| Hotline: 0983.970.780

Doanh nghiệp Mỹ Latinh tìm kiếm nguồn cung tại Việt Nam

Thứ Năm 14/09/2023 , 13:36 (GMT+7)

Mỹ Latinh là thị trường xuất khẩu tiềm năng và quan trọng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, gỗ, hàng dệt may, da giày…

Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Đặng Tuấn Anh.

Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: Đặng Tuấn Anh.

Từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại - đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường.

Chỉ trong vòng 5 năm, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng gấp đôi từ mức 14,2 tỷ USD của năm 2018 (cũng là năm đầu tiên Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh được tổ chức) lên mức 23 tỷ USD năm 2022.

Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết như thế tại Diễn đàn thương mại Việt Nam - Mỹ Latinh năm 2023 trong khuôn khổ Diễn đàn xuất khẩu xuất khẩu do Bộ Công thương và UBND TP.HCM tổ chức sáng 14/9.

Theo ông Linh, xét về quan hệ thương mại của Việt Nam, Mỹ Latinh vẫn luôn nằm trong số các thị trường quan trọng nhất và là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…

"Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…”, ông Tạ Hoàng Linh cho biết.

Liên quan đến đầu tư, ông Linh cho biết, Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng…

Song song đó, đã có 21 quốc gia Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam (đến hết năm 2022) với 117 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 673 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn còn khiêm tốn và chưa tương xứng với tiềm năng.

"Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ Latinh vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh như khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa trực tiếp, chi phí logistics cao, khác biệt về ngôn ngữ, thiếu thông tin thị trường và đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị và tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thương mại toàn cầu, trong đó có thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh", ông Linh nhìn nhận.

Nhà mua hàng quốc tế tìm hiểu về cà phê Việt Nam tại Viet Nam International Sourcing 2023. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhà mua hàng quốc tế tìm hiểu về cà phê Việt Nam tại Viet Nam International Sourcing 2023. Ảnh: Nguyễn Thủy.

8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022, cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.

Ông Mario Schuff, chuyên gia kinh tế, ngoại giao, Giám đốc phụ trách quan hệ Việt Nam – Argentina của Phòng Thương mại châu Á cho rằng, cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh là rất lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần có những bước đi bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong giao dịch thương mại với các nước Mỹ Latinh, cũng như những lưu ý cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác làm ăn với khu vực này, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc kinh doanh Công ty Napoli Coffee cho rằng, điều đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu tập quán tiêu dùng, kênh phân phối và điều kiện địa lý của nước muốn xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam nên mở L/C để hỗ trợ cả hai phía nhập và xuất.

"Do đây là thị trường xa, thời gian giao hàng lâu nên phải chọn bao bì đóng gói phù hợp với cách thức tiêu dùng và kênh phân phối ở Mỹ Latinh và thời gian sử dụng sản phẩm phải lâu hơn. Đặc biệt, nên chọn đơn vị vận chuyển hiểu thị trường và có những chứng nhận phù hợp với từng nước trong khu vực Mỹ Latinh”, bà Hà nói.

Trong khuôn khổ diễn đàn, có gần 30 đoàn doanh nghiệp Mỹ Latinh tham gia phiên kết nối B2B trực tiếp, qua đó, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội trực tiếp tìm hiểu nhu cầu, cũng như yêu cầu của đối tác, qua đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Mỹ Latinh trong thời gian tới.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lộc Trời ghi nhận doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng trong quý I/2024

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố hoạt động kinh doanh quý I/2024 với doanh thu đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.