Làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu ngày 16/2 tại Hải Dương, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam chia sẻ, trước Tết có thời điểm giá lợn hơi tăng lên trên 90.000 đồng/kg, tuy nhiên, nhằm chia sẻ với người chăn nuôi, người tiêu dùng cả nước C.P giữ giá lợn không vượt quá 85.000 đồng/kg.
Đặc biệt, sau khi có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là Bộ NN-PTNT, C.P đã giảm giá lợn liên tục trong vòng 1 tháng, từ 85.000 đồng/kg xuống 78.000 đồng/kg. Mới đây nhất, ngày 16/2, C.P giảm tiếp 3.000 đồng/kg xuống còn 75.000 đồng/kg (lợn lai 3 máu) và 72.000 đồng/kg (lợn đực lai hai máu).
Ông Vũ Anh Tuấn chia sẻ, việc C.P quyết định giảm giá lợn không phải do sợ thanh tra hay kiểm tra gì cả bởi mọi hoạt động của C.P Việt Nam đều công khai, minh bạch. Bản thân C.P Việt Nam cũng không mong muốn giá lợn hơi trong nước quá cao bởi sẽ tạo ra sự bất ổn.
Ngay khi có sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, ban lãnh đạo C.P nhận thấy việc giảm giá lợn là hoàn toàn đúng đắn, giúp bình ổn giá lợn trong nước, góp phần tạo ra thị trường chăn nuôi ổn định, phát triển bền vững.
Ông Vũ Anh Tuấn cho biết, đến thời điểm hiện tại C.P Việt Nam đã cơ bản phục hồi được đàn lợn nái so với lúc trước dịch tả lợn Châu Phi, thậm chí còn tăng khoảng 5% so với năm 2019, vào khoảng 331.000 nái. Bình quân mỗi ngày C.P cung cấp ra thị trường khoảng 17.000 con lợn thịt.
Còn theo ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam, không chỉ Chính phủ, Bộ NN-PTNT mà ngay tỉnh Bắc Ninh cũng thường xuyên làm việc với Tập đoàn Dabaco về việc bình ổn giá lợn. Do đó, mặc dù giá trên thị trường vẫn trên 80.000 đồng/kg, nhưng hiện nay Dabaco đang bán lợn giá thấp nhấp 73.000 đồng/kg, bình quân khoảng 74.000 - 75.000 đồng/kg.
Cũng giống như C.P Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết, sau khi bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch tả lợn Châu Phi khoảng 20%, đến thời điểm hiện tại Dabaco đã cơ bản khôi phục lại được đàn nái khoảng 60.000 con so với trước lúc bị dịch và dự kiến tăng khoảng 10% cuối năm 2020. Hiện, bình quân mỗi ngày Dabaco cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 - 1.700 lợn thịt.
Cũng theo ông Nguyễn Như So, hiện nay cơ bản Dabaco giữ được tổng đàn nái, song giá thành chăn nuôi đang cao hơn trước đây rất nhiều, chắc chắn không còn mức 37.000 - 40.000 đồng/kg so với trước kia.
Cụ thể, chi phí để nuôi được một con lợn thịt trên 1 tạ xuất chuồng hiện nay (giống Dabaco tự sản xuất) là 1,2 triệu đồng/con. Trong đó, tiền cám hết 2,7 triệu đồng/con; tiền thuốc thú y, sát trùng hết khoảng 2.000 đồng/con; tiền thuê nuôi gia công hết khoảng 7.000 đồng/kg cộng với hao hụt đầu lợn khoảng 5%. Như vậy có thể thấy, giá thành chăn nuôi lợn hiện tại xấp xỉ 50.000 đồng/kg.
Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, song Chủ tịch Tâp đoàn Dabaco Nguyễn Như So cho biết doanh nghiệp sẽ tiếp tục ủng hộ, đồng hành với Bộ NN-PTNT, với Chính phủ trong việc bình ổn giá lợn để cùng hướng tới ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.
Làm việc với C.P Việt Nam và Dabaco, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương và khen ngợi sự chia sẻ kịp thời đúng lúc, đúng thời điểm của hai doanh nghiệp chăn nuôi lớn đầu tàu của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc các doanh nghiệp đồng lòng hưởng ứng giảm giá lợn không phải là nhiệm vụ chính trị mà chính là vì tương lai của ngành chăn nuôi, của chính các doanh nghiệp chăn nuôi lợn. Bởi việc giá lợn hơi quá cao không chỉ ảnh hưởng xấu tới chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số lạm phát mà còn hệ lụy tới nhiều lĩnh vực khác.
Nguy cơ lớn nhất chính là việc thẩm lậu lợn sống qua biên giới kéo theo nhiều dịch bệnh nguy hiểm mới, tạo cơ hội cho thịt ngoại tràn vào Việt Nam phá vỡ cấu trúc ngành chăn nuôi mà Bộ và các doanh nghiệp dày công gây dựng bấy lâu nay.
Đặc biệt là giá lợn quá cao có thể khiến người chăn nuôi tái đàn ồ ạt, mất kiểm soát dẫn tới mất cân đối cung cầu và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn Châu phi vẫn còn xảy ra lác đác tại một số tỉnh, thành.
Do đó, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT đề nghị C.P với vai trò doanh nghiệp FDI và Dabaco doanh nghiệp nội hàng đầu trong chăn nuôi tại Việt Nam hiện nay tiếp tục gương mẫu, đồng hành chia sẻ với Chính phủ, Bộ NN-PTNT, với bà con nông dân và người tiêu dùng giữ được sự ổn định, hợp lý cho ngành chăn nuôi lợn. Có như vậy mới đưa chăn nuôi lợn ngày càng đi vào chất lượng và chiều sâu để tương lai chăn nuôi phải trở thành ngành xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam..