| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp bình ổn cam kết giữ giá, kích cầu tiêu dùng

Thứ Ba 04/04/2023 , 08:08 (GMT+7)

TP. HCM Hàng ngàn doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường năm 2023 cam kết giữ không tăng giá, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng.

Các hệ thống siêu thị hiện đại trên địa bàn TP. HCM tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ giá như năm 2022, tuy nhiên sẽ có thay đổi nếu tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các hệ thống siêu thị hiện đại trên địa bàn TP. HCM tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ giá như năm 2022, tuy nhiên sẽ có thay đổi nếu tình hình giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục tăng cao. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không tăng giá

Đây là thông tin được chia sẻ tại buổi họp báo về hoạt động của ngành công thương Quý I/2023 và các kế hoạch hoạt động trong thời gian tới của Sở Công thương TP. HCM chiều 3/4.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP. HCM Bùi Tá Hoàng Vũ, chương trình bình ổn thị trường năm 2023 có nhiều điểm mới, quy chế mới, quy định mới. Sau 20 năm thực hiện chương trình bình ổn thị trường, đến nay TP. HCM đã có bước chuyển trong việc xác lập nguyên tắc tổ chức để các bên tham gia rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình, để làm sao trong điều kiện khó khăn, hàng hóa vẫn cung cấp cho người dân một cách ổn định, các doanh nghiệp tham gia thị trường có những đơn hàng lớn để tham gia hoạt động, vừa có tính thương mại, vừa có tính kinh doanh nhưng đầy trách nhiệm cộng đồng xã hội.

Cũng theo ông Vũ, dù còn gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng, nhưng hàng ngàn doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường 2023 đều cam kết không tăng giá để hỗ trợ người tiêu dùng kích cầu tiêu dùng. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thùy, Phó phòng quản lý giá, Sở Tài chính TP. HCM cho biết, trong năm 2022, tình hình Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với tình hình chính trị thế giới không ổn định đã ảnh hưởng lớn đối với giá nguyên liệu đầu vào ngành chăn nuôi. Do đó, các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm đề nghị điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thịt gia cầm.

Tuy nhiên, sau khi làm việc với tổ công tác, các doanh nghiệp đã thống nhất giữ ở mức giá ổn định của năm 2022 và không điều chỉnh tăng, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường, cũng như giá nguyên liệu đầu vào, nếu trường hợp biến động vượt quá ngưỡng của các đơn vị thì họ sẽ đề nghị tiếp tục tăng.

"Theo nguyên tắc của chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đã đủ các điều kiện để tăng giá, tuy nhiên các đơn vị ủng hộ và chia sẻ với những khó khăn của Thành phố cũng như khó khăn của người tiêu dùng", bà Ngọc Thùy thông tin.

Giỏ hàng của người tiêu dùng giảm 10%

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, sức mua quý 1/2023 tại hệ thống tăng 10%, tuy nhiên chưa bền vững. Hiện Central Retail cố gắng giữ giá một số mặt hàng, chủ động có thêm nhiều các hoạt động khác nhằm kích cầu tiêu dùng. "Người tiêu dùng chủ yếu mua các mặt hàng lương thực thực phẩm, còn các mặt hàng khác gần như cắt giảm chi tiêu nhiều". Đầu tháng 4, chúng tôi có chương trình "Tuần hàng đặc sản" chạy trên 38 cửa hàng cho 20 mặt hàng thủy sản với hy vọng kích cầu thêm tiêu dùng", bà Hiền cho hay.

Đánh giá về sức mua hiện tại, ông Nguyễn Đức Toàn, giám đốc thu mua Công ty MM Mega Market Việt Nam (MM Mega Market) cho biết, giỏ hàng của người tiêu dùng đang bị hụt khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Để kích cầu tiêu dùng, MM Mega Market đã đưa ra hai chương trình trọng điểm bắt đầu từ 31/3 là "giá sỉ" - đây là 40 sản phẩm thuộc mặt hàng tươi sống như các loại thịt heo, thịt gà, thịt bò, hải sản và đa dạng rau củ, trái cây,... với mức giá ưu đãi tốt như chợ đầu mối, nhờ vào việc thu mua trực tiếp từ vùng trồng trọt và chăn nuôi, theo mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.

Chương trình thứ hai là "khoá giá" với sự đồng hành của 37 doanh nghiệp cam kết không tăng giá trong thời gian tới, ít nhất là quý 2/2023. Trong đó, gồm 500 sản phẩm thiết yếu từ bánh tươi, thực phẩm chế biến, nước giải khát, vật dụng gia đình, bánh – kẹo – ngũ cốc, thực phẩm và nhu yếu phẩm.

Bà Đỗ Thị Dậu, Trưởng ban quản lý bán lẻ hệ thống Satra cho biết, Satra tham gia nhiều chương trình kích cầu chủ yếu liên quan đến mặt hàng thịt tươi sống như thịt heo, thịt gà; trứng giá cầm có mức giảm từ giá bình ổn xuống 20-25%, còn mặt khác không thuộc chương trình bình ổn thị trường có mức giảm trên 40%, kéo dài xuyên suốt từ tháng 4, 5, 6 và mỗi tháng thay đổi một mặt hàng cụ thể. Satra sẽ chia sẻ với các doanh nghiệp và hạ giá ở mức "lợi nhuận 0 đồng" để cùng chia sẻ với người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất.

Vissan áp dụng chương trình giảm giá 20% cho mặt hàng nạc đùi vai heo, cốt lết heo, chân, bắp giò heo trong 3 tháng (4-5-6/2023). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Vissan áp dụng chương trình giảm giá 20% cho mặt hàng nạc đùi vai heo, cốt lết heo, chân, bắp giò heo trong 3 tháng (4-5-6/2023). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để hàng bình ổn thị trường đến tay người tiêu dùng, Satra thực hiện nhiều chuyến bán hàng lưu động để người tiêu dùng tiếp cận nhanh nhất. "Hiện Satra triển khai hợp tác với hơn 30 nhà cung cấp để tiêu thụ các mặt hàng OCOP, đồng thời bố trí riêng khu vực bán sản phẩm OCOP, để giúp các nhà sản xuất tiếp cận được với người tiêu dùng", bà Dậu cho hay.

Tương tự, Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, GO! & Big C cũng có nhiều chương trình khuyến mãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm chủ lực của TP. HCM như Vissan, San Hà, Ba Huân... cũng công bố giảm giá 20%-30% nhiều mặt hàng tiêu dùng phổ biến.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.