| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp cày nát mặt sông, dân kêu trời vì lo sạt lở

Thứ Năm 10/06/2021 , 09:07 (GMT+7)

Người dân sinh sống gần cầu Bảo Nhai bắc qua sông Chảy, tỉnh Lào Cai phản đối doanh nghiệp khai thác cát sỏi khiến cho khu vực này bị sạt sụt, đe doạ an toàn.

Dòng chảy bị nắn sang một bên tại khu vực doanh nghiệp đang tận thu, khai thác cát sỏi. Ảnh cắt từ clip.

Dòng chảy bị nắn sang một bên tại khu vực doanh nghiệp đang tận thu, khai thác cát sỏi. Ảnh cắt từ clip.

Dân phản đối doanh nghiệp khai thác tận thu cát sỏi

Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 299 được tỉnh Lào Cai cho phép cấp phép tận thu cát sỏi từ giữa năm 2019 đến hết ngày 31/12/2021.

Các điểm khai thác thu hồi cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường này đều nằm trong phần ranh giới dâng nước tạo thành lòng hồ của công trình thuỷ điện Bảo Nhai 1 và Bảo Nhai 2 thuộc các xã Bảo Nhai, Cốc Ly, Cốc Lầu, Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai).

Để khai thác tận thu cát sỏi, Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại 299 ký hợp đồng kinh tế với Doanh nghiệp tư nhân cát công nghiệp và Doanh nghiệp tư nhân Thuận Ngân để thực hiện việc khoán khai thác, vận chuyển.

Tuy nhiên, trong quá trình khai thác người dân thôn Bảo Tân 2, xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho rằng, doanh nghiệp nhiều lần khai thác vượt các mốc giới cho phép, gây sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của gần 20 hộ dân dọc bờ sông Chảy, đoạn gần cầu Bảo Nhai.

Tại khu vực cầu Bảo Nhai, theo người dân phản ánh, cũng như quan sát của phóng viên cho thấy do việc bồi đắp ở bờ bên đơn vị khai thác cát sỏi khiến dòng chảy bị nắn, chảy siết vào bờ phía bên các hộ dân sinh sống.

Lòng sông bị băm vằm, nham nhở, chỗ sâu hoắm, chỗ bị đắp bồi mà theo một số người dân sinh sống tại đây họ không còn nhận ra nổi "dòng sông tuổi thơ", nhưng cũng đành bất lực vì doanh nghiệp có đủ giấy phép.

Ông Nguyễn Văn Lưu - thôn Bảo Tân 2, xã Bảo Nhai cho biết, người ta được cấp phép nhưng sau khi bắt đầu làm gần 20 chục hộ dân bờ sông thấy rất nguy hiểm. Gần nhà chúng tôi, có căn nhà 2 tầng, 3 gian bị nghiêng hẳn ra đường, xã phải cưỡng chế dỡ bỏ. Toàn bộ khu vực các hộ dân sinh sống tại đây bị sạt lở hết.

Chúng tôi làm đơn từ xã đến huyện, sau đó lên tỉnh rồi cả Sở Tài nguyên và Môi trường xuống thực tế nhưng đâu lại vào đấy, dân chúng tôi không nhận được câu trả lời thoả đáng. Trong khi đó, doanh nghiệp cam kết từ gốc cây gạo bên sông tới gốc cây gạo hang hùm là không được khai thác nữa, nhưng sau đó họ cứ móc gần nhà dân. Chúng tôi xua đuổi thì họ kéo máy đi chỗ khác nhưng làm sao canh được suốt ngày đêm như thế.

Sự việc có thời điểm nóng tới mức người dân và doanh nghiệp xảy ra xung đột, chính quyền xã phải đứng ra can thiệp ngay tại khu vực khai thác. Người dân cũng ghi hình sự việc và đăng tải lên mạng xã hội.

Một nhà dân bị nứt toác do sạt lở. Ảnh cắt từ clip.

Một nhà dân bị nứt toác do sạt lở. Ảnh cắt từ clip.

Mòn mỏi xác định nguyên nhân

Ghi nhận tại thôn Bảo Tân 2, một số nhà dân bị nứt nẻ, rõ nhất là những hộ dân có sân bê tông. Các vết nứt chạy dọc, ngang dài đến vài mét.

Bà Lý Thị Vinh - thôn Bảo Tân 2, chỉ tay vào các vết nứt chạy từ phía nhà tắm bẻ gãy hàng gạch, mặt bê tông phía sau và cho rằng có tiền cũng không dám xây nhà vì nhà là tài sản lớn.

"Xây dựng xong liệu có đảm bảo an toàn để ở hay phải di dời đi nơi khác thì lấy tiền đâu sinh sống", bà Vinh nói.

Phía sau nhà ông Trần Mạnh Linh - cùng thôn Bảo Tân 2 cũng xuất hiện các vết nứt trên đất, trên tường, hết sức nguy hiểm. Cũng theo người đàn ông này thì công trình phụ, chuồng lợn của gia đình đã bị trôi xuống sông.

Một số gia đình thì chủ động hơn, tự bỏ tiền túi ra kè lại phía sau nhà do đất bị trôi trượt ra phía ngoài sông. Và cũng như những hộ dân khác, căn nhà của gia đình ông Phạm Văn Mai cũng không thoát nổi các vết nứt.

"Tài nguyên môi trường là của công nhưng cũng phải vì nhân dân một tí. Các anh nhìn đây sạt hết cả rồi. Các doanh nghiệp múc hết nền đá đi, nay mai nhà chúng tôi gần 20 hộ dân ở đây tụt xuống sông thì ai chia sẻ cho chúng tôi", ông Lưu nói.

Sân sau một hộ gia đình bị bẻ gãy do sạt lở đất. Ảnh cắt từ clip.

Sân sau một hộ gia đình bị bẻ gãy do sạt lở đất. Ảnh cắt từ clip.

Không chỉ những nhà dân sinh sống gần cầu Bảo Nhai bị nứt, đất bị sạt mà ngay tỉnh lộ 153 đoạn chạy qua trước cửa những hộ dân này cũng bị biến dạng, có hiện tượng trôi dần ra phía bờ sông. Ngoài căn nhà 2 tầng nêu trên đã bị phá rỡ, một căn nhà khác ở bên kia đường nơi các hộ dân sinh sống cũng bị nứt toác, sàn nhà, tường bị tác động đẩy trôi và bẻ gãy. Gia đình này cũng đã phải di dời đi nơi khác, không dám sinh sống tại đây.

Trước thực trạng nêu trên, UBND xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) cũng chỉ có cách tiếp nhận ý kiến các hộ dân, rồi mời các cơ quan chức năng xuống kiểm tra. Tuy nhiên, việc xác định khu vực có nguy cơ sạt lở do địa chất yếu hay do doanh nghiệp khai thác cát sỏi thì tới nay không có câu trả lời rõ ràng.

Ông Vũ Văn Nguyên - Trưởng thôn Bảo Tân 2 ý kiến, “chúng tôi đề nghị đối với nhà nước và các cấp, cơ quan chức năng xem xét có những giải pháp để tạo điều kiện hỗ trợ, di chuyển các hộ này ra khỏi khu vực nguy cơ sạt lở ở đây, đảm bảo cuộc sống gia đình, yên tâm sản xuất”.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất