Anh Nguyễn Văn Toàn, thương lái tại Chợ đầu mối Gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, trước Tết giá gà lông màu tăng mạnh lên 65.000 - 70.000 đồng/kg nhưng hai tuần nay giảm chỉ còn 48.000 - 52.000 đồng/kg.
Nhưng theo anh Toàn, giảm mạnh nhất là giá vịt thịt và gà lông trắng, trong đó vịt thịt hiện đang bán 17.000 - 20.000 đồng/kg, giảm tới 50% so với trước Tết còn giá gà lông trắng đang bán tại chuồng giá 14.000 - 17.000 đồng/kg. Với giá thành chăn nuôi 24.000 - 26.000 đồng/kg đối với gà lông trắng và 30.000 - 32.000 đồng/kg đối với vịt thịt thì hiện nay người chăn nuôi đang lỗ nặng.
Không những giảm về giá mà theo anh Nguyễn Văn Toàn, sản lượng tiêu thụ gia cầm cũng giảm ít nhất một nửa. Nếu như trước đây mỗi ngày anh Toàn bán buôn tại chợ Hà Vỹ trung bình 1 - 1,2 tấn gà, nay cố gắng lắm chỉ được 600kg/ngày nên gần như không đủ chi phí thuê kiosk, xăng dầu đi lại.
Anh Trần Văn Hưng ở xã Tây Thiên, huyện Tam Đảo tâm sự, do tỉnh Vĩnh Phúc có người bị dương tính với nCoV nên nhiều thương lái gần đây sợ không dám tới Vĩnh Phúc thu mua.
Dù giá gà thịt đã xuống rất sâu, dưới cả giá thành, hiện chỉ còn 50.000 đồng/kg đối với gà lông màu lai và 80.000 đồng đối với gà lông màu thuần nhưng theo anh Trần Văn Hưng sức tiêu thụ vẫn rất chậm, hệ thống trang trại trong chuỗi của anh Hưng tại Vĩnh Phúc hiện mỗi ngày chỉ bán được chừng 600kg, trong khi trước Tết mỗi ngày bán được tới 2 tấn.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống gia cầm cho biết kế hoạch sản, xuất kinh doanh của họ bị xáo trộn, thay đổi rất lớn do tác động của Nghị định 100 và ảnh hưởng của nCoV.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp giống gia cầm đã tăng sản lượng đàn giống bố mẹ để đón đầu thời điểm giá gia cầm trong nước tăng mạnh do nguồn cung thịt lợn thiếu hụt lớn.
Và quả thực, trước tết khoảng 1 tháng, giá gia cầm hồi phục và tăng mạnh được một thời gian nhưng ngay lập tức “trở về mặt đất” sau tết do sức tiêu thụ giảm đột ngột. Nguyên nhân do hàng quán, lễ hội (một trong những nguồn cầu tiêu thụ rất lớn lượng gia cầm sau Tết) gần như tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng của nCoV.
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia trong ngành chăn nuôi, việc giá gia cầm giảm mạnh trong khoảng hai tuần trở lại đây chủ yếu dó ảnh hưởng của yếu tố tâm lý và sự thay đổi đột ngột của các yếu tố khách quan chứ không phải do mất cân đối cung cầu, vì vậy một khi tâm lý người dân ổn định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường chắc chắn giá gia cầm sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại.