| Hotline: 0983.970.780

Nhiều hộ dân mua phải lúa giống giả:

Giống lúa Nghi Hương 305 không tem mác

Thứ Hai 16/03/2020 , 13:30 (GMT+7)

Nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu mua phải lúa giống giả. Và nếu mùa vụ thất bát sẽ ảnh hưởng nặng nề tới đời sống.

Một hộ dân ở Sa Pả, thị xã Sa Pa (Lào Cai) lo lắng khi mua phải giống lúa Nghi Hương 305 giả. Ảnh: Hải Đăng.

Một hộ dân ở Sa Pả, thị xã Sa Pa (Lào Cai) lo lắng khi mua phải giống lúa Nghi Hương 305 giả. Ảnh: Hải Đăng.

Gói lúa giống khác năm ngoái một chút

Sa Pả, thị xã Sa Pa (Lào Cai) nay đã được lên phường nhưng đời sống bà con còn nhiều khó khăn. Đã có đường bê tông lên Sa Pả nhưng chỉ vừa một thân xe. Ô tô vào không may gặp xe ngược chiều đi ra là khốn khổ. Vì vậy, tiện nhất vẫn là đi xe máy nhưng đường ngoằn nghèo và khá xa quốc lộ…

Chưa hết tháng 3 nhưng ông Thào A Chinh (thôn Sả Séng, phường Sa Pả) đã mua sẵn hơn chục kg lúa giống vì sợ “cháy hàng”.

Ông Chinh cho biết, gói lúa giống năm nay cũng ghi tên Nghi Hươg 305 na ná như năm ngoái, nhưng vẫn có gì đó khác khác. Ông Chinh vừa nói vừa đem hết 14 gói lúa giống ra sân mà ông mới mua được ở một cửa hàng tận Lai Châu cho chúng tôi xem.

“Năm ngoái nhà tôi cùng gieo từng này lúa giống, cho gần 5.000 mét vuông ruộng. Khoảng tháng 4 thì gieo hạt, cuối tháng 8 thì thu hoạch. Lúa Nghi Hương 305 này hạt gạo mẩy tròn đều, nấu lên cơm dẻo thơm mà năng suất cao nên bà con rất là thích”, ông Chinh nói.

Ở trong nhà ông Chinh cũng vẫn còn gạo thu hoạch từ vụ trước, nên vợ ông nắm một nắm gạo Nghi Hương 305 ở trong hũ như để minh chứng cho lời nói…

Cả thảy 14 gói lúa giống ông Chinh mới mua tìm đỏ mắt trên vỏ bao bì cũng không có lấy một chiếc tem nào ghi đơn vị nhập khẩu, tem chống hàng giả. Thế nên ông Chinh nghi ngại năm nay mua phải lúa giống giả nhỡ mất mùa thì cả nhà… chết đói.

Ông Chinh nói, “135 nghìn đồng một kg đóng trong túi nilon, cái gói này khác một tí. Năm ngoái không còn giữ vỏ bao cũ nên không phân biệt được”.

Trong khi đang trò chuyện, một số hộ trong thôn cũng đến thắc mắc với chúng tôi lúa giống không giống năm ngoái. Không có tem nhãn đơn vị nhập khẩu, tem chống hàng giả trên bao bì sản phẩm.

Ông Thào A Dũng cũng người thôn Sả Séng băn khoăn khi 10kg lúa giống được đóng bao nilon cẩn thận nhưng chỉ có in một số thông tin cơ bản. Ông Dũng cho biết, giống này chúng tôi trồng rồi nên năm nay cùng nhau đi mua. Có mấy nhà toàn mua ở đấy hết.

Tất cả những gói lúa giống chúng tôi xem của những hộ dân ở Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai) đều là hàng giả. Ảnh: Hải Đăng.

Tất cả những gói lúa giống chúng tôi xem của những hộ dân ở Sa Pả (Sa Pa, Lào Cai) đều là hàng giả. Ảnh: Hải Đăng.

Cùng một loại giống, 2 giá

Ở thôn Ngài Thầu Cao, xã Khun Há, huyện Tam Đường (Lai Châu) cũng như bà con người Mông ở Sa Pả, bà con chủ yếu canh tác trên ruộng, nương bậc thang, ít nước phụ thuộc nước trời. Trong khi giống Nghi Hương 305 lại rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở những nơi này nên chưa đến vụ, họ đã mua hàng chục kg lúa giống này về để sẵn trong nhà, chỉ chờ đến vụ là xuống giống.

Khi chúng tôi có mặt ở đây, nhiều người trong thôn thắc mắc, “cái này (gói lúa giống Nghi Hương 305) mình cũng không biết tem, mác nó ở đâu cơ”.

Ông Lồ A Lù cho biết: "Nhà tôi mua 18 kg, còn nhiều nhà khác mua 20-30 kg lúa giống. Chúng tôi đều mua ở kho dưới huyện, cách cây xăng cây xăng mấy trăm mét".

Cũng theo ông Lù, bà con ở đây làm nông nghiệp nhiều nên phải chọn giống lúa tốt chứ mua phải giống rẻ tiền, không năng suất. “Càng diện tích ít thì càng phải mua giống tốt mới năng suất mới cao”, ông Lù nói.

Các gói lúa giống mà ông Lù mang ra cho chúng tôi xem cũng tương tự như những gói lúa giống bà con Mông ở Sa Pả mua. Tất cả mấy chục gói lúa giống mua về đều không có tem nhãn của nhà nhập khẩu, tem chống hàng giả.

Còn ông Chứ A Trùng cho biết, ở thôn này họ mua nhiều lắm, nhà ông có mua hai loại giống lúa nên Nghi Hương 305 chỉ mua 7kg thôi.

Nghi Hương 305 là giống lúa được một đơn vị nhập khẩu, phân phối độc quyền tại Việt Nam. Song do dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên tới nay giống lúa này chưa thể nhập về để bán cho bà con. Thế nhưng lạ là giống lúa này lại xuất hiện ở tỉnh miền núi như Lai Châu.

Cũng theo ông Trùng, từ năm ngoái đã có hai loại giống lúa Nghi Hương 305 gồm một loại rẻ và một loại đắt. Người bán tư vấn lúa giống loại trung ương là 150 nghìn đồng, còn loại địa phương là 135 nghìn đồng, không tem mác nhưng ở đây chỉ có loại 135 nghìn đồng.

“Có hai loại dân mua loại nào thì mua”, ông Trùng nói. Giải thích việc tích lúa giống sớm ông Trùng cho biết, giống Nghi Hương 305 này dân mình thích nên mua nhiều chứ đến lúc mình gieo cấy là không còn giống nữa.

“Nhiều lúc muốn có giống tốt thì phải mua sớm, còn mua giống rẻ thì thường kém chất lượng”, ông Trùng nói.

Cũng theo ông Trùng, năm nay giống Nghi Hương 305 cũng có khả năng khan hiếm như năm ngoái bởi ngay cả bà con ở Sa Pa cũng phải sang tận Lai Châu mua về.

Khi bà con ở thôn này xúm lại để xác minh lại lần nữa để chắc chắn rằng gói lúa giống của mình mới mua được là hàng giả thì bà con cho biết, mất mùa thì dân lại kêu lên thôi chứ cũng không biết làm thế nào.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.