| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp tự tin xuất khẩu đạt 54 - 55 tỉ USD

Thứ Tư 13/09/2023 , 06:00 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: 'Những chỉ tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN-PTNT chắc chắn sẽ về đích vào cuối năm 2023'.

Phát huy thị trường tiềm năng

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào về kết quả của ngành nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2023?

Tổng kết 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 33,21 tỉ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy có giảm nhưng không đáng kể. Riêng tháng 1 đã mất 15 ngày, như vậy thời gian để kịp thời bổ sung vẫn phải kéo về cuối năm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: 'Thặng dư của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong thặng dư của cả nền kinh tế'. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nói: "Thặng dư của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong thặng dư của cả nền kinh tế". Ảnh: Hồng Thắm.

Bên cạnh xuất khẩu đạt 33,21 tỉ USD thì thặng dư đạt 6,72 tỉ USD, tăng 6,4%, đây cũng là một chỉ tiêu rất quan trọng. Thặng dư của nông nghiệp chiếm tỷ lệ tương đối cao trong thặng dư của cả nền kinh tế. Năm 2022, thặng dư của ngành nông nghiệp đạt 8,76 tỉ USD, chiếm 77,41%, đây là nguồn ngoại tệ để mua trang thiết bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm nay, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 54 - 55 tỉ USD, đồng thời thặng dư thương mại tương đối tốt để góp phần vào công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước và ngành nông nghiệp nói riêng.

Còn chưa đầy 4 tháng nữa là hết năm 2023, Thứ trưởng có thể cho biết, ngành nông nghiệp có những giải pháp gì để xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mục tiêu 54 - 55 tỉ USD?

Xuất khẩu lúa gạo 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,85 triệu tấn, trị giá 3,7 tỉ USD, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là ngành hàng rất quan trọng trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu lúc này. Thời gian cho 1 vụ lúa chỉ có 3 tháng, theo đó cần tập trung cao độ vào vụ đông xuân và hè thu năm 2023 - 2024 để cả năm xuất khẩu hơn 7,5 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4 tỉ USD.

Xuất khẩu lúa gạo 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,85 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD. Ảnh: TL.

Xuất khẩu lúa gạo 8 tháng đầu năm 2023 đạt 5,85 triệu tấn, trị giá 3,7 tỷ USD. Ảnh: TL.

Đối tượng thứ hai cũng rất lợi thế đối với Việt Nam là rau, quả. 8 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 3,45 tỉ USD, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối tượng thứ ba là cà phê, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 2,94 tỉ, tăng 2,3%. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 325 triệu USD, tăng 26,1%; điều đạt 2,23 tỉ, tăng 9,8%.

Cơ cấu thị trường đã có thay đổi rất nhanh, thị trường Trung Quốc chiếm 21,9%, Mỹ 20,4%, Nhật Bản 7,5%, Philippines và Hàn Quốc 4,1%, châu Âu và các nước khác là 41,7%.

Như vậy với các đối tượng đang có lợi thế và các thị trường đang có tiềm năng, chúng ta sẽ có những giải pháp để thúc đẩy và phát huy.

Gỗ và lâm sản 17 tỉ USD, thủy sản 10 tỉ USD

Xuất khẩu gỗ và lâm sản; thủy sản, hai ngành hàng chủ lực đã giảm sâu từ đầu năm đến nay, liệu từ bây giờ đến cuối năm có thể đạt mục tiêu đã đề ra không, thưa Thứ trưởng?

"Những năm bao cấp, Việt Nam phải nhập 2 triệu tấn lương thực nhưng đến giờ đã xuất hàng chục triệu tấn. Cụ thể là lúa gạo năm nay sẽ xuất khẩu khoảng trên 7,5 triệu tấn và sẽ đạt trên 43 triệu tấn lúa; rau khoảng 19 triệu tấn; quả khoảng 18,6 triệu tấn. Về chăn nuôi phấn đấu đạt 7,6 triệu tấn thịt các loại, 18,5 tỉ quả trứng, 1,2 triệu tấn sữa. Thủy sản sẽ đạt trên 9 triệu tấn. Với những tiêu chí đó, chúng ta khẳng định an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,13 tỉ USD, thủy sản đạt 11 tỉ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản chỉ đạt gần 9 tỉ USD, thủy sản gần 6 tỉ USD, giảm 25-25,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như tôi đã giải thích, chúng ta mất 15 ngày tháng 1. Tuy nhiên phải nói là đơn hàng cũng giảm rất nhiều.

Thủ tướng Chính phủ đã họp với 2 hiệp hội là Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) để có những giải pháp kịp thời, đặc biệt có gói 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho 2 ngành hàng này. Tuy nhiên, khi tôi làm việc với VASEP và VIFOREST thì chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được.

Thứ nữa là hiện nay còn 1.600 tỉ đồng phải hoàn thuế của nông nghiệp. Vừa qua họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng cũng đã nói rất gay gắt về chuyện này nhưng vẫn chưa hoàn thuế được. Các doanh nghiệp chưa được hoàn thuế, chưa được vay vốn thì chưa có nguồn dự trữ. Tuy nhiên là khi trao đổi với Chủ tịch VIFOREST thì VIFOREST vẫn khẳng định sẽ quyết tâm đạt kim ngạch xuất khẩu 17 tỉ USD trong năm nay.

Còn với thủy sản, việc Trung Quốc cấm nhập thủy sản từ Nhật Bản khi Nhật Bản tiến hành xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý từ Nhà máy Fukushima Daiichi qua một cống ngầm dài khoảng 1 km ra biển, đây cũng là tình thế thời cơ của Việt Nam.

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thủy sản tổ chức hội nghị phát triển thủy sản trong tình hình mới để có giải pháp chủ động về mặt nguyên liệu, khi thị trường thuận lợi sẽ có một phần nguyên liệu ở ao, một phần ở kho để thúc đẩy và về đích được 10 tỉ USD.

Gỡ “thẻ vàng” IUU, cơ hội hẹp nhưng vẫn còn

Trong thời gian vừa qua, ngành thủy sản đã rất nỗ lực trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong thời tới, thưa Thứ trưởng, chúng ta sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU trong đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10?

Trong thời gian vừa qua, Trung ương, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất đầy đủ. Thứ nhất là Văn bản 81 của Thường trực Ban Bí thư, công điện, chỉ thị cũng đã có, gần đây nhất là Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 265 kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU. Cuối tháng 8 cũng đã họp Ban chỉ đạo IUU để chuẩn bị cho đợt thanh tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC, trong đó tập trung vào những việc quan trọng.

Thứ nhất là hoàn thiện 2 văn bản quy phạm pháp luật, gồm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản trước khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 4. Chắc chắn sẽ xong trước khi Đoàn thanh tra EC sang. Dù châu Âu nói rằng, văn bản quy phạm pháp bản của chúng ta đã đầy đủ nhưng việc hoàn thiện để phù hợp với giai đoạn lịch sử hiện nay thì vẫn có những sửa đổi nhất định, tuy nhiên đây là những sửa đổi không lớn.

Thứ hai là về quản lý đội tàu, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo từng tỉnh chứ không phải 28 tỉnh, thành ven biển như trước nữa.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: 'Quyết tâm không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với Đoàn thanh tra của EC rằng, chúng ta đã làm được việc rất khó này'. Ảnh: PTC.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: "Quyết tâm không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với Đoàn thanh tra của EC rằng, chúng ta đã làm được việc rất khó này". Ảnh: PTC.

Thứ ba là về truy xuất nguồn gốc, phải đưa ra những trường hợp cụ thể mà chúng ta đã xử phạt nghiêm, chẳng hạn như 7 tấn cá kiếm của một số doanh nghiệp vi phạm IUU… Điều này để khi EC sang, họ thấy rằng từ đợt kiểm tra thứ 3 sang đợt kiểm tra thứ 4, chúng ta đã nghiêm túc thực hiện.

Thêm một việc nữa là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Việc này của Bộ Quốc phòng nhưng cũng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh và Bộ NN-PTNT để từ nay đến khi EC sang không còn tàu vi phạm nữa. Từ đầu năm đến nay vẫn có 39 tàu cá, 252 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tuy đã giảm hơn so với năm 2022 nhưng đây vẫn là con số cảnh báo đối với vấn đề quản lý đội tàu.

Ngoài ra việc xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là xử lý tàu vi phạm, phải xử lý từng tỉnh. Tổng số vụ xử lý từ trước giờ hơn 4.000 vụ với 110 tỷ đồng. Đây là con số chung, còn bây giờ từng tỉnh phải cụ thể hóa, đã xử lý bao nhiêu vụ, bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu vụ chưa xử lý hay chỉ là cam kết. Đây cũng là một điểm mà Đoàn thanh tra EC nhấn mạnh là cần phải xử nghiêm.

Như Thứ trưởng chia sẻ, Việt Nam vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, như vậy cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU liệu có khả thi?

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nói, cơ hội gỡ “thẻ vàng” vẫn còn. Nếu năm nay không gỡ được "thẻ vàng" thì tháng 4/2024 châu Âu đã bầu cử chính quyền mới, lúc đó phải 1-2 năm sau mới có thể tháo gỡ được. Đây là cơ hội rất hẹp, tuy nhiên vẫn còn, vì thế phải quyết tâm cao để giải quyết, thứ nhất là không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để khẳng định với EC rằng, chúng ta đã làm được việc rất khó này. Thứ hai là xử lý vi phạm hành chính đã làm rất nghiêm. Thứ ba là đã xử phạt hành chính đúng hành vi theo Nghị định 42.

Đây là những điều chúng ta có thể chứng minh với EC về sự chuyển biến tích cực tiếp theo và với quyết tâm cao đã đạt được những kết quả rõ ràng. Hy vọng chúng ta sẽ gỡ được “thẻ vàng” trong đợt thanh tra lần thứ 4 này.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

(Thực hiện)

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất