| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp đóng vai trò động lực trong canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính

Chủ Nhật 08/12/2019 , 16:52 (GMT+7)

Ngày 6/12 tại TP Cần Thơ, Dự án “Sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải khí nhà kính Agresults (AVERP)”, Cục Trồng trọt phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức hội thảo “Các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa gắn với tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam”. 

Tận dụng rơm làm phân bón hữu cơ, thức ăn gia súc là một trong các biện pháp giảm khí thải nhà kính - ảnh HP

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT), Ban quản lý dự án (BQLDA)  AVERP,  SNV , BQLDA tỉnh Thái Bình, Sở NN-PTNT các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang Hậu Giang, TP Cần Thơ cùng với các nhà khoa học các Viện nghiên cứu, trường đại học Cần Thơ, đại diện các Tổ chức quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và các DN…tham dự và thảo luận về tiềm năng và khả năng ứng dụng các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính ở Việt Nam và hướng tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform).

Tại hội thảo có đại diện 4 đơn vị: Công ty An Đình, Tập đoàn Giống Thái Bình, Công ty FARI, Công ty Bình Điền tham gia dự thi trình bày các đặc điểm chính của gói công nghệ SX lúa bền vững và phương pháp thu hút nông dân tham gia ứng dụng gói công nghệ của đơn vị mình. Đây là điểm mới của dự án là không có dự toán ban đầu mà là sự tham gia của các DN đóng vai trò động lực trong việc sử dụng cơ chế tài chính kéo để thúc đẩy vai trò kinh tế tư nhân trong việc đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ sản xuất lúa bền vững. Qua cuộc thi, Ban cố vấn dự án sẽ giám sát, đánh giá và trao giải thưởng.

Thảo luận về các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa - ảnh HP

Hội thảo còn có tham luận của đại diện Viện Lúa ĐBSCL trình bày tổng quát về các kết quả nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến gắn với giảm phát thải KNK tại ĐBSCL. Kinh nghiệm áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp từ kết quả thực hiện dự án VNSAT của Sở NN-PTNT Hậu Giang.

Từ tháng 8/2017 dự án đã triển khai thực hiện tại tỉnh Thái Bình, đã chọn 11 đơn vị tham gia mô hình trình diễn công nghệ tại 11 xã, thuộc 5 huyện và TP Thái Bình.

Theo Cục Trồng trọt, dự án AVERP có 2 giai đoạn, giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng. Trong đó giai đoạn thử nghiệm bắt đầu từ vụ mùa năm 2017 đến vụ xuân năm 2018, các đơn vị tham gia sẽ thử nghiệm các giải pháp công nghệ mà họ đề xuất trong 2 vụ này. Giai đoạn nhân rộng gồm 6 vụ liên tiếp từ vụ xuân năm 2019 đến vụ mùa năm 2021. Các DN tham gia dự thi muốn giành được giải thưởng, các công nghệ cần chứng minh hiệu quả về số lượng các nông hộ sử dụng công nghệ, tiềm năng sử dụng lặp lại công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính và tăng năng suất.

Dự án AVERP có tổng giá trị giải thưởng từ 2,9 - 3,3 triệu USD, dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển sinh kế cho khoảng 75.000 hộ nông dân, giảm phát thải khoảng 375.000 tấn CO2, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào cho các nông hộ. Hỗ trợ khoảng 200 DN tăng hiệu quả kinh doanh thông qua cung cấp dịch vụ, sản xuất và chế biến. Qua đó các phương pháp canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính được thực hiện và kiểm định quốc tế được đề xuất nhằm nhân rộng tại Việt Nam.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.