| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp lúa giống 'than trời' vì bị giả mạo thương hiệu tràn lan trên mạng

Thứ Tư 29/11/2023 , 10:31 (GMT+7)

Các đối tượng sử dụng rất nhiều fanpage, cắt ghép hình ảnh và tự xưng là doanh nghiệp uy tín trong ngành hạt giống để rao bán nhiều loại giống lúa không rõ nguồn gốc.

Theo phản ánh của Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed (ThaiBinh Seed), hiện nay trên mạng xã hội facebook xuất hiện rất nhiều trang fanpage mạo danh công ty, tự ý đăng tải những thông tin, hình ảnh, quảng cáo không chính xác về các loại giống lúa mà công ty đang sở hữu và phân phối trên thị trường, nhằm đánh lừa người tiêu dùng, thu lợi bất chính.

Nhiều fanpage mạo danh các doanh nghiệp lúa giống uy tín rao bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều fanpage mạo danh các doanh nghiệp lúa giống uy tín rao bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Trung Quân.

Các đối tượng đã sử dụng rất nhiều fanpage, số điện thoại và địa chỉ khác nhau để bán hàng. Có thể kể tên một số trang fanpage giả mạo như: Nông nghiệp 3 miền (có 5 fanpage dùng chung 1 tên gọi này); hạt giống nhập khẩu Nhật Bản; Công ty Cổ phần lúa giống Việt Nam; giống lúa vàng; hạt giống F1 nhập khẩu… Hình thức hoạt động của các fanpage là cắt ghép hình ảnh, video và mạo danh ThaiBinh Seed rao bán giống Thái Xuyên 111, TBR225, TBR97…

Khi gọi điện theo các số điện thoại quảng cáo bán giống Thái xuyên 111, có đầu số giới thiệu là đại lý của Công ty Thái Bình, kho hàng đặt tại huyện Đông Hưng (Thái Bình); có số lại giới thiệu kho hàng đặt tại các tỉnh như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng và khẳng định giống là của công ty, giá bán 100.000 đồng/kg, kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn như mua 5kg tặng 1kg, số lượng ít hay nhiều vẫn được giao hàng tận nhà, bốc thăm trúng thưởng...

Trong khi đó, theo đại diện của ThaiBinh Seed, Thái Xuyên 111 là giống lúa lai 3 dòng, sản phẩm hợp tác giữa Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao - Trường Đại học Nông nghiệp Tứ Xuyên (Trung Quốc) với Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, được công nhận giống Quốc gia năm 2010. Hiện tại, ThaiBinh Seed là đơn vị duy nhất ở Việt Nam được quyền phân phối giống lúa này và toàn bộ nguồn giống được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cũng bởi là giống lúa nhập khẩu nên giá bán tại thị trường Việt Nam đang ở mức 152.000 đồng/kg.

Việc mạo danh và bán các sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất của người dân. Ảnh: TBS.

Việc mạo danh và bán các sản phẩm kém chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp và hoạt động sản xuất của người dân. Ảnh: TBS.

Đặc biệt, các đối tượng chỉ giao hàng cho khách đặt mua tại khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Nam và chủ yếu ở các huyện miền núi. Bởi vì, ở những khu vực này, người dân có nhu cầu sử dụng Thái Xuyên 111 lớn nhưng chưa được tiếp cận nhiều với sản phẩm chính thống, cộng thêm tâm lý thấy giá bán rẻ hơn của công ty là đổ xô đặt hàng qua mạng mà không tìm hiểu kỹ lưỡng nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm.

Theo bà Trần Thị Trà, Phó Tổng giám đốc ThaiBinh Seed, việc lập tài khoản trên facebook để quảng cáo bán các giống lúa không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém đã xảy ra từ nhiều năm nay và ngày càng có xu hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm người dân chuẩn bị giống cho vụ sản xuất mới. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối và gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, làm doanh nghiệp bị mất uy tín, mất thị trường tiêu thụ, thiệt hại rất lớn về kinh tế. Người mua không phân biệt được đâu là sản phẩm chất lượng và không chất lượng.

Nguy hại hơn, những giống lúa kém chất lượng nếu tiếp tục được bày bán tràn lan, gieo trồng với diện tích lớn sẽ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng, thu nhập của các hộ trồng. Rộng hơn là người dân mất niềm tin vào hoạt động sản xuất lúa, khủng hoảng an ninh lương thực, phá vỡ nỗ lực sản xuất lúa phát thải thấp mà Việt Nam đang theo đuổi…

Nhiều fanpage rao bán giống lúa chưa có trong danh mục được phép kinh doanh và bao bì sản phẩm không đúng theo tiêu chuẩn quy định. Ảnh: Trung Quân.

Nhiều fanpage rao bán giống lúa chưa có trong danh mục được phép kinh doanh và bao bì sản phẩm không đúng theo tiêu chuẩn quy định. Ảnh: Trung Quân.

Bà Trà cũng lưu ý, đối với các sản phẩm của ThaiBinh Seed, người dân chỉ mua lúa giống thông qua các nhà phân phối, đại lý, cơ sở bán lẻ được ủy quyền của ThaiBinh Seed để tránh hàng giả. Bên cạnh đó, cẩn thận với các sản phẩm giống lúa rao bán trên facebook với mức chiết khấu lớn hơn mức bình thường mà người mua có thể nhận được từ các nhà phân phối, đại lý.

Không mua giống từ các nguồn không minh bạch thông tin kể cả trực tiếp và online. Kiểm tra kỹ nhãn hiệu gắn trên sản phẩm trước khi mua hàng. Không mua các sản phẩm lúa giống của ThaiBinh Seed khi bao bì đã được đóng lại, tái sử dụng hoặc giả mạo theo bất cứ cách nào…

Theo ghi nhận, ngoài trường hợp của ThaiBinh Seed, hiện nay trên mạng xã hội facebook xuất hiện rất nhiều fanpage tự xưng là các công ty có uy tín trong ngành hạt giống để rao bán nhiều loại giống lúa khác nhau. Ví dụ, tự xưng là Công ty Cổ phần giống cây trồng Việt Nam rao bán giống Thụy Hương 308, Thiên ưu 8 nhưng lại khẳng định 100% giống này nhập khẩu từ Nhật Bản. Tự xưng là trung tâm hạt giống nông nghiệp rao bán một số sản phẩm không có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam như VST899, giống lúa khổng lồ Nhật Bản với bao bì sử dụng tiếng Nhật Bản, sơ sài, không có địa chỉ, tên đơn vị sản xuất.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm