu đã qua”, có “trối trăng”, mặc dù em “muốn quay về” thì em vẫn đã đi xa “đành về với quê nhà”. Thông điệp Thiền học là quên tâm còn ta. Thiền sinh đã đạt đến kiến tính nắm bắt tâm Phật, nhưng vẫn còn chấp ngã, còn vướng bận đến tâm thì vẫn còn bụi trần, còn Khổ.

Đoạn 8/ Không còn em, ta cũng quên ta. Từ “Từ đó trong vườn khuya” đến “Vừa đến nơi chia lìa”. Đoạn này cho biết chỉ dấu “ta ngồi mê”. Ta đã nhập hồn “đến nơi chia lìa”. Đây là cảnh giới cao nhất, sâu nhất của người nghệ sĩ xưng “ta” đang kể câu chuyện từ lúc “tìm em” đến lúc không còn em, và ta cũng đã quên ta, thiền sinh đã thấu hiểu vô tâm, đến đạt đến giải thoát viên mãn. Em chỉ là “một chút mây phù du đã thoáng qua đời ta”. “Ta” lúc này đạt đến vô tâm, vô ngã, một biểu hiện của chân lý Giác ngộ của một người tu Thiền.

Đoạn 9/ Trở về nguồn cội, biến thành đóa hoa vô thường. Đây là âm hưởng kéo dài của đoạn 8/ tương ứng với bức họa số 9 trong “Mười bức tranh trâu”. Khi đã đạt đến cảnh giới Giác ngộ vô tâm của người tu Thiền, thì đến giai đoạn siêu thực trở về với nguồn cội thiên nhiên. Nhạc sĩ diễn tả tâm trạng siêu thực của “ta” trong không thời gian vô thường, cảnh giới vô thường (“chút vô thường”, “gió vô thường”). Đến đây, cái bí ẩn từ đầu đã lộ ra, đó là “hoa là em”, còn “em là sương”, và “ta là đêm, nở đóa hoa vô thường”. Đóa hoa vô thường đó chính là bến Tâm giác ngộ đã về nguồn cội, cái đích của người đi trên con đường của Thiền tông.

Ở đây, có một câu hỏi, tại sao Trịnh Công Sơn chỉ kể hành trình tương ứng đến bức tranh số 9. Vậy còn sự nhập thế hoàn toàn, đích đến của bức tranh số 10 thì sao? Đó là một dụng ý của tác giả, “ta” trong bài hát đang kể quá trình biến thành “đóa hoa vô thường”, và chính sự việc kể lại chuyện này, chính là quá trình cuối cùng “thõng tay vào chợ”, là quá trình nhập thế của “ta” - tác giả - thiền sư ẩn danh.

Như vậy, có thể coi bài hát “Đóa hoa vô thường” là nhạc phẩm Thiền tông, minh họa quá trình thiền sinh tu tập, đi đến bến bờ Chân lý giác ngộ, đi từ ngoại cảnh đến Tâm Thiền. Quá trình đó kể câu chuyện gần gũi với đời sống của nghệ sĩ, như thể tìm người yêu trong mộng của mình. Chu trình tìm thấy người yêu - em, rồi rời xa nhau, đến khi chính nghệ sĩ cũng quên mình đạt đến nhận thức trở về nguồn cội. Đó là hoạt động sống thực tế, cũng là hoạt động tâm linh, quá trình nhận thức chân lý của người nắm được nguyên lý Thiền. Tác giả đã làm một bài Thiền luận bằng ca khúc mà âm nhạc của bài hát là giai âm thánh thiện, say mê…

Hà Nội, 2018

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm