Kế hoạch tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận trong năm nay được nhiều doanh nghiệp cá tra thông báo tại đại hội cổ đông.
Trong đó, tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI), công ty này kỳ vọng doanh thu trong năm nay cán mốc 8.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, tăng 45% về doanh thu và lợi nhuận vượt gấp 6,3 lần so với năm 2021. Cụ thể, dự kiến doanh thu từ cá tra phile đạt gần 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận 666 tỷ đồng... Nếu đạt được mục tiêu lợi nhuận này, IDI sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử công ty.
IDI đề ra mục tiêu đầy tham vọng nói trên chủ yếu nhờ vào những tín hiệu đầy lạc quan từ thị trường cá tra. Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT IDI cho biết, doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng xuất khẩu cho đến hết năm 2022.
Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, nhà xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, cũng đã đưa ra mục tiêu đạt doanh thu 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng 43,6% về doanh thu và 36,5% về lợi nhuận so với 2021. Ngay trong quý 1 vừa rồi, doanh thu của Vĩnh Hoàn đã tăng tới 80% và đạt 3.225 tỷ đồng, lợi nhuận cao gấp 4 lần cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long, trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, đã trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu đạt doanh thu 1.450 tỷ đồng, tăng 20% và lãi trước thuế đạt 200 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm trước.
Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) cũng vừa công bố báo cáo thường niên năm 2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, trong năm nay, Navico đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng, tăng 40% và 720 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 4,8 lần năm 2021. Về xuất khẩu cá tra, ngoài các thị trường hiện có của công ty, bắt đầu từ tháng 8/2022, Nam Việt sẽ xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra đi thị trường Mỹ.
Theo nhận định chung của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, nhu cầu tiêu thụ cá tra đang hồi phục ở các thị trường chính như Mỹ, Trung Quốc, EU và tăng trưởng tích cực ở các thị trường đầy tiềm năng tại Mỹ Latin, châu Á … Đó là lý do để nhiều doanh nghiệp cá tra mạnh dạn tăng mạnh chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng với các thị trường chủ yếu gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU. Trong đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu thị trường ở mức cao.
Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU cũng có tín hiệu khả quan khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, sau khi gặp khó khăn trong thời gian trước đó và kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ được duy trì trong thời gian tới.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thuỷ sản Việt Nam (Nafiqad) hiện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) công nhận thêm 6 doanh nghiệp cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này.
Nafiqad cũng đang làm thủ tục đăng ký với FSIS để được phép xuất khẩu cá tra ở dạng chế biến, sản phẩm giá trị gia tăng vào Mỹ, bởi sản phẩm cá tra sang thị trường Mỹ hiện nay chủ yếu là dạng sơ chế. Các đề nghị trên nếu đạt kết quả, sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho ngành cá tra xuất khẩu sang Mỹ trong thời gian tới.