| Hotline: 0983.970.780

Giấy phép cải tạo đất đang bị biến tướng như thế nào?

Thứ Ba 23/01/2024 , 09:12 (GMT+7)

Được huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho phép cải tạo đất, nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp đã đổ đất tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường, xâm hại đầu nguồn sông Cầu.

Vị trí đang san ủi tạo mặt bằng tại xã Quang Thuận, từ đây đất đá được chở đi đổ vào những khu đất mà các hộ đang xin cải tạo đất ở hai xã Quang Thuận và Dương Phong (huyện Bạch Thông). Ảnh: Ngọc Tú. 

Vị trí đang san ủi tạo mặt bằng tại xã Quang Thuận, từ đây đất đá được chở đi đổ vào những khu đất mà các hộ đang xin cải tạo đất ở hai xã Quang Thuận và Dương Phong (huyện Bạch Thông). Ảnh: Ngọc Tú. 

Năm 2023, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có văn bản chấp thuận cho hộ ông Nguyễn Văn Đán (thôn Nà Thoi) cải tạo đất, diện tích gần 1.700m2. Nguồn đất để cải tạo lấy từ việc san gạt của một số hộ ở gần đó, khối lượng hơn 7.000m3.

Theo văn bản của UBND xã Quang Thuận, trong quá trình thực hiện gia đình ông Đán có biện pháp không gây sạt lở đất, sụt lún, xói mòn các lô đất liền kề, thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Tương tự như vậy, năm 2023, xã Quang Thuận cũng chấp thuận cho hộ ông Hà Lưu Sửu cải tạo hơn 2.000m2 đất, do khu vực này thấp hơn so với mặt đường. Nguồn gốc đất cũng lấy từ các hộ được cấp phép san gạt đất ở gần đó, gia đình cũng cam kết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.

Cam kết là vậy nhưng thực tế hoàn toàn khác, khảo sát của phóng viên báo Nông nghiệp Việt Nam cho thấy, tại các vị trí cải tạo đất này diễn ra tình trạng đổ thải tràn lan, đổ đất vượt chỉ giới, xâm hại đầu nguồn sông Cầu.

Hộ ông Nguyễn Văn Đán, khối lượng đất đổ để cải tạo khoảng 7.000m3, nhưng thực tế lớn hơn nhiều lần, đất đổ tràn xuống chỉ còn cách mặt nước sông Cầu khoảng 1m. Đối với thửa đất xin cải tạo của ông Hà Lưu Sửu, nhìn bằng mắt thường cũng thấy, khối lượng đất đã đổ xuống cũng rất lớn, tràn xuống lòng sông Cầu.

Đất đá đổ tràn lan xâm hại đầu nguồn sông Cầu. Ảnh: Ngọc Tú. 

Đất đá đổ tràn lan xâm hại đầu nguồn sông Cầu. Ảnh: Ngọc Tú. 

Hành vi đổ đất xâm hại sông Cầu còn diễn ra ở xã Dương Phong (huyện Bạch Thông), đáng chú ý nhất là trường hợp của hộ ông Trịnh Văn Thu xin cải tạo đất ở thôn Khuổi Cò. Văn bản chấp thuận phương án cải tạo đất của UBND xã Dương Phong cho phép gia đình ông Thu bồi thêm đất màu cao khoảng 0,5m để san gạt trên bề mặt thửa đất đảm bảo cho canh tác ổn định lâu dài. Quá trình thực hiện phát hiện hành vi đổ đất đá quá chỉ giới, sát mép sông và có nguy cơ cao sẽ trôi xuống dòng sông Cầu.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, sau khi được chấp thuận cho cải tạo đất, các hộ nói trên và chính quyền địa phương thiếu giám sát, để đổ đất tràn lan, gây dư luận xấu trong nhân dân.

Thực tế cũng cho thấy, việc cải tạo đất đang bị một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để đổ thải trong quá trình múc đất đồi, thậm chí đổ thải dự án cải tạo đường giao thông đoạn qua xã Quang Thuận và Dương Phong.

Mục đích chính của việc cải tạo đất là tôn nền, phủ lớp đất màu để tăng độ phì nhiêu cho đất, tuy nhiên thực tế các điểm xin cải tạo đất là đất đá đổ thải, không có nhiều chất dinh dưỡng.

Vị trí hộ dân xin cải tạo đất sau đó doanh nghiệp đổ đất đá tràn lan xuống sông Cầu. Ảnh: Ngọc Tú. 

Vị trí hộ dân xin cải tạo đất sau đó doanh nghiệp đổ đất đá tràn lan xuống sông Cầu. Ảnh: Ngọc Tú. 

Trước thực trạng này, ngày 16/1/2024, UBND huyện Bạch Thông cùng chính quyền hai xã Quang Thuận, Dương Phong đã đi kiểm tra, xác định các điểm xin cải tạo đất xảy ra nhiều vi phạm.

Sau khi kiểm tra, ông Lộc Hữu Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận thừa nhận, việc giám sát quá trình cải tạo đất chưa được tốt, xã sẽ tiếp tục làm việc với doanh nghiệp đang san ủi đất và gia đình đang cải tạo đất để khắc phục ngay trong thời gian tới để đảm bảo môi trường.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Phong cho biết, xã chưa giám sát chặt chẽ việc đổ đất để cải tạo mặt bằng dẫn đến đổ đất tràn xuống sông Cầu gây ảnh hưởng đến môi trường. Đối với hộ ông Trịnh Văn Thu xã sẽ thống nhất yêu cầu gia đình hót dọn phần đất đổ vượt chỉ giới để đất đá không tràn xuống sông Cầu.

Sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường, ông Hoàng Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông thông tin, theo quy định chỉ giới từ lòng sông đến hai bờ là 20m, trong chỉ giới này không được phép xâm hại. Tuy nhiên tại các vị trí cải tạo đất này đã đổ tràn lan xuống chỉ còn cách mép nước khoảng 1m, có những vị trí chỉ còn 0,5m.

Theo ông Kiệm, hiện nay huyện đã yêu cầu những cá nhân vi phạm khắc phục hậu quả, múc, hót dọn đất đá trả lại mặt bằng đúng hiện trạng ở những vị trí vi phạm.

Sông Cầu đoạn qua xã Quang Thuận và Dương Phong đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Sông Cầu đoạn qua xã Quang Thuận và Dương Phong đang bị xâm hại nghiêm trọng. Ảnh: Ngọc Tú. 

Tại Bắc Kạn, do địa hình chủ yếu đồi, núi nên nhu cầu san ủi tạo mặt bằng rất lớn, khối lượng đất đá cần chở đi đổ thải cũng nhiều. Không chỉ nhu cầu của người dân, các dự án mở đường giao thông cũng có nhu cầu rất lớn về đổ thải. Những năm gần đây, ngoài việc đổ thải vào những bãi thải đã được cấp phép, tình trạng cá nhân, doanh nghiệp liên hệ với người dân tìm những khu đất phù hợp sau đó xin cải tạo đất rồi đổ đất đá tràn lan đã diễn ra.

Thực tế, có hộ không có nhu cầu cải tạo đất nhưng khi  được doanh nghiệp hứa hẹn trả một khoản tiền cũng đứng ra xin chính quyền xã cải tạo đất, sau đó để doanh nghiệp đổ thải đất đá.

Với thực trạng như hiện nay, nếu không có giải pháp giám sát chặt chẽ, việc cải tạo đất sẽ bị lợi dụng để đổ thải đất đá, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, hủy hoại tài nguyên đất.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.