| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp "điên đầu" vì thủ tục!

Thứ Ba 04/06/2013 , 09:42 (GMT+7)

“Thủ phủ heo” Đồng Nai đi đầu về việc quy hoạch tới 139 vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung với dự tính xóa sổ chăn nuôi phân tán. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua kể từ khi có quyết định (năm 2008), đến nay hầu hết các khu quy hoạch đều không điện, không đường, không nước.

“Thủ phủ heo” Đồng Nai đi đầu về việc quy hoạch tới 139 vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung với dự tính xóa sổ chăn nuôi phân tán. Tuy nhiên, 5 năm trôi qua kể từ khi có quyết định (năm 2008), đến nay hầu hết các khu quy hoạch đều không điện, không đường, không nước. Đặc biệt, các thủ tục nhiêu khê theo tính chất “hành là chính” đang khiến các DN ngán ngẩm không muốn đầu tư…

MẤT ĂN, MẤT NGỦ VÌ LỠ MUA ĐẤT!

Ngay từ năm 2009, huyện Xuân Lộc đã được ông Ao Văn Thinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký quyết định phê duyệt vùng phát triển chăn nuôi, giết mổ tập trung hết sức bài bản. Chỉ riêng trong giai đoạn 1 (2009 - 2015) toàn huyện Xuân Lộc sẽ có tới 3.982 ha đất của 14 xã được quy hoạch làm khu chăn nuôi, trong đó sẽ xây dựng đường, điện, nước đầy đủ để phục vụ các DN, cá nhân đầu tư tại đây. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua và chỉ còn 2 năm nữa sẽ hết giai đoạn 1, hầu hết các chỉ tiêu đặt ra đều không thực hiện được. Ngoài lý do cơ bản là thiếu vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, một nguyên nhân “cốt tử” khác là các DN tỏ ra vô cùng ngán ngẩm với đủ loại thủ tục mang tính chất “hành là chính” khi muốn lập trại chăn nuôi tại đây.


Hầu hết, khu chăn nuôi tập trung tại Đồng Nai vẫn chưa đầu tư đường, điện, nước 
như lời “hứa”

Ông Lê Văn Mẽ - Giám đốc Cty CP chăn nuôi Phú Sơn (ấp Phú Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) suốt 4 năm qua phải chạy vạy khắp nơi chỉ để lo mỗi mảnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 30 ha mua tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc để di dời trại tới đây. Tuy nhiên, đến đầu tháng 6/2013, mọi loại giấy tờ liên quan đến xây dựng trang trại mới tại khu khuyến khích chăn nuôi tập trung này đều bị ách tắc. Ông Mẽ nói: “Thấy xã Xuân Phú được tỉnh phê duyệt 409 ha để làm khu chăn nuôi, Phú Sơn đã quyết định mua đất để di dời trang trại. Nhưng nghịch lý đã xảy ra, dù có phê duyệt hẳn hoi, nhưng khi chúng tôi mua đất rồi làm thủ tục sang tên thì người ta lại viện dẫn quyết định của Thủ tướng về giữ đất lúa, nếu dính 1 ha đang trồng lúa (dù là lúa đất đồi, năng suất thấp) là không sao chuyển đổi được. Lúc mua có đến 7 cơ quan, đơn vị của huyện Xuân Lộc đến tận nơi thẩm định, đều thấy hợp pháp vì nằm đúng trong khu quy hoạch. Vậy mà mua 30 ha mấy năm rồi mà đất cứ để không, chẳng thể sang tên hay xây dựng được gì!”.

Từ cái vướng này đến cái vướng khác, mấy năm nay công ty CP chăn nuôi Phú Sơn như ngồi trên đống lửa vì liên tục bị thúc giục phải sớm di dời. Trước tình thế này, ông Mẽ nghĩ “mình đã lỡ nấu cơm, tiện thể nấu canh luôn”, nên lập trước thiết kế và dự toán để chuẩn bị khâu đấu thầu. Nhưng đến khi làm giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng trại heo thì người ta lại tiếp tục kêu vướng đủ thứ. “Bức xúc quá, khi họp trên tỉnh tôi đã nói với ông Phúc (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) rằng: Nơi đến của chúng tôi suốt 4 năm qua chưa xong 1 mảnh giấy, vậy mà cứ buộc trại cũ của Phú Sơn phải di dời trong 2 năm thì đi đâu đây?! Đó là chưa nói, khi đầu tư trại chăn nuôi mới ngay giữa khu quy hoạch tập trung, nhưng điện và đường gần như chúng tôi bị yêu cầu phải bỏ tiền ra mà làm…” - ông Mẽ bức xúc nói.

NGƯỜI CHĂN NUÔI TỰ XOAY XỞ

Tình trạng khu chăn nuôi tập trung dù được phê duyệt bài bản nhiều năm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “3 không” - không đường, không điện, không nước cũng diễn ra tại huyện Thống Nhất (Đồng Nai) - một trong huyện có đàn heo và gà lớn nhất nước.

Anh Nguyễn Thanh Sơn, chủ trang trại gà tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất dẫn chúng tôi “mục sở thị” 2 khu quy hoạch chăn nuôi tập trung tại xã này vẫn trong tình trạng ngổn ngang. Bản thân anh Sơn đang sở hữu một trại nuôi gà 40.000 con nằm trong khu quy hoạch, nhưng không phải là đầu tư mới mà có trước khi tỉnh phê duyệt. Những tưởng có chính sách mới, khu chăn nuôi tập trung sẽ sớm thay đổi diện mạo, nhưng đến giờ đường vẫn sình lầy đất đỏ, nước phải tự khoan giếng, còn điện phải tự kéo về. Đặc biệt, do 100% đất trong các khu quy hoạch đều của dân, vì thế nhà cửa xây dựng lẫn lộn trong khu quy hoạch dẫn đến khiếu nại triền miên. Anh Sơn và nhiều trang trại khác nhiều năm qua phải đau đầu giải quyết và luôn ở trạng thái “thót tim” vì có thể bị di dời bất cứ lúc nào!

Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 cho biết: Xã được phê duyệt hình thành 2 khu chăn nuôi tập trung từ 2 năm trước, trong đó khu Tây Bạch Lâm rộng 108 ha và khu Đông Đức Long rộng 100 ha. Hiện có khoảng 50 trại chăn nuôi tại đây, nhưng hầu hết được hình thành từ những năm trước đó. Về hiện trạng chưa có đường và điện, ông Bình khẳng định: Cả hai khu đã được duyệt đầu tư làm gần 3 km đường bê tông (chiều rộng 4 m) và 4,5 km đường điện trung thế để phục vụ chăn nuôi. Tuy nhiên, do phải chờ trình tự thủ tục khá phức tạp và mất thời gian nên đến giờ vẫn chưa triển khai làm được.

Theo ông Phan Minh Báu - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, chăn nuôi nhỏ lẻ của tỉnh còn chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 44% đối với heo và 15% đối với gia cầm), đây là vấn đề khó khăn cho công tác quản lý về dịch bệnh, giết mổ, vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường. Để quản lý tốt hơn và dần đưa vào quy hoạch bài bản, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành 9 quyết định phê duyệt báo cáo quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn 8 huyện và thị xã (trừ TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch) gồm có 139 vùng, với tổng diện tích 15.674,7 ha. Đến nay đã có gần 400 trang trại hoạt động trong các vùng quy hoạch, tuy nhiên hầu hết chưa có hệ thống đường giao thông, lưới điện hoàn chỉnh. “Ở một số vùng, do nhu cầu sản xuất, người chăn nuôi tự bỏ kinh phí đầu tư làm đường, lưới điện, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất” - ông Báu than phiền.

Ông Lê Văn Mẽ cho biết, để đầu tư chuồng trại mới tại khu chăn nuôi tập trung cho 4.800 heo nái, dự kiến Cty Phú Sơn phải bỏ ra tới 240 tỷ đồng. “Kể cả ngân hàng có rót tiền cho vay, Phú Sơn cũng phải cân nhắc vì chăn nuôi giờ thua lỗ nhiều quá. Họ đang cho vay với lãi suất 11%, nhưng có xuống tới 6% chưa chắc chúng tôi dám vay đâu!”. Ngoài khó khăn về giá cả, có một nghịch lý khác khiến Phú Sơn lo lắng hơn là khi bỏ ra hàng trăm tỷ xây trại mới, nhưng do địa phương không quản lý nổi quy hoạch nên người dân thoải mái xây nhà xung quanh trại. Sau đó lại xảy ra tình trạng người dân kiện cáo, khiếu nại khắp nơi vì phải ngửi mùi trại heo. “Ai dám chắc “kịch bản” phá bỏ trang trại mới trị giá hàng trăm tỷ đồng không xảy ra? Nói là khu chăn nuôi tập trung mà không quản lý được quy hoạch, chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư lớn đâu!” - ông Mẽ quả quyết nói.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm