| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp khai thác cát tại Bắc Kạn 'nhờn luật' vi phạm kéo dài

Thứ Tư 28/02/2024 , 08:32 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp khai thác cát, sỏi tại huyện Na Rì (tỉnh Bắc Kạn) phớt lờ công tác bảo vệ môi trường, thuê, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích.

Vi phạm kéo dài

Sông Bắc Giang chảy qua địa phận các xã Lương Thượng, Văn Lang, Sơn Thành, Kim Lư và thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì) có chiều dài hơn 28km. Đây là con sông lớn chảy qua huyện Na Rì, cung cấp nước sản xuất cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp. Ngoài có ý nghĩa lớn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất, lòng sông Bắc Giang còn có nguồn khoáng sản (vàng sa khoáng) và cát, sỏi tương đối lớn.

Mỏ khai thác cát của Công ty Cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng An Bình trên sông Bắc Giang (huyện Na Rì). Ảnh: NT. 

Mỏ khai thác cát của Công ty Cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng An Bình trên sông Bắc Giang (huyện Na Rì). Ảnh: NT. 

Trên dòng sông này, từ năm 2019 tới nay, UBND tỉnh Bắc Kạn đã cấp phép khai thác 3 mỏ cát, sỏi. Cụ thể, Công ty Cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng An Bình được cấp mỏ Nà Khon-Nà Diệc (tại xã Sơn Thành và Văn Lang), Công ty Cổ phần Sao Mai Bắc Kạn được cấp mỏ Cốc Coóc-Bản Pò (tại thị trấn Yến Lạc), Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Hiền Dung được cấp mỏ Hợp Thành-Hát Lài (xã Sơn Thành).

Thời gian qua, việc khai thác cát, sỏi ở những mỏ này vướng nhiều vi phạm, khiến nhân dân bức xúc, nổi cộm là vấn đề bảo vệ môi trường khi các chủ mỏ phớt lờ quy định, dù đã bị xử lý nhiều lần.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bắc Kạn đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện Na Rì.

Qua kiểm tra phát hiện cả 3 công ty này có những vi phạm kéo dài ở lĩnh vực đất đai, khoáng sản, xây dựng và bảo vệ môi trường. Một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang được ngành chức năng xác minh.

Mỏ cát Nà Khon – Nà Diệc (thuộc địa phận 2 xã Sơn Thành và Văn Lang) được cấp phép tháng 12/2019. Trong quá trình khai thác, Công ty Cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng An Bình đã đã tự ý thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của một hộ dân để san gạt tạo mặt bằng. Công ty sử dụng đất vượt ranh giới được giao để xây dựng công trình phụ trợ trên diện tích 2.138m2.

Ngoài ra, Công ty này không thực hiện đúng thiết kế xây dựng đã được phê duyệt, hồ sơ hợp quy sản phẩm chưa thực hiện đầy đủ theo hướng dẫn. Công ty chưa lắp đặt trạm cân theo quy định, đặc biệt, dù chưa được UBND tỉnh Bắc Kạn cho phép nhưng công ty này đã ngang nhiên bán khoảng 1.000m3 đá cuội đã tuyển rửa.

Công ty này không báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, một số nội dung trong kế hoạch bảo vệ môi trường cũng bị 'phớt lờ'. Công ty không có kho chứa chất thải nguy hại theo quy định nên chất thải nguy hại vứt bừa bãi ngoài môi trường tự nhiên, các ao lắng bị bồi lấp không còn khả năng ngăn lắng như thiết kế đã được phê duyệt.

Khai thác cát, sỏi trên sông nhưng công ty không lập, nộp báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước định kỳ, không thực hiện quan trắc giám sát chất lượng nước…

Còn tại mỏ Hợp Thành-Hát Lài, Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Hiền Dung đã sử dụng hơn 1,6ha làm khu phụ trợ 2 khi chưa được nhà nước cho thuê đất. Quá trình san gạt, công ty đã thu gom, chế biến được khoảng 1.900m3 cát.

Tại khu vực văn phòng mỏ (nằm ngoài diện tích theo hồ sơ thiết kế), công ty thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để làm văn phòng khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, Công ty cũng không lắp trạm cân theo quy định, tự ý san gạt mặt bằng khu vực phụ trợ, tự ý xây dựng các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện không đúng giấy phép môi trường được cấp.

Vi phạm của các doanh nghiệp khai thác cát ở huyện Na Rì diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc. Ảnh: NT. 

Vi phạm của các doanh nghiệp khai thác cát ở huyện Na Rì diễn ra trong thời gian dài gây bức xúc. Ảnh: NT. 

Tại mỏ Cốc Coóc-Bản Pò cũng xảy ra một số vi phạm do sử dụng đất sai mục đích, bị xử phạt hành chính số tiền 50 triệu đồng với hành vi khai thác không đúng khung thời gian theo quy định đã ghi trong giấy phép, sử dụng giàn tuyển, tàu cuốc không đúng hệ thống khai thác đã được phê duyệt.

Dấu hiệu buông lỏng quản lý

Theo kết luận của cơ quan chức năng, 3 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi nói trên không chấp hành đúng, đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường.

“3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Na Rì cơ bản không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của tổ chức khai thác khoáng sản thông thường … dẫn đến xảy ra một số dấu hiệu vi phạm”, văn bản của tổ công tác liên ngành nêu.

Văn bản của UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu khắc phục tồn tại sau khi tổ liên ngành phát hiện một loạt hành vi vi phạm của các doanh nghiệp khai thác cát. Ảnh: NT. 

Văn bản của UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu khắc phục tồn tại sau khi tổ liên ngành phát hiện một loạt hành vi vi phạm của các doanh nghiệp khai thác cát. Ảnh: NT. 

Tháng 8/2023, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hiền Dung số tiền hơn 48 triệu đồng. Vi phạm được xác định là do công ty san gạt mặt bằng khi chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã thiếu kiểm tra, giám sát, có dấu hiệu buông lỏng quản lý nên Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hiền Dung tiếp tục san gạt trái phép khu vực phụ trợ và tuyển rửa được hơn 1.900m3 cát, sỏi. 

Huyện Na Rì cũng chậm trễ trong báo cáo về kết quả xử lý các tồn tại thuộc trách nhiệm của UBND huyện đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và sử dụng đất của Công ty cổ phần xây dựng thương mại Hiền Dung.

Kết luận của tổ công tác liên ngành nhận định, UBND huyện Na Rì và UBND các xã nơi có mỏ chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm. Chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo còn tình trạng thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra một số dấu hiệu vi phạm trong khu vực có khoáng sản, gây nguy cơ thất thoát khoáng sản. Thực hiện chưa tốt Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/08/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn về tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản sai quy định.

Để khắc phục tồn tại, UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu Công ty Cổ phần bê tông và vật liệu xây dựng An Bình chấm dứt ngay hành vi thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ dân tại khu vực xây dựng công trình phụ trợ, tổng diện tích 2.138m2. Lắp đặt trạm cân, dừng việc bán đá cuội khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép…

Đối với mỏ cát sỏi Hợp Thành – Hát Lài, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại Hiền Dung đình chỉ mọi hoạt động tại khu vực phụ trợ 2 cho đến khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép, chấm dứt ngay tình trạng thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp trái quy định. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ nguồn thải, thu gom, xây dựng kho chứa chất thải nguy hại theo đúng giấy phép môi trường.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Sao Mai Bắc Kạn lập hồ sơ trả lại đất khu vực phụ trợ thuộc mỏ Cốc Coóc-Bản Pò, thời gian thực hiện xong trong quý I năm 2024, sau thời điểm này sẽ xem xét xử lý theo quy định. Lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường trước khi đi vào khai thác, chế biến khoáng sản.

Sông Bắc Giang bị đào bới nham nhở bởi các hoạt động khai thác cát. Ảnh: NT. 

Sông Bắc Giang bị đào bới nham nhở bởi các hoạt động khai thác cát. Ảnh: NT. 

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng yêu cầu huyện Na Rì kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc cấp huyện, xã trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường và xây dựng do để xảy ra nhiều vi phạm mà không thanh tra, kiểm tra kịp thời.

Dư luận tại huyện Na Rì cho rằng, sông Bắc Giang có nguồn khoáng sản (vàng sa khoáng), vì vậy việc doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp của người dân ngoài khu vực mỏ để xây dựng khu phụ trợ liệu có mục đích nào khác ngoài xây dựng nhà làm việc hay lấy cát, sỏi hay không. Vấn đề này cần được cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.